Trong những năm gần đây, đề thi THPT Quốc gia không có câu hỏi về nhân vật Mị cũng như tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tính từ năm 2002 cho đến nay, tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã xuất hiện 4 lần trên đề thi THPT với lần cuối cùng đã là năm 2013. Nhưng sự xuất hiện trở lại của nhân vật Mị trên đề tham khảo THPT quốc gia lần này đã gây ra rất nhiều thích thú cho học sinh.
Hy vọng Mị xuất hiện cả trong đề thi chính thức
Nguyễn Đình Khôi Nguyên, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Bùi Thị Xuân, Đồng Nai, cho biết rất thích thú khi đề tham khảo có câu hỏi đề cập đến nhân vật Mị. Theo Nguyên, Mị là nhân vật có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, đặc biệt là chi tiết đêm tình mùa xuân đã thức tỉnh được sức sống tiềm tàng của Mị. Đây cũng là chi tiết mà Mị thốt lên: “Mị còn trẻ! Mị muốn đi chơi”. Đó là câu nói mà Khôi Nguyên và các bạn học sinh đọc qua đều nhớ. “Mình thấy câu nói ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ vì các bạn học sinh cũng đang ở giai đoạn tuổi trẻ như Mị, cũng muốn được đi chơi, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, ai ở chỗ nào ở yên chỗ đấy như lúc này” - Nguyên chia sẻ
Theo Khôi Nguyên, mọi người yêu thích Mị là do ngay từ đầu, tác giả đã miêu tả Mị với những chi tiết gần gũi với tuổi trẻ, giúp học sinh tiếp cận, tìm hiểu nhân vật dễ dàng hơn. Mong muốn được đi chơi vào đêm tình mùa xuân, hay giải cứu A Sử và cùng chạy trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra với khát khao tìm lấy tự do, đó cũng chính là những điều mà tuổi trẻ mong muốn: được vui chơi, sự tự do và tình yêu đôi lứa…
|
“Mình cảm thấy khá buồn vì tác phẩm Vợ chồng A Phủ lại xuất hiện ở đề minh hoạ vì khả năng tác phẩm xuất hiện ở đề chính thức là rất thấp. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm dễ học, dễ cảm nhận, dễ phân tích, và mình tự tin thể hiện hết năng lực đối với những đề bài về Mị cũng như tác phẩm này. Vì thế, mình cũng rất mong tác phẩm này sẽ xuất hiện ở đề thi chính thức”, Nguyên thổ lộ .
Phan Võ Bảo Anh, lớp 12 Chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), hơi tiếc vì nhân vật Mị đã ra đề minh họa có thể sẽ không cho vào đề thi chính thức, vì đây là một tác phẩm hay và dễ cảm, dễ viết. Bảo Anh hy vọng Mị có thể xuất hiện lại trong đề thi chính thức.
Bảo Anh bộc bạch: “Ngay từ khi đọc tác phẩm, mình nghĩ mọi người sẽ thích thú với cô Mị. Mị xuất hiện trong tác phẩm là một cô gái vùng Tây Bắc, với những vẻ đẹp tinh thần của một người con gái Miền núi . Kiểu hình nhân vật rất ít khi xuất hiện trong các tác phẩm, hơn nữa xuyên suốt quá trình hành động và tâm lý của Mị gây ấn tượng cho nên nhân vật Mị dễ dàng được mọi người yêu thích”.
|
Cần tránh học tủ!
Cô Nguyễn Thị Anh Nga, giáo viên môn văn, Trường THPT Phú Hưng, Cà Mau, chia sẻ : “Hầu như tất cả học sinh đều thích tác phẩm Vợ chồng A phủ. Khi tiếp cận nhân vật Mị, học sinh đều thích thú, vừa cảm thương, vừa khâm phục nhân vật. Vì vậy, khi học đến tác phẩm này và đặc biệt là nhân vật Mị thì học sinh thường chủ động tìm hiểu và khám phá”.
Theo cô Nga, tâm lý của giáo viên và học sinh thường quan tâm đặc biệt đến những tác phẩm nhiều năm liền đề chưa ra. Khi đề tham khảo THPT quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT công bố thì cả giáo viên và học sinh đều có chút ngỡ ngàng, vì tác phẩm Vợ chồng A Phủ nhiều năm liền chưa ra trên cả đề thi chính thức và đề thi minh họa của những năm trước đó. Nhưng chúng tôi đã xác định từ trước là dạy và học tốt nội dung chương trình kiến thức, tránh học tủ để đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới.
|
Cô Nguyễn Thị Mỹ Tiên, giáo viên ngữ Văn Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai, cũng cho biết đối , mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật đều có những nét hay và nét độc đáo riêng. Không chỉ do tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã vắng bóng từ lâu mà giáo viên và học sinh trông đợi nhân vật Mị trong đề thi. Có thể do thời gian gần đây, nhân vật Mị được nhắc đến trong 1 bài hát được rất nhiều người yêu thích, nên mọi người thường xuyên nói đến nhân vật Mị và trở thành trào lưu.
"Việc làm một bài nghị luận văn học dù đề thi ra nhân vật Mị hay bất cứ một nhân vật nào khác trong chương trình văn học 12 không chỉ cần có sự yêu thích mà còn cần có kỹ năng viết. Học sinh nên trau dồi kỹ năng viết, nắm vững các yêu cầu khi làm bài nghị luận văn học, ví dụ như tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác, năm tháng tác phẩm ra đời, tâm tư tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm... Tất cả sẽ giúp học sinh tự tin và làm tốt được bài thi của mình ” - Cô Tiên chia sẻ.
Bình luận (0)