Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai 22.12.2020 phản ảnh việc cấp phép cho các lao động là giáo viên nước ngoài, đặc biệt không phải người bản ngữ, giảng dạy tiếng Anh đang gặp vướng mắc liên quan đến các văn bằng, chứng chỉ quốc tế.
Có hay không quy định quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ?
Sự việc mới đây về một số giáo viên nước ngoài dù có nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giảng dạy tại Việt Nam mà một trong những lý do là chưa có sự quy đổi, thống nhất giữa quy định chứng chỉ trong nước và quốc tế khiến dư luận càng bức xúc.
Từ đó dư luận đặt ra thắc mắc có hay không quy định quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sang khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam? Tại sao đã có hệ thống chứng chỉ quốc tế lại còn thêm các chứng chỉ Việt Nam?...
Đối với việc công nhận và có quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, cụ thể là IELTS ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ngày 21.12, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết IELTS là kỳ thi nhằm đánh giá khả năng tiếng Anh, Bộ chưa có quy định về việc quy đổi tương đương giữa chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức nước ngoài cấp với chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01 ngày 24.1.2014.
Giải thích cụ thể của Bộ GD-ĐT xung quanh các thắc mắc này sẽ được đăng tải chi tiết trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (22.12).
|
Lúng túng cấp phép hành nghề cho giáo viên nước ngoài
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết tính đến ngày 19.12, tổng số lao động nước ngoài được Sở này cấp phép trong năm 2020 là 9.525 người. Việc cấp phép cho các lao động trong các ngành nghề như quản lý, kỹ sư, phi công, cầu thủ bóng đá… hầu như không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, đối với đối tượng là giáo viên nước ngoài có nhiều vướng mắc.
Theo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, Sở này triển khai việc cấp giấy phép cho giáo viên ngoại ngữ theo các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giáo viên các nước bản ngữ không thể sang Việt Nam giảng dạy, các trung tâm ngoại ngữ phải tuyển giáo viên đến từ nhiều nước khác nhau. Một số đơn vị khi đến đăng ký cấp phép cho lao động nước ngoài chỉ trình ra bảng điểm IELTS của người lao động. Do không thể tự phiên bảng điểm sang khunh tham chiếu ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam theo quy định, Sở chưa cấp giấy phép cho những lao động này.
Bài phản ảnh trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai sẽ nêu rõ giải thích cũng như lúng túng của các sở LĐ-TB-XH trong viêc cấp phép lao động nước ngoài liên quan đến quy định về chứng chỉ ngoại ngữ.
Bình luận (0)