Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Sẽ đưa ra 'mức trần' thấp nhất khi tinh giản chương trình

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/03/2020 14:43 GMT+7

Sáng nay, 25.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 sở GD-ĐT để bàn việc thực hiện tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2, dạy học trực tuyến , dạy trên truyền hình nhằm đối phó dịch với Covdid-19.

Cần có nhiều phương án tinh giản chương trình 

Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: "Trước thực tế học sinh phải nghỉ học dài ngày, vấn đề đặt ra là làm sao tạo điều kiện để học sinh được học tập và quản lý việc học của các em trong thời gian này; đồng thời, tiếp tục triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh ở các đơn vị cơ sở, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào học đường".
Ông Độ nhấn mạnh, tình hình nghỉ học có thể kéo dài, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải xây dựng kế hoạch học tập và quản lý việc học ở nhà thế nào cho phù hợp. Bộ GD-ĐT đã banh hành một số văn bản, nhấn mạnh việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. "Vậy, cách tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình như thế nào trong thời gian nghỉ học? Có cách nào để công nhận kết quả học của học sinh?", ông Độ đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý học sinh bị phân tán, nên nội dung chương trình cũng cần được giảm nhẹ để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Bộ GD- ĐT đã thành lập các tiểu ban để tinh giản nội dung chương trình dạy học, làm sao rút ngắn thời gian, giảm nhẹ nội dung kiến thức, giúp học sinh học nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.
Nhiều ý kiến lãnh đạo các sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị băn khoăn vì hiện nay học sinh vẫn đang tiếp tục phải nghỉ học và chưa biết kéo dài đến bao giờ. Thậm chí, thời điểm kết thúc năm học là 15.7 mà Bộ GD-ĐT mới điều chỉnh cũng rất khó khả thi khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, đề nghị Bộ cần có nhiều phương án tinh giản chương trình ứng với nhiều kịch bản khác nhau vì dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc. Trong tình huống học sinh phải nghỉ học dài hơn thì Bộ cũng cần có phương án tinh giản mạnh hơn nữa.
Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, đề nghị việc điều chỉnh theo hướng tinh giản chương trình học kỳ 2 phải được xây dựng với quan điểm thống nhất trên cả nước với các điều kiện dạy học rất khác nhau.
Ông Truyền cho rằng, vì học sinh lớp 9, đặc biệt là lớp 12, phải chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, quỹ thời gian của cấp học không còn nên cần được tăng cường dạy học trên truyền hình như một giải pháp thay thế dạy học truyền thống. Nguyên tắc là học được đến đâu thì yêu cầu về đề thi dừng đến đó. Còn lại các lớp khác nếu không đủ thời gian thì dạy bù nội dung kiến thức chương trình còn thiếu của năm nay sang năm học sau.
Xung quanh các đề nghị này, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các tiểu ban rà soát để có hướng dẫn tinh giản chương trình trong tháng 3 cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện. 

Theo ông Độ, mục tiêu là giảm được từ 5 - 7 tuần so với chương trình hiện nay để đến ngày 15.7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. 

Theo ông Độ, Bộ sẽ phải đưa ra một “mức trần” thấp nhất trong phương án tinh giản chương trình trong điều kiện có thể bởi phải tính đến tình huống thời gian học trực tiếp còn quá ít. “Mong muốn đặt ra của Bộ là học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học này ở mức tối thiểu. Những phần nội dung còn thiếu hụt sẽ được bổ trợ vào năm học sau”, ông Độ nêu quan điểm.

Các điểm cầu tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tinh giản chương trình và dạy học từ xa

Ảnh Tuệ Nguyễn

Sẽ dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết dự thảo hướng dẫn việc dạy học và kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả dạy học trên truyền hình, dạy qua internet đã được Bộ GD-ĐT gửi các Sở GD-ĐT để xin ý kiến góp ý trước khi ban hành chính thức.
Ông Thành cho rằng, việc dạy học trên internet phụ thuộc vào nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng của cả người dạy và người học nên khó có thể áp dụng đại trà. Tuy nhiên, với việc dạy học trên truyền hình có thể áp dụng rộng rãi, cả ở những vùng khó khăn. Do vậy có thể xem đây là giải pháp dạy học thay thế để ứng phó với thực tế học sinh có thể còn tiếp tục phải nghỉ học kéo dài hơn nữa chứ không chỉ hết tháng 3.
Do vậy, ông Thành cho rằng, sẽ không chỉ dạy trên truyền hình với lớp 9, lớp 12 như nhiều địa phương đang làm hiện nay để phục vụ cho các kỳ thi, mà cần có kế hoạch dạy cho tất cả các lớp từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, hạn chế của hình thức này là không có sự tương tác nên mỗi nhà trường cần có kế hoạch, phân công giáo viên quản lý chặt chẽ học sinh.
Theo đó, giáo viên bộ môn phải nắm thời khóa biểu môn học, bài học trên truyền hình để soạn hệ thống câu hỏi, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước. Sau khi học sinh nghe giảng trên truyền hình thì giáo viên cần giao bài tập, sửa bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Ông Thành cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ TT-TT và các địa phương để bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ví dụ, học sinh THPT sẽ học vào buổi sáng, THCS học buổi chiều và học sinh tiểu học sẽ học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên theo dõi và hỗ trợ cho con vì lứa tuổi tiểu học chưa thể học một mình qua truyền hình được.
Mặc dù vậy, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT bày tỏ sự băn khoăn khi việc dạy trên truyền hình, dạy học trực tuyến đang gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện dạy học quá chênh lệch như hiện nay. Nếu dạy từ lớp 1 đến lớp 12 đòi hỏi thời lượng phát sóng rất dài, mà việc dạy học không thể "chiếm sóng" cả ngày trên kênh truyền hình địa phương.
Do vậy, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ về việc áp dụng đại trà và coi đây là hình thức dạy học “chính khoá”, thay thế dạy học trực tiếp. Bộ cũng cần phối hợp với đài truyền hình quốc gia, dành riêng một kênh để tiến hành dạy học cho học sinh thay vì để mỗi địa phương tự làm như hiện nay.
Ở khía cạnh khác, việc kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả dạy học trên truyền hình, dạy học qua internet, theo các giám đốc sở GD-ĐT, cần hết sức thận trọng, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu cho phép giảm bớt các bài kiểm tra so với quy định hiện hành.
Riêng bài kiểm tra định kỳ (kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học), các ý kiến đều thống nhất, chỉ thực hiện sau khi học sinh đã trở lại trường và được học trực tiếp chứ không thể đánh giá khi đang học từ xa được.
Chậm nhất ngày 26.3 sẽ ban hành hướng dẫn dạy học trên truyền hình

Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, chậm nhất là ngày 25.3, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn việc dạy học qua internet, trên truyền hình để các địa phương có căn cứ thực hiện. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ TT-TT để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi.

Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng pháp sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức. 

Do khối lượng bài giảng cho các môn học của tất cả các khối lớp là rất lớn (120 môn) nên Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các sở GD-ĐT cung cấp các bài giảng trên truyền hình để Bộ tổng hợp, lựa chọn phát sóng trên các kênh truyền hình cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.