Sinh viên sư phạm tiếng Anh không mặn mà dạy tiểu học?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
18/03/2021 08:01 GMT+7

Nếu tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh bậc đại học thì sinh viên sẽ ưu tiên nộp đơn thi tuyển vào các trường THCS, THPT hoặc đi làm ở các trung tâm thay vì lựa chọn dạy ở bậc tiểu học.

Đây là thực tế diễn ra hiện nay vì theo nhiều nhà quản lý ở các trường tiểu học, cùng yêu cầu bằng cấp giống nhau, dạy ở các cấp lớn sẽ ít áp lực, thu nhập tốt hơn.

Nhiều lựa chọn cho sinh viên sư phạm tiếng Anh

Những năm trước đây, để đi dạy bậc tiểu học, ứng viên chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân tiếng Anh ở nhiều ngành khác nhau (như ngôn ngữ Anh) và có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Nhưng hiện nay, theo điều 72 luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên (GV) ở từng cấp học thì để dạy ở bậc tiểu học, THCS, THPT GV tiếng Anh phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV (sư phạm) trở lên.
Ngoài ra, theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30.9.2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” và Công văn số 792/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 25.2.2014 về việc hướng dẫn thực hiện yêu cầu cơ bản về năng lực GV tiếng Anh phổ thông của Bộ GD-ĐT thì GV tiếng Anh tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4 (tương đương bằng B2 đối với khung ngoại ngữ châu Âu) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
Được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực phía nam, TP.HCM có hàng chục trường ĐH, CĐ đào tạo các chuyên ngành về tiếng Anh nhưng lại chỉ có hai trường ĐH đào tạo mã ngành sư phạm tiếng Anh là Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Sài Gòn. Trên thực tế, chỉ tiêu mỗi năm của hai trường này chưa tới 300, không thấm vào đâu so với nhu cầu nhân lực của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khá nhiều sinh viên (SV) sau khi ra trường sẽ chọn theo hướng khác ngoài việc đi dạy vì đặc thù của công việc giảng dạy ở các trường hiện nay khá áp lực, gò bó trong khi mức chi trả thù lao không cao.
Theo ông Bình, khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng Anh, SV có thể đi dạy ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THPT; nhưng thường khi tốt nghiệp ĐH các em vẫn định hướng chủ yếu ứng tuyển vào các trường THPT, hay dạy ở các trường tư thục, trường quốc tế... Ngoài ra, SV sư phạm tiếng Anh cũng có thể ứng tuyển vào các vị trí cần kỹ năng Anh ngữ ở các công ty, doanh nghiệp nên SV có rất nhiều lựa chọn khi ra trường.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Đăng Thuấn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, thẳng thắn chia sẻ: “Mức lương đi dạy ở các trung tâm Anh ngữ hay các trường mầm non quốc tế, trung bình mỗi tiết khoảng 250.000 - 300.000 đồng, hoặc các em có thể đi làm ở các công ty có yếu tố cần sử dụng tiếng Anh cũng có mức thu nhập tốt hơn nhiều, áp lực nghề nghiệp lại ít hơn”.

“Lương trường công chỉ bằng 1/4 so với bên ngoài mà áp lực rất lớn”

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng Anh, chị Nguyễn Thị Thảo Ly (26 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) được vào làm việc tại một trường tiểu học ở Q.Tân Bình dưới dạng GV hợp đồng, nhưng chỉ sau 2 năm theo nghề, chị quyết định chuyển việc vì “cơm áo gạo tiền”.
Theo chia sẻ của chị Thảo Ly, với GV hợp đồng, nếu không dạy bán trú mỗi tháng tổng tất cả các khoản từ lương cứng, phụ cấp, tiền tăng tiết... chỉ được hơn 3 triệu đồng. Sau 2 năm bám trụ tại trường, mức lương cũng không tăng bao nhiêu nên chị đã đi dạy thêm ở một trung tâm Anh ngữ gần nhà.
“Khi đi dạy ở các trung tâm, mình đã được trả mức thấp nhất là 200.000 đồng/tiết/giờ. Nghĩa là lương ở trường chỉ bằng 1/4 mức chi trả này, trong khi dạy ở trung tâm mỗi lớp cao nhất chỉ khoảng 20 học sinh, còn ở trường công lập là 45 - 50 học sinh, chưa kể áp lực rất lớn từ việc làm sổ sách, theo dõi, chăm sóc học sinh”, Thảo Ly chia sẻ.
Trong khi đó, được biên chế chính thức và có thâm niên làm việc hơn 7 năm, dạy ngày 2 buổi và làm các công việc khác nhưng tổng thu nhập của cô Quỳnh Anh, GV tiếng Anh của một trường tiểu học Q.Bình Tân (TP.HCM), chỉ được khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Hiện đang là SV năm 3, ngành sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Ngô Thanh Thảo cho biết khi học thường định hướng của SV sau khi tốt nghiệp là đi dạy ở các trường THPT.
Tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chị Nguyễn Ngọc Nha Trang (32 tuổi) cho biết chị không chọn đi dạy mà theo một hướng khác. Hiện chị đang là trợ lý giám đốc tại Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu (TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.