Thí sinh Hoà Bình: “Chúng em đang ở điểm nóng, sao có thể quay cóp được”

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/06/2019 14:03 GMT+7

Có mặt tại “điểm nóng” Hoà Bình trong ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019, cảm nhận rõ nhất là không khí làm thi được siết chặt ở tất cả các khâu. Thí sinh thì nói không dám nghĩ đến chuyện vi phạm.

Bộ GD-ĐT kiểm tra cán bộ làm thi có “thuộc bài” không

Sáng nay, 25.6, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT kiểm tra thi THPT tại Hoà Bình. Đây cũng là lần thứ hai, lãnh đạo Bộ GD-ĐT kiểm tra tại địa phương này trong kỳ thi năm nay, lần trước là kiểm tra công tác chuẩn bị thi.
Cảm nhận chung của PV Thanh Niên trong buổi thi đầu tiên tại “điểm nóng” Hoà Bình là không khí làm thi được siết chặt ở tất cả các khâu. Phóng viên đi theo đoàn của Bộ đều được yêu cầu không được tiếp cận gần khu vực phòng thi, bảo quản đề thi. Mỗi điểm thi thay vì chỉ có 2-3 cán bộ an ninh như trước, thì năm nay có tới 7 người làm nhiệm vụ này.
Phối hợp cùng làm nhiệm vụ coi thi năm nay ở Hoà Bình là cán bộ, giảng viên đến từ Trường ĐH Hà Nội và Học viện Chính sách - Phát triển. Điểm trưởng được tập huấn, hướng dẫn nhiều lần về quy chế thi, về những điểm mới trong kỳ thi năm nay nên đều thể hiện nắm rất vững quy chế.
Tại các điểm thi, đoàn kiểm tra của Bộ thay vì hướng dẫn, chỉ đạo như khi đi kiểm tra thi thì lần này, việc kiểm tra được đánh giá dưới dạng hỏi - đáp để xem các cán bộ làm nhiệm vụ thi có nắm vững quy chế và trách nhiệm, quyền hạn trong phần việc của mình hay không.
Thí sinh điểm thi THPT Nguyễn Trãi đang chờ nộp bài thi môn ngữ văn sáng nay Ảnh Tuệ Nguyễn
Trong đó, có nhiều câu hỏi về công tác bảo quản đề thi, bài thi, mở niêm phong đề thi phải tiến hành ra sao; trách nhiệm của thanh tra cắm chốt do sở GD-ĐT điều động thế nào… Việc mở niêm phong đề thi được các điểm trưởng khẳng định có ít nhất 4 người chứng kiến và ký vào biên bản, trong đó có điểm trưởng, điểm phó, thư ký điểm thi (đến từ trường ĐH) và cán bộ công an.
Tại điểm thi THPT Lương Sơn, Hoà Bình, Điểm trưởng Chu Văn Quân cho biết ngay 7 cán bộ an ninh cũng phải bốc thăm từng buổi về vị trí giám sát, chứ không cố định một chỗ. Ông Quân cũng tải hướng dẫn của cơ quan công an về nhận dạng các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao để từng giám thị ở điểm thi của mình nhận biết và kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Tại điểm thi THPT Nguyễn Trãi, Điểm trưởng Định Thị Tươi chia sẻ, với sai sót xảy ra năm trước nên những người tham gia kỳ thi năm nay ý thức được trách nhiệm rất nặng nề và áp lực tâm lý. Tuy nhiên, cô Tươi cũng khẳng định sẽ phối hợp với các thầy cô đến từ các trường ĐH, bằng lương tâm, trách nhiệm và sự cố gắng cao nhất để tham gia thực hiện một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.

Gần 70% thí sinh Hòa Bình thi chỉ để xét tốt nghiệp

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tâm lý của học sinh dự thi năm nay có bị ảnh hưởng gì sau “sự cố” thi cử của năm ngoái hay không, nhiều thí sinh của Hoà Bình cho biết, áp lực cũng chính là động lực để các em phải cố gắng ôn tập tốt hơn, để xã hội nhìn nhận rằng những sai phạm ấy không phải là phổ biến.
Nhiều thí sinh ở điểm thi THPT Nguyễn Trãi và THPT Lương Sơn đều khẳng định việc coi thi rất chặt chẽ, bản thân thí sinh cũng đã được quán triệt kỹ “Hoà Bình là đang là “tâm điểm” nên sẽ không thể có chuyện năm nay có thể tiêu cực trong thi cử”, một thí sinh nói.
Thí sinh Bùi Thanh Trà, điểm thi THPT Nguyễn Trãi, kết thúc buổi thi môn ngữ văn với tâm lý khá thoải mái. Trà nói mình tự tin với khoảng 50% bài làm và mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp nên sẽ cố gắng không để bài thi nào bị điểm liệt và đủ điểm tốt nghiệp, sau đó em sẽ đi học nghề.
Năm nay, Hoà Bình có tới gần 70% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, không đăng ký xét tuyển ĐH. Do vậy, với số thí sinh này, áp lực tham dự kỳ thi không quá căng thẳng.
Thí sinh Hoà Bình ký nộp bài thi môn thi đầu tiên Ảnh Tuệ Nguyễn
Ông Chu Văn Quân, Điểm trưởng điểm thi THPT Lương Sơn, cũng là Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân (Hoà Bình) trả lời câu hỏi về việc động viên, làm công tác “tư tưởng” cho học sinh của mình ra sao sau vụ việc năm ngoái, đã cho rằng sự động viên quan trọng nhất là trang bị kiến thức thật chắc cho học sinh, giúp các em có một tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi năm nay.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho rằng dù thiết bị gian lận công nghệ cao nhưng quan trọng nhất là vai trò của giám thị. Một phòng thi tối đa có 24 thí sinh nên nếu 2 giám thị làm tốt nhiệm vụ của mình thì không khó để phát hiện các biểu hiện bất thường của thí sinh.
Tăng cường kiểm tra ban đêm 
Ông Nguyễn Hữu Độ đánh giá: "Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hoà Bình và các điểm thi đã rất sát sao, nắm vững quy chế". Ông Độ đề nghị từ nay đến môn thi cuối cùng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra vào buổi đêm các điểm thi để đảm bảo khu vực bảo quản đề thi, bài thi được an toàn tuyệt đối. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.