Tết là một học kỳ không bài tập về nhà

Bích Thanh
Bích Thanh
27/12/2019 14:20 GMT+7

Tết là học kỳ về gia đình, là học kỳ về nữ công gia chánh, là sẻ chia… chứ không còn là những bài tập toán, tập làm văn là chia sẻ của thầy giáo trẻ với học sinh.

Ngày 27.12, học sinh Trường THCS- THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM) bày tỏ hào hứng và đầy cảm xúc trước chia sẻ của thầy giáo trợ lý thanh niên Trần Minh trên trang cá nhân về kỳ nghỉ tết sắp tới.

Theo đó, trên trang Facebook của mình, thầy Trần Minh viết: “Gửi các em học sinh yêu quý của thầy!

Đất nước mình trải dài trên mấy vĩ độ. Khi xuân về, nơi này mưa bụi bay bay và rét run người thì nơi khác gió Đông hây hẩy trong nắng hanh vàng.

Tết chính là học kỳ về GIA ĐÌNH. Khi ta có những ngày cảm nhận sâu sắc những điều tưởng vô cùng quen thuộc như quê nhà, tổ ấm, họ hàng thân thuộc, bạn cũ tình thâm... Là tết ấm trong gian bếp cũ, trong tim mọi người. Là tiếng gà gáy báo bình minh sau mảnh vườn ướt sũng sương đêm. Là biết mình đang lớn giữa những yêu thương và hy vọng”.

Thầy Minh khiến học trò rưng rưng xúc động khi viết về gian bếp trong ngày tết truyền thống thống với “Tết là học kỳ về NỮ CÔNG GIA CHÁNH. Là bánh tét tròn xanh lá, là bánh chưng vuông vắn để cúng giao thừa. Là chảo mứt gừng đang sên trên riu riu lửa đỏ. Là nồi thịt kho tàu, là hũ dưa hành. Là biết tảo tần tay mẹ, lòng bà. Là biết những thảo thơm làng xóm quê nhà. Là biết ta đã bớt vụng về trong gian bếp để thấu cảm về những bữa cơm nhà”.

Hay với thầy Minh, “Tết là kỳ học về ĐỊNH VỊ. Cho dù ta đã thành thạo những công cụ định vị của Google thì tết vẫn dạy ta định vị đường về nhà theo một cách thật đặc biệt nhất. Vì đường về nhà cũng là con đường đi thẳng vào tim.Tết dạy ta cách định vị những giá trị như chiếc neo để rồi giúp ta đủ tự tin để có thể đi thật xa như mình mong ước”.

Đặc biệt, thầy Trần Minh không quên gửi gắm học trò của mình: “Tết là học kỳ của THỨ THA. Những dỗi hờn trách giận phải lùi xa cùng năm tháng cũ. Vì phía trước có bao điều mới mẻ đang chờ ta cùng trải nghiệm. Tết còn dạy ta cách tha thứ với những thất bại của chính mình để có thể khơi nguồn sáng tạo, làm mình mới hơn khi năm mới đến.

Tết là học kỳ về SẺ CHIA. Là ta biết có một gia đình lớn bên ngoài gia đình nhỏ của mình. Là chia sẻ một nụ cười cho người xa lạ. Một chiếc áo ấm cho người vô gia cư. Một đôi dép nhỏ cho đứa trẻ vùng cao giá lạnh chân trần. Một bát cơm có thịt cho những ai đã quanh năm rau dại nấu muối cùng nước khe suối giữa rừng. Là gửi tết ấm cho em, cho chị, cho bà, cho ông, cho những ai còn khốn khó. Tết là khi ta thực sự lớn lên từ những chia sẻ như vậy.

Tết là học kỳ về QUẢN LÝ THỜI GIAN. Nhắc ta biết tháng ngày qua nghĩa là đi mất. Nhắc ta biết nhanh chân với những dự định, mục tiêu mà ta muốn đạt được trong ngắn ngủi cuộc đời”.

Kết thúc bức thư gửi học trò, thầy giáo Trần Minh viết: “Tết năm nay được nghỉ dài, hình như hơn 10 ngày thì phải. 10 ngày cho một khóa học thật đáng giá cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Một khóa học không sách vở, không bảng đen phấn trắng mà đi thẳng vào tim mỗi người”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, thầy Trần Minh cho biết ý tưởng gửi thư cho học trò xuất phát từ việc bản thân vừa dạy văn hóa vừa là người phụ trách hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong trường nên phần nào thấu hiểu tâm lý của học trò. Việc học không chỉ đơn thuần là kiến thức mà còn là những giá trị sống cần hun đúc. Dịp Tết Nguyên đán, với thời gian nghỉ kéo dài, bên cạnh thời gian nghỉ ngơi thì giúp học sinh có cái nhìn về giá trị sống qua những điều tưởng chừng như đơn giản, như thói quen”.

Thầy Minh nói tiếp, đó có khi chỉ là hũ dưa hành, nồi thịt kho… nhưng chứa đựng trong đó là tình yêu thương gia đình, sự chăm sóc, ghi lại dấu ấn của truyền thống gia đình vượt lên trên giá trị của món ăn đơn thuần.

Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Đào Duy Anh, cho hay thời gian nghỉ tết nhà trường định hướng giáo viên không gây áp lực, tạo không khí nặng nề đối với học sinh bằng những bài tập về nhà. Hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ tết thật vui vẻ và thoải mái. Có như vậy mới tạo động lực và hứng khởi bắt nhịp lại với việc học sau tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.