Trên báo in Thanh Niên ngày mai 29.10.2020, trong tin tức giáo dục đặc biệt, còn có những góp ý, đề xuất cho việc thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho năm sau.
Nghi ngờ chất lượng và tính liêm chính của thành viên hội đồng xét duyệt
Trước nguy cơ một số hội đồng ngành có thể đã để “lọt lưới” nhiều ứng viêngiáo sư/phó giáo sư không đủ điều kiện, nhiều nhà khoa học đặt vấn đề chất lượng các hội đồng về năng lực nghiên cứu cũng như tính liêm chính khoa học khi xét duyệt hồ sơ.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, nhiều nhà khoa học cho rằng, căn cứ vào một số hội đồng có nhiều ứng viên bị tố vừa qua, thì hồ nghi của dư luận về năng lực của hội đồng là có cơ sở. Quyết định 37 quy định, tiêu chuẩn thành viên hội đồng các cấp là phải trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Tuy nhiên, rất nhiều thành viên hội đồng không thỏa mãn yêu cầu này. Đó là chưa kể các thành viên trong hội đồng còn có những mối quan hệ chằng chịt với các ứng viên giáo sư/phó giáo sư nên khó giữ được sự khách quan.
Bài phân tích trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (29.10) sẽ có những thông tin gây ngạc nhiên cho bạn đọc về chất lượng của thành viên hội đồng xét duyệt.
Sẽ thay đổi, bổ sung quy định thực nghiệm sách giáo khoa
|
Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đang được thẩm định giữa những ồn ào chưa dứt về sách giáo khoa lớp 1 là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Hiện cả sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều trong giai đoạn thẩm định vòng 2. Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ yêu cầu nâng cao trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thẩm định. Hội đồng này cần kiên định với quyết định của mình, nếu thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, báo cáo lãnh đạo Bộ để thực hiện theo cái đúng, sách có lỗi thì kiên quyết loại bỏ nhưng không vì thế làm giảm độ mở của sách.
Một trong những khiếm khuyết khi vận hành sách giáo khoa lớp 1 mới là thiếu quy trình thực nghiệm đúng nghĩa. Theo quy trình biên soạn sách giáo khoa, sau khi biên soạn xong, phải thử nghiệm, sau đó mới hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng chính thức. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa.
Những thay đổi xung quanh quy định thẩm định và thực nghiệm sách giáo khoa sẽ được phản ảnh chi tiết trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.
Bình luận (0)