Sinh viên nên 'làm đẹp bảng điểm' hay chú trọng trải nghiệm ?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
24/12/2020 08:36 GMT+7

Đạt điểm đầu vào ĐH cao nhất và tốt nghiệp ĐH cũng cao nhất khóa, nhưng những ' thủ khoa kép ' hiếm hoi này lại khuyên sinh viên đừng học chỉ để lấy điểm cao.

Học để lấy kiến thức

Sáu năm trước, Trần Trọng Kha đậu vào ngành bác sĩ thú y của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM với số điểm 27 và trở thành thủ khoa đầu vào. Đây là chương trình tiên tiến có thời gian học 5 năm rưỡi, nhưng do dịch Covid-19 làm gián đoạn nên phải kéo dài thêm nửa năm. Kha vừa tốt nghiệp và tiếp tục là người có số điểm cao nhất khóa - 3,61/4 điểm.
Sinh viên nên “làm đẹp bảng điểm” hay chú trọng trải nghiệm ?

ẢNH: NVCC

Chia sẻ về việc làm thế nào để một thủ khoa đầu vào có thể giữ vững phong độ học tập để tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra, Kha cho biết: “Bản thân em không đặt nặng vấn đề thủ khoa, nên trong suốt quá trình học chưa bao giờ em đặt cho mình mục tiêu là phải đạt được thủ khoa đầu ra. Do đó em học với một tâm thế khá thoải mái và xác định học là để lấy kiến thức. Hai yếu tố em xem là cần thiết để học hiệu quả, đó chính là phải có động lực, niềm đam mê cho lĩnh vực mình học, trả lời được câu hỏi mình học vì mục đích gì?". Ngoài ra, theo Kha, sự kiên trì cũng vô cùng quan trọng vì nếu chỉ động lực thì không đủ để vượt qua các áp lực học tập.
Trong khi đó, Phan Nguyễn Vũ từng là thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM với số điểm 28, và cũng là thủ khoa đầu ra với điểm tốt nghiệp ĐH 8,87/10. Vũ vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính định lượng ĐH Amsterdam, Hà Lan. Thủ khoa “kép” này cho rằng yếu tố quan trọng nhất ngay từ khi học THPT là biết cân bằng giữa việc học và giải trí. “Nhiều bạn có xu hướng học rất chăm chỉ ở bậc phổ thông để đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH, nhưng khi vào ĐH lại “buông” để bù lại thời gian căng thẳng trước đó, dẫn đến kết quả sa sút. Đó là lý do không ít bạn đầu vào điểm rất cao, thậm chí thủ khoa, nhưng quá trình học lại không giữ được phong độ đó”, Vũ cho hay.
Sinh viên nên “làm đẹp bảng điểm” hay chú trọng trải nghiệm ?

Ảnh: V.P

Đối với Nguyễn Minh Huy, thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với số điểm 29,55 và thủ khoa tốt nghiệp năm 2020 với số điểm 9,75/10, thì việc đạt thủ khoa đầu vào không có gì đảm bảo sẽ tiếp tục là thủ khoa đầu ra. “Khi bước vào giảng đường ĐH, sinh viên tiếp cận những kiến thức hoàn toàn mới với phương pháp học tập khác biệt hoàn toàn so với bậc phổ thông. Do đó, phải thực sự nỗ lực và có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, sắp xếp thời gian... thật tốt”, Huy nhìn nhận.
Sinh viên nên “làm đẹp bảng điểm” hay chú trọng trải nghiệm ?

ẢNH: NVCC

Doanh nghiệp có coi trọng điểm số ?

Điều khiến mọi người ngưỡng mộ là thay vì học 4 năm mới tốt nghiệp, Minh Huy chỉ mất 3 năm để trở thành một cử nhân xuất sắc. Và ngay từ năm cuối, Huy đã được một tập đoàn ở Hà Nội tuyển dụng sau 3 vòng phỏng vấn gắt gao, với công việc là nghiên cứu về AI (trí tuệ nhân tạo).
Khi được hỏi liệu danh hiệu thủ khoa “kép” có là một lợi thế khi đi xin việc, Huy cho biết: “Danh hiệu thủ khoa giúp em gây ấn tượng với người tuyển dụng ở vòng hồ sơ, và nó chỉ có tác dụng ở vòng hồ sơ. Còn khi vào phỏng vấn, điểm số không mang nhiều ý nghĩa nữa mà năng lực và kiến thức mới đóng vai trò quyết định”.

Cân bằng được giữa kiến thức học thuật với trải nghiệm thực tế

Ông Lưu Hoàn Thành, Tổng giám đốc Công ty dầu nhờn Indopetrol, cho rằng bản thân doanh nghiệp rất thích tuyển dụng những sinh viên có trải nghiệm thực tế, ứng dụng được kiến thức đã học vào công việc. “Tôi đã từng tuyển kỹ sư có bảng điểm rất tốt, nhưng khi vào nhà máy lại không biết những thiết bị rất đơn giản thuộc lĩnh vực mình học là gì. Điều đó cho thấy có bạn chỉ chú tâm vào học kiến thức trên sách vở mà rất thiếu kiến thức thực tế. Quá trình học ĐH nếu chỉ học mà không hành thì không ứng dụng được kiến thức vào thực tế, ngược lại nếu chỉ hành mà không học thì lại không thể phát triển lâu dài”, ông Thành nhận định.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng giám đốc Công ty Daco Logistics, cũng cho rằng sinh viên phải biết quản lý thời gian để cân bằng được giữa kiến thức học thuật với trải nghiệm thực tế. “Một bạn nếu kết quả học tập tệ thì cũng không được đánh giá cao vì ý thức học tập như vậy là không tốt, có khả năng ý thức làm việc cũng không tốt. Tuy nhiên, một sinh viên ngành kinh tế muốn ứng tuyển nhân viên kinh doanh, có bảng điểm tốt mà nhà tuyển dụng hỏi về các kỹ năng như bán hàng, tiếp thị lại không biết, thì cũng không được nhận. Vì thế, các bạn cố gắng dung hòa cả hai”, ông Hiền nói.
Trần Trọng Kha cũng cho rằng danh hiệu thủ khoa chỉ gây ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng. “Khi nộp đơn ứng tuyển vào một công ty thuốc thú y ở TP.HCM, em không đề cập đến vấn đề điểm số và danh hiệu thủ khoa với công ty. Em nghĩ năng lực làm việc mới là thứ công ty cần ở mình”, Kha nói và cho rằng mình có quan điểm hơi khác, khi không khuyên sinh viên học để có điểm thật cao, mà muốn khuyên các bạn xác định điều mình cần và chú tâm học về nó. “Nên dành thời gian đọc sách và tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa để thu nạp tri thức mới và phát triển thêm các kỹ năng khác. Bản thân em thời sinh viên đã tham gia rất nhiều hoạt động về nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động tình nguyện ở trong và ngoài nước. Những trải nghiệm đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và có nhiều kỹ năng trong quá trình làm việc sau này”, Kha chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.