Tiếng Việt cần có luật

06/11/2016 10:18 GMT+7

Theo Giáo sư Đinh Văn Đức, sau khi điều 5, Hiến pháp 2013 đã công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý để soạn thảo luật Ngôn ngữ.

Tiếng việt đang bị ô nhiễm
Những người dự hội thảo Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng ồ lên cười khi nghe GS-TS Nguyễn Văn Khang ví dụ về các mức độ truyền tải mức độ của từ ngữ. Vị Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học nói về mức độ khen ngợi, thoạt tiên người ta dùng từ “hay”, “tốt”, “tuyệt vời”, “trên cả tuyệt vời” và tới giờ là “vãi”. Điều đó, theo ông Khang cũng chính là cách mà ngôn ngữ phát triển. Theo đó, chuẩn của thời đại này là chệch chuẩn của thời đại trước, chệch chuẩn của thời đại này có thể trở thành chuẩn của thời đại sau.


Chúng ta không cầu toàn chờ đến khi có luật Ngôn ngữ mới bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta phải bảo vệ ngay từ bây giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN


Tuy nhiên, có những vấn đề chệch chuẩn ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là những câu chuyện vui. Thậm chí, theo PGS-TS Nguyễn Trường Lịch, Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội, tiếng Việt còn đang bị ô nhiễm nặng. Theo ông Lịch, suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta luôn không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ngôn ngữ văn tự VN hoàn toàn độc lập. Chữ Nôm ra đời để duy trì bản sắc. Tiếng Việt - chữ quốc ngữ được phổ cập cũng nhằm xóa mù và hiện đại hóa đời sống toàn dân. “Tuy vậy, ngày nay không ít người mắc bệnh sùng ngoại nên thường pha trộn tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói cũng như khi viết ở những lúc không cần thiết và không đúng chỗ. Như thế tức là đã làm nhem nhuốc tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ”, ông Lịch đánh giá.
Theo GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, các nhà báo có ảnh hưởng rất lớn trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chính vì thế, việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng cần được đặt ra nghiêm túc hơn.
TS Bùi Thị Ngọc Anh, Viện Ngôn ngữ học, công bố nghiên cứu về sử dụng lẫn tiếng Anh và tiếng Việt trong các chương trình truyền hình trực tiếp cho trẻ em phát sóng năm 2015 như Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… Theo đó, bên cạnh việc dùng từ viết tắt, còn có cả đệm từng từ, đến nói cả câu tiếng Anh trong chương trình. Tuy nhiên, có tới 41% người trên 60 tuổi đồng ý việc sử dụng như vậy. Họ cho rằng trẻ em cũng cần đi theo xu hướng của xã hội. Với độ tuổi từ 20 - 59, lượng cổ súy còn cao hơn, chiếm 54%. Trong khi đó, theo bà: “Chỉ chấp nhận hiện tượng pha trộn trong chương trình cho trẻ em khi không có từ thay thế”.

 
Có 240 tham luận gửi tới hội thảo khoa học quốc gia Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức ngày 5.11 tại Hà Nội. Nhiều vấn đề được đề cập đến như: sử dụng phương ngữ, sử dụng phát thanh viên nói giọng địa phương, các lỗi trộn ngôn ngữ...
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN, khẳng định có thể coi đây là hội nghị toàn quốc lần thứ 3 về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tuy tập trung nhiều cho việc sử dụng tiếng Việt trên phương tiện thông tin đại chúng. Hai hội nghị trước được tổ chức năm 1966 và 1979. Ông cũng đánh giá những năm gần đây có nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ báo chí khiến dư luận quan tâm và lo lắng như dùng từ ngữ, câu văn cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, dùng tiếng nước ngoài tùy tiện.


Theo nhiều đại biểu, từ Hán - Việt cũng đang bị sử dụng thiếu chính xác. Đại biểu Cao Văn Oanh cho biết có nhiều từ Hán - Việt đang bị sử dụng sai nghĩa hoặc dư thừa, lặp nghĩa. Chẳng hạn khi nói: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang với vai trò chủ tịch nước…” cần phải sửa lại là: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước…”, vì từ “vai trò” người xưa gọi là “nhà trò”, bây giờ gọi là “sân khấu”. Người đóng vai kia chỉ là diễn viên trên sân khấu, còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự thật. Vì thế cần thay từ “vai trò” thành “cương vị”.
PGS-TS Đặng Thị Hảo Tâm, Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ý kiến: “Từ ngữ thuộc phạm trù chiến tranh thường xuyên được phóng viên sử dụng khi viết về các mảng đề tài văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, xã hội. Bắt gặp thường xuyên những từ như mặt trận, trận chiến, ra quân, chiến sĩ… Việc lạm dụng ẩn dụ chiến tranh với một số bài viết gây những liên tưởng không tích cực. Nó cũng khiến ngôn từ biểu đạt hoạt động văn hóa xã hội vốn mang đậm tính nhân văn bị chiến tranh hóa. Ngay cả lĩnh vực an ninh, xã hội cũng cần cân nhắc sử dụng nhóm từ chiến tranh. Đã đến lúc người làm báo cần đổi mới về tư duy chiến tranh khi lập ngôn, tác nghiệp”.
Khảo sát dùng tiếng Việt trên báo chí những năm trước đây của PGS-TS Đào Thanh Lan, ĐH KHXH-NV Hà Nội còn cho thấy 50% bài viết trên báo mắc lỗi ngôn ngữ. Đại biểu Đăng Quang lại cho rằng nếu có từ thuần Việt thì không nên dùng từ Hán - Việt tương đương nữa. Làm như vậy sẽ giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, lại tạo gần gũi với đa số người dân.
TS Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, đánh giá: “Bây giờ do tiếp biến văn hóa, tiếp xúc văn hóa ồ ạt thì vấn đề ngôn ngữ cũng báo động rồi. Nên ngôn ngữ đang không được giữ gìn, không được phát triển lành mạnh”.
Rất cần luật ngôn ngữ
Nhà báo lão thành Phan Quang nêu ra vấn đề muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cần có hành lang pháp lý là luật Ngôn ngữ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại chưa có bộ luật đó.
Về việc vì sao đặt vấn đề đã lâu mà ta chưa có luật Ngôn ngữ, bên lề hội thảo, TS Tạ Văn Thông cho rằng: “Như nhà báo Phan Quang có nói là vì người ta bận quá. Nhưng vấn đề là nó chưa được đưa ra một cách cấp thiết. Bây giờ đã đến lúc”.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN: “Chúng ta không cầu toàn chờ đến khi có luật Ngôn ngữ mới bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta phải bảo vệ ngay từ bây giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Các chương trình truyền hình đông người xem là nơi sẽ lan truyền chuẩn hay chệch chuẩn ngôn ngữ rất nhanh Ảnh: BTC
Trên tinh thần đó, về hiện tượng phiên âm tiếng nước ngoài trên báo, ông Lợi cho rằng nên có giải pháp sớm. “Có thể nói đó là vấn đề đáng quan tâm và hết sức đáng lo ngại hiện nay. Tôi nghĩ là sau cuộc hội thảo này Hội Nhà báo VN sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Ngôn ngữ để nghiên cứu liên ngành, tổ chức hội thảo, tiến dần đến quy chuẩn chung trong việc sử dụng phiên âm tiếng nước ngoài, kể cả viết tắt. Chúng ta phải coi đó là mục tiêu để tiến đến, để sử dụng tiếng nước ngoài, phiên âm tiếng nước ngoài một cách đúng đắn”, ông Lợi nói.
GS Đinh Văn Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ, ĐH KHXH-NV Hà Nội, cho rằng: “Luật Ngôn ngữ là vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Nhất là từ khi Hiến pháp 2013 công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia thì chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để soạn thảo luật này. Các quốc gia có đa ngữ đều rất quan tâm đến điều này. Chúng ta với hàng chục dân tộc thì có thể tham khảo những luật của các nước để soạn thảo”.
Ý kiến
Các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo phải rèn kỹ năng để giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Trong quá trình hội nhập phát triển nói chung, làm giàu tiếng Việt nói riêng, việc tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại hay mượn tiếng nước ngoài để làm giàu thêm tiếng Việt là một yếu tố khách quan. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bác dặn chúng ta: Tiếng Việt là vốn quý của cha ông, chúng ta phải biết giữ gìn, nâng niu. Với các nhà báo, Bác căn dặn: khi đặt bút viết, chúng ta phải đặt câu hỏi: viết cho ai? Viết về cái gì? Viết như thế nào? Để mọi người dân đều dễ hiểu, dễ nhớ thì viết câu, chữ phải giản dị, rõ ràng, trong sáng, mạch lạc. Đến nay, lời căn dặn của Bác vẫn mang tính thời sự.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ
(Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng giám đốc Đài tiếng nói VN)
Giải pháp để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo, các giáo sư... để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhận định: “Đường lối, quan điểm của Đảng ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong Đề cương văn hóa (1943), trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Từ mùa thu năm 1945, nước ta được độc lập tự do thì tiếng Việt cũng được độc lập, tự do. Sự kiện lớn nhất đối với tiếng Việt là Hiến pháp 2013 đã hiến định ở điều 5: “Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia”. Cái căn cứ quan trọng nhất để luật hóa ngôn ngữ đã được đề ra…”.
Trong tham luận của ông Lê Đại, Gia Lộc, Hải Dương đưa nhận xét thú vị, khi đến thăm VN, từ các chính khách đến người bình dân đều học một vài từ tiếng Việt, ví dụ: xin chào, cảm ơn… Ông viết: “Đặc biệt, một số chính khách nước ngoài khi đến VN đã dùng thơ (mà đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du) để thể hiện tình cảm của họ với VN. Ông Bill Clinton khi đến thăm đã dùng câu “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Hay mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm cũng đã dùng câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”. Thật tự hào biết bao khi tiếng Việt được các chính khách dùng tinh tế, ý nghĩa đến vậy. Vì thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một việc cần phải làm từ hôm qua, hôm nay và mãi mai sau nhằm góp phần làm cho đất nước giàu đẹp, văn minh và ngang tầm với các cường quốc trên thế giới”.
GS-TS Nguyễn Thiện Giáp, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ, ĐH KHXH-NV Hà Nội, đưa ra giải pháp cụ thể: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà chỉ tuyên truyền vận động thôi thì thực tiễn đã chứng minh là không mấy hiệu quả. Muốn thực sự có hiệu quả thì hô hào thôi chưa đủ mà cần có chế tài xử phạt. Nhưng xử phạt ai đây. Đối với người nói, người viết có lẽ chỉ có thể tuyên truyền vận động còn chế tài xử phạt chỉ có thể áp dụng với người có quyền cho phép các ngôn bản được truyền bá trong xã hội. Và như vậy, người chịu trách nhiệm chính là các biên tập viên, các tổng biên tập và lãnh đạo các cơ quan truyền thông đại chúng”.
Còn TS-NGƯT Đoàn Văn Quýnh, Trường ĐH Y Dược Huế, đóng góp kinh nghiệm: “Qua tiếp xúc với nhiều cán bộ y tế, giảng viên và sinh viên y dược, hoặc qua các y văn, thậm chí trong luận văn, luận án, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề cần được quan tâm hơn khi nói hoặc viết. Thầy thuốc dùng quá nhiều chữ tắt hoặc các ký hiệu chuyên môn tiếng nước ngoài, khó hiểu cho người không có chuyên môn. Thiếu sự thống nhất. Dùng tiếng địa phương trong giao tiếp với bệnh nhân. Dịch không đúng từ nước ngoài. Nói sai thuật ngữ chuyên môn. Các từ ngữ thuộc y học cổ truyền cần phải được dịch ra tiếng Việt hay định nghĩa thật rõ ràng, không nên lạm dụng từ Hán - Việt. Trong khi chúng ta chưa có Viện Hàn lâm y học, thì trước hết cần có ngay sự thống nhất các thuật ngữ y dược trong toàn quốc trên truyền thông đại chúng hay trong y văn, cũng như sự cảnh báo trong ngành. Nếu không, nhiều khi sự tùy tiện sẽ mang lại tác hại khôn lường”.
Trinh Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.