Thí sinh trúng tuyển phương thức khác có nên xác nhận nhập học ?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/07/2021 08:28 GMT+7

Hiện nay, nhiều thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường ĐH bằng các phương thức tuyển sinh riêng. Trong đó, không ít trường hợp vẫn băn khoăn giữa việc nên xác nhận nhập học hay tiếp tục tham gia xét tuyển chung bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. .

Với những trường hợp này, chuyên gia tuyển sinh các trường có lời khuyên nào?

Hàng ngàn thí sinh đã trúng tuyển ĐH

Nhiều trường đã công bố kết quả các phương thức tuyển sinh riêng, đưa ra mức điểm thí sinh (TS) cần đạt được để trúng tuyển vào trường kèm tiêu chí phải tốt nghiệp THPT. Để trúng tuyển chính thức, các trường yêu cầu TS xác nhận nhập học ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp.
Bằng các phương thức xét riêng, hàng ngàn TS đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường ĐH. Đặc biệt, một vài trường đã tuyển được phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.
Chẳng hạn, theo đề án tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nếu TS trúng tuyển 4 phương thức tuyển sinh riêng nhập học đủ, trường này đã hoàn tất việc xét tuyển của 80 - 90% chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Trường chỉ còn khoảng 10 - 20% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp tại cơ sở TP.HCM, tương đương tối đa 1.170 TS (riêng phân hiệu Vĩnh Long còn 50% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp).
Năm nay Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM tuyển sinh theo 6 phương thức. Với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố, hơn 400 TS đầu tiên đã trúng tuyển vào trường. Theo đề án tuyển sinh đã công bố, trường này dự kiến có tối đa 75% chỉ tiêu cho các phương thức riêng và tối thiểu 25% cho xét điểm thi tốt nghiệp. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu, chỉ còn 3.000 chỉ tiêu xét điểm thi và hơn 3.000 TS xét bằng các phương thức khác.
Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng công bố kết quả xét tuyển của 3 phương thức đầu tiên. Hai phương thức tuyển sinh còn lại là xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực khoảng 30% chỉ tiêu (tương đương 650 TS) và xét điểm thi tốt nghiệp từ 40 - 45% chỉ tiêu (tương đương 900 - 950 TS).
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng có khoảng 700 TS đầu tiên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Trường tiếp tục xét điểm kỳ thi chung cho hơn 2.500 chỉ tiêu còn lại...
Ở phía bắc, một số trường ĐH cũng thông báo nhiều TS đủ điều kiện trúng tuyển phương thức riêng. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 1.300 TS đạt ngưỡng yêu cầu các ngành ĐH theo phương thức xét tuyển tài năng đợt 1 năm nay.

Trường hợp nào nên xác nhận nhập học?

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1 được công bố vào ngày 26.7 tới đây. Theo yêu cầu của các trường ĐH, TS đã tốt nghiệp cần xác nhận nhập học các phương thức khác bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi. Việc xác nhận này cần hoàn tất trước ngày 10.8 - hạn cuối các trường phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về kết quả sơ tuyển, kết quả tuyển sinh theo các phương thức riêng đã công bố trong đề án tuyển sinh.
Những TS đã xác nhận nhập học, được các trường cập nhật vào cơ sở dữ liệu trên, phần mềm sẽ tự động loại khỏi danh sách xét tuyển đợt 1 phương thức điểm thi tốt nghiệp. TS sẽ không được quyền tham gia xét tuyển, thực hiện điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức này thời gian tới. Do vậy, việc quyết định xác nhận nhập học hay đợi xét điểm thi tốt nghiệp là việc làm quan trọng nhưng cũng không ít băn khoăn của nhiều TS, phụ huynh trong giai đoạn này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, việc lựa chọn giữa 1 trong 2 hướng trên thực sự sẽ khó với một số trường hợp TS. “Các TS này cần thực hiện theo nguyên tắc, nếu đã trúng tuyển vào ngành và trường mình mong muốn học thì nên xác nhận nhập học. Trong trường hợp còn lại, các em nên đợi xét điểm thi tốt nghiệp”, tiến sĩ Trọng khuyên.
Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng với những TS còn phân vân trong tình huống này quan trọng nhất cần xác định được ngành trúng tuyển đã đúng ngành mình yêu thích chưa. Nếu trúng tuyển ngành mình yêu thích, vào một trường phù hợp thì việc xác nhận nhập học ngay là không cần bàn cãi. Ở trường hợp ngược lại, ngành đã trúng tuyển phương thức khác chưa thực sự yêu thích, TS cân nhắc thêm về năng lực bản thân và cơ hội trúng tuyển nếu xét bằng điểm thi. “Nếu khả năng điểm thi không cao, cơ hội còn lại không nhiều thì nên xem xét việc nhập học ngành đã trúng tuyển nếu ngành đó thuộc nhóm ngành gần với ngành yêu thích. Việc này tránh trường hợp đứng núi này trông núi nọ và nguy cơ mất cả chì lẫn chài”, tiến sĩ Dân phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng nói TS đã trúng tuyển đúng nguyện vọng mong muốn thì dù phương thức nào cũng nên xác nhận nhập học ngay. Bởi dù nhập học bằng phương thức nào thì đầu vào, chương trình học, học phí và bằng cấp cũng như nhau. Điều mà TS nên cân nhắc thêm, ngoài yếu tố ngành học yêu thích, chính là học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Bởi hiện ở các trường, cùng một ngành nhưng có nhiều chương trình với mức học phí chênh lệnh nhiều.
“Còn khi điểm các môn trong tổ hợp xét điểm thi tốt nghiệp thực sự tốt, TS không nên xác nhận nhập học bằng các phương thức khác nếu trúng tuyển vào nguyện vọng khác xa nguyện vọng số 1”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.
Thí sinh không thể hoàn thành thi đợt 1 được dự thi ở đợt tiếp theo
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm qua (16.7) có văn bản giao Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch Covid-19 có kế hoạch cụ thể tổ chức đợt thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021, bảo đảm an toàn, quyền lợi của TS và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022. Trong đó, Bộ GD-ĐT lưu ý rà soát, tạo điều kiện để các TS không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác nhau (trừ trường hợp gian lận) được dự thi ở đợt thi tiếp theo.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.