Tranh cãi gay gắt khi bị gọi là ‘giáo viên truyền thống’ vì không dạy theo Montessori

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
26/03/2021 10:20 GMT+7

Tự cho rằng những giáo viên dạy trẻ mầm non theo phương pháp Montessori là hiện đại, còn giáo viên dạy theo chương trình của hiện nay là 'giáo viên truyền thống' của một video quảng cáo khiến cộng đồng giáo viên mầm non dậy sóng.

Giáo viên không dạy theo phương pháp nước ngoài được xem là… truyền thống?

Cụ thể, trên cộng đồng hội các hiệu trưởng, nhà quản lý trường mầm non mới đây xuất hiện một video được cho là “bóc phốt” về việc một “viện” (trung tâm) chuyên đào tạo và cấp chứng nhận đạt chuẩn giáo viên Montessori cho người học.
Điều đáng nói, xuất hiện trong video quảng cáo của trung tâm này là một học viên của trung tâm nói trong nước mắt: “Em là giáo viên truyền thống. Sau đợt dịch (dịch Covid-19) thì trường em không đủ điều kiện để tiếp tục nên là trường em giải thể. Sau khi nghỉ ở nhà 2 tháng thì em cũng lên trường xin việc thì họ bảo giáo viên truyền thống họ không nhận. Em có xin các trường khác thì họ đều dạy theo phương pháp Montessori, mấy trường đều bảo là giáo viên truyền thống lương rất thấp nên em quyết định tìm hiểu về phương pháp Montessori”.
Đoạn chia sẻ này sau đó khiến nhiều giáo viên mầm non được xem là “giáo viên truyền thống” bức xúc, tranh cãi gay gắt. Nhiều người đặt câu hỏi “ở đâu ra khái niệm giáo viên truyền thống?”, chưa kể người trong video này còn nhận định những giáo viên truyền thống thì thường lương rất thấp.
Rất bức xúc với cách quảng cáo khóa học đào tạo chứng chỉ về phương pháp Montessori, bà Phạm Thị Vân, chủ trường Nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập An Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng khái niệm “giáo viên truyền thống” không biết xuất phát từ đâu nhưng thời gian gần đây được các trung tâm, những người tự nhận là chuyên gia giáo dục mầm non nói rất nhiều. Trong đó, phần lớn những người này cho rằng giáo viên dạy theo chương trình của Việt Nam hiện nay là những giáo viên mầm non truyền thống, còn giáo viên dạy theo các phương pháp nước ngoài mới là giáo viên tiên tiến.
“Với trẻ mầm non theo tôi cái quan trọng nhất vẫn là việc được ăn, được chơi và ngủ nghỉ khoa học. Tuổi các em đang là tuổi ăn tuổi chơi, học chủ yếu qua chơi nên việc được chăm sóc bởi những giáo viên tận tình, có tâm và chuyên môn sư phạm của mầm non là được. Tôi không phủ nhận các phương pháp giáo dục tiên tiến của nước ngoài, nhưng việc xem thường những giáo viên dạy theo chương trình của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Việc lựa chọn phương pháp giáo dục nào thì cần quan tâm đến yếu tố lấy trẻ làm trung tâm và sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp mới đem lại động lực học tập và truyền cảm hứng cho học sinh”, bà Vân nói.
Chia sẻ của bà Vân trên nhóm dành cho hiệu trưởng, các nhà quản lý mầm non gây ra tranh cãi lớn, trong đó rất nhiều ý kiến ủng hộ việc lên tiếng của bà Vân về vấn đề này. Nhiều người cũng bức xúc cho rằng nhiều trung tâm đào tạo các chứng chỉ đang lợi dụng, đưa ra khái niệm này nhằm quảng cáo, thu hút người học tham gia các chương trình đào tạo của họ.

Chưa từng biết đến khái niệm giáo viên truyền thống hay tiên tiến khi tuyển dụng

“Từ bao giờ giáo viên mầm non trở nên “tội nghiệp” đến như vậy? Như thế nào được gọi là “giáo viên mầm non truyền thống”? Và “giáo viên mầm non hiện đại hay giáo viên Montessori”? Bạn có thể kinh doanh bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn kiếm tiền trên việc chà đạp công việc hay hạ thấp ngành nghề của chính mình chỉ để tôn vinh một phương pháp mà bạn cho là tuyệt vời”, bà Trần Thị Thu Hòa, thạc sĩ giáo dục mầm non, chia sẻ .
Theo bà Thu Hòa thì hiện nay ngành giáo dục mầm non nói riêng không hề có phân loại hay phân biệt giáo viên dạy phương pháp nào thì được trả lương cao hơn hay không nhận giáo viên mầm non không biết về phương pháp giáo dục nước ngoài.
Là một nhà quản lý, hiệu trưởng trường mầm non, bà Thu Hòa cho biết khi tuyển dụng bà đề cao những giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành mầm non, bởi khi được đào tạo chính quy giáo viên sẽ phần nào hiểu bản chất và ý nghĩa của nghề. Nói đúng hơn, với nghề giáo viên mầm non thì phải “hiểu nghề, yêu trẻ” mới dạy giỏi được chứ không phải đắp lên người cái chứng chỉ “gì đó” thì được gọi là giáo viên tài năng.
“Là một người làm công tác tuyển dụng nhân sự lâu năm cho trường mầm non, tôi chưa bao giờ hỏi: Em có chứng chỉ về phương pháp nọ, phương pháp kia mà chỉ hỏi những câu như: Vì sao em lựa chọn ngành này? Em hiểu gì về công việc mà em đang làm?... Tôi mong muốn tìm được những cô giáo có tấm lòng chứ không phải có tấm bằng hay chứng chỉ gì đó… Giáo dục là một nghề đáng được trân trọng nhưng kinh doanh bằng việc chà đạp lên giá trị đó để nâng cái phương pháp của mình lên thì thật đáng trách”, bà Thu Hòa chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Uyên, sáng lập hệ thống Trường mầm non Việt Đức ở TP.HCM, cũng cho rằng việc đưa ra khái niệm giáo viên mầm non “truyền thống” là phiến diện. “Các bạn yêu và dạy trẻ theo các phương pháp nước ngoài cũng nên thành lập một hiệp hội hoặc đề xuất Bộ GD-ĐT công nhận, xây dựng 1 chương trình giáo dục mầm non chuẩn theo các phương pháp, cứ chính danh và rõ ràng mọi chuyện thì được lợi nhất là trẻ con. Còn việc quảng bá và đưa ra những khái niệm không phù hợp là thiếu trách nhiệm”, bà Uyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.