Hôm nay (6.8), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 theo hình thức trực tuyến với tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ điều hành hội nghị.
Có mảnh đất nào thì bán xây nhà cao tầng, ít quan tâm xây trường
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhận định, dù trên bình diện chung, chúng ta có phấn khởi và đánh giá đúng mức sự phát triển của ngành GD-ĐT nước nhà, nhưng vẫn còn nhiều bức xúc, chưa yên tâm vì nhiều việc chưa làm xong, chưa làm tốt.
Một trong những việc Thủ tướng cho là “chưa làm xong, chưa làm tốt” là công tác rà soát, sắp xếp hệ thống trường còn kém; còn để thừa, thiếu trường lớp, học sinh phải đi xa nhà; việc sắp xếp, quy hoạch trường học còn có tính cơ học, gây khó khăn cho phụ huynh và cho học sinh; rồi việc sắp xếp các cơ sở đào tạo đại học cũng còn chậm.
Theo Thủ tướng, nhiều địa phương chỉ bố trí đảm bảo giáo viên theo định mức quy định, dẫn đến quá tải. Ví dụ ở Hà Nội, có lớp đến trên 60 học sinh, trong khi định mức chúng ta đưa ra là 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 ở trung học.
“Cái này là do chúng ta áp dụng máy móc. Tôi đã chỉ đạo rất sớm, ở đâu có học sinh đi học thì phải bố trí giáo viên cần thiết. Trên cơ sở thúc đẩy quy hoạch, nhưng đừng để những khó khăn rất lớn cho phụ huynh học sinh trong quá trình ta phổ cập giáo dục”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, với cả hệ thống mầm non và phổ thông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi học cho con em của người dân; bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là cho hệ thống trường mầm non, bậc học hiện nay đang thiếu trường nghiêm trọng. Đặc biệt, theo Thủ tướng, các địa phương giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
“Tôi đi khảo sát hết rồi, thiếu nhiều lắm, gần như chỗ nào cũng thiếu. Anh lo kinh doanh, anh lo phát triển, đúng, có thực mới vực được đạo. Nhưng nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề này, thì hậu quả xã hội là rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
|
“Máy cái” phải tốt thì mới có “máy con” tốt
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vấn đề sắp xếp, quy hoạch hệ thống các trường đại học nói chung và trường sư phạm nói riêng. Với các trường sư phạm thì tập trung đầu tư vào các trường đại học sư phạm trọng điểm như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM,… còn các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho các địa phương.
“Các trường đại học sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là những thợ dạy, cho nên yêu cầu rất cao ở các “máy cái” này. “Máy cái” phải tốt thì mới có “máy con” tốt… “, Thủ tướng yêu cầu.
Về sắp xếp hệ thống giáo dục đại học nói chung, Thủ tướng cho rằng cần phải thúc mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Thủ tướng chỉ ra thực trạng nhiều trường hiện không bảo đảm điều kiện chất lượng, nên mới có việc hạ điểm chuẩn, ví dụ như “vơ vét” học sinh đầu vào với điểm rất thấp, hoặc phải đi mượn giáo viên cơ hữu, rồi không đủ phòng học, các thư viện, phòng thí nghiệm… mà vẫn thành lập trường.
Dẫn thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT kiểm tra để xử lý nghiêm các trường đại học “có tên mà không có thực”. Trong thời gian tới, phải trình Thủ tướng đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài.
“Tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo mà có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng để chấn chỉnh nề nếp hơn. Chúng ta nói ngành này ngành kia kém, nhưng từ khâu đào tạo đã tràn lan, không có chất lượng. Nên việc đào tạo những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc. Phải tiếp tục chấn chỉnh một thời gian cần thiết”, Thủ tướng nhắc nhở.
Bình luận (0)