Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Số trường tham gia đào tạo sư phạm hiện quá nhiều

17/08/2017 12:45 GMT+7

Sáng 17.8, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo để bàn về các giải pháp tháo gỡ những khủng hoảng trong tuyển sinh, đào tạo sư phạm hiện nay.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo một số vấn đề hiện nay của đào tạo sư phạm, trong đó có thực trạng tuyển sinh đợt 1 năm 2017 của các ngành sư phạm. Trong đó, ông Nhạ xác nhận việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn sư phạm đầu vào thấp đã khiến xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Điểm trung bình của thí sinh trúng tuyển sư phạm cao hơn so với 2 năm trước, nhưng nhìn tổng thể ngành sư phạm không tuyển được nhiều thí sinh điểm cao, nhiều trường, mặc dù điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, những vấn đề liên quan tới tuyển sinh, đào tạo sư phạm và dư luận vừa xới lên trong thời gian vừa qua là không mới. Vì thế, cuộc họp hôm nay sẽ bàn lại những vấn đề mà Chính phủ cùng Bộ Giáo dục-Đào tạo và các bộ ngành liên quan đã thống nhất với nhau, trong đó liên quan tới một đề án đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, mà theo đề án này thì tới năm 2020 sẽ không đào tạo ngành sư phạm ở trình độ cao đẳng.

tin liên quan

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Đừng bất chấp tuyển sinh!
Xung quanh thực trạng nhiều trường sư phạm cố tuyển sinh để "nuôi" bộ máy của trường bất chấp nhu cầu tuyển dụng của xã hội không cao, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nhà nước cần mạnh tay hơn trong việc siết chặt chỉ tiêu cũng như quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.
Ông nói: "Tháng 4.2016 tôi chỉ đạo và ký quyết định về phê duyệt đề án đào tạo đội ngũ ngành sư phạm. Đó là thời điểm ký, nhưng quá trình chuẩn bị là một năm rưỡi, nghĩa là cái mốc xuất phát điểm là 2015. Trong quyết định đó nói rõ đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người. Nhưng theo như Bộ GD-ĐT báo cáo, riêng năm 2015 chúng ta đã đào tạo 70.000 người, nghĩa là 2016 sẽ không được tuyển thêm ai. Cứ cho là mốc bắt đầu từ 2016, thì ngay năm đó ta đã cho chỉ tiêu xấp xỉ 60.000. Chúng ta đã có quyết định của Thủ tướng nhưng mà chúng ta không thực hiện nghiêm. Nếu thực hiện đúng thì từ năm ngoái đã phải tuyển rất ít cho ngành sư phạm, và năm nay sẽ không tuyển nữa mà chỉ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thôi".

Cuối cuộc họp, ông Đam một lần nữa khẳng định trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo viên đóng vai trò quyết định, tuy nhiên nhìn vào thực trạng hiện nay thì thấy chất lượng giáo viên chưa đồng đều. “Nói chung chúng ta có đội ngũ tốt nhưng một bộ phận còn chậm trong việc cập nhật kiến thức, kỹ năng, rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu nhất là khi đổi mới”, ông nói.

Liên quan đến chất lượng đào tạo trong hệ thống sư phạm, ông Đam cho rằng do số lượng các trường tham gia đào tạo sư phạm hiện nay quá nhiều, mà các địa phương quản là chính, số trường do Bộ GD-ĐT quản lý không nhiều. Việc phân bổ giáo viên có tính địa phương nên hầu hết giáo viên người ở tỉnh/thành nào thì học và dạy ở tỉnh/thành đó, nên nếu các địa phương không chú ý đến đào tạo sư phạm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục ngay tại địa phương.

Có thực trạng hiện nay là sinh viên tốt nghiệp sư phạm đi xin việc đúng nghề đã rất khó, đi tìm các việc trái nghề còn khó hơn. Trong khi đó các trường phổ thông hiện còn rất nhiều giáo viên vào hợp đồng và phải chờ đợi từ nhiều năm nay nhưng không có biên chế để được tuyển dụng chính thức.

“Tại sao điểm vào cao đẳng và một số trường đại học (ngành sư phạm) thấp như vậy? Không phải tất cả do chất lượng đào tạo sư phạm kém. Có một số trường sư phạm tốt, cả về điều kiện lẫn lực lượng giảng viên. Nguyên nhân chính là do đào tạo sư phạm ra trường khó xin việc”, ông Đam nói.

Theo ông Đam, đầu ra đảm bảo là yếu tố quyết định, trong khi chúng ta chưa đánh giá được thật sát nhu cầu nhân lực trong ngành sư phạm nên thừa thiếu cục bộ. Vì thế cần phải đánh giá rất sát điều này, bởi vì không thể nói dạy tốt mà lại thiếu giáo viên. Phải đánh giá, khảo sát giáo viên của từng cấp, từng môn, để xem giáo viên nào có thể chuyển đổi được thì chuyển đổi, hoặc để đào tạo lại để sử dụng tốt. Qua đó có sự đánh giá để tiến tới việc xem xét chuẩn hóa nâng dần trình độ lên.

“Đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá để xác định được mặt bằng các trường sư phạm ở địa phương. Có những địa phương có nhiều trường, quy hoạch theo hướng phân bố các trường đảm bảo đủ, không được thiếu. Hướng tới có một số trường trọng điểm, có chi nhánh ở các địa phương để đảo bảo chất lượng đồng đều”, Phó thủ tướng chia sẻ.

 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.