Trường không có nhà vệ sinh

05/11/2016 08:01 GMT+7

Nhiều trường học ở tỉnh Kon Tum không có nhà vệ sinh, nơi có thì tạm bợ hoặc đã xuống cấp trầm trọng.

Dù có một điểm trường chính và 10 điểm lẻ, nhưng Trường tiểu học Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, H.Đăk Glei, Kon Tum) suốt nhiều năm qua không có nhà vệ sinh. Muốn đi vệ sinh, cả giáo viên và học sinh (HS) đều phải… ra rẫy, ra rừng.
Cô Nguyễn Thị Thêu, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay tại điểm trường chính có hơn 100 HS và vài chục giáo viên. Khi xây trường cho HS khuyết tật, trường có xây dựng một nhà vệ sinh nhưng đã bị hỏng, phải đóng cửa cách đây 2 năm. Bí quá, nhà trường huy động phụ huynh đào hố, lót ván và che bạt tạm bợ để làm nhà vệ sinh. Bây giờ, ván thì mục, hố thì sụt nên không ai dám lên đó nữa. Thế là HS đang học giữa chừng đau bụng, xin giáo viên rồi chạy thẳng ra rẫy hoặc bụi lùm xung quanh trường.

tin liên quan

Học sinh không dám đi... vệ sinh
Có đến 33,7% phụ huynh cho biết con họ không dám đi vệ sinh trong trường học vì quá bẩn. Đây là kết quả khảo sát phụ huynh của 20 trường tiểu học, THCS và THPT ở 9 quận, huyện tại TP.HCM trong tháng 10 năm nay do PV Báo Thanh Niên thực hiện.

Tại điểm trường Tu Kú cách cơ sở trường chính chừng 2 km, chúng tôi cũng chứng kiến 80 HS từ lớp 1 đến lớp 4 không có nhà vệ sinh. Cô Trần Thị Thu Hồng, giáo viên lớp 4, cho biết năm nào phụ huynh cũng đào một nhà vệ sinh tạm bợ nhưng chỉ sử dụng được thời gian ngắn là hỏng do đất sụt, ván mục. "Có em đang học, nhưng mắc quá xin cô cho về nhà, sau đó ra học lại. Còn HS ở xa nhà thì chạy ra rừng xung quanh trường. Sợ nhất là gặp phải rắn rít", cô Hồng kể.
Các thầy cô giáo ở đây cho biết mỗi lần HS xin đi vệ sinh mất 20 - 30 phút, khi quay lại thì hết tiết học, thầy cô lại mất thời gian giảng bài lại. Ngay cả giáo viên cũng thế, nhiều khi phải nhờ đồng nghiệp coi lớp rồi ra nhà dân xin đi nhờ nhà vệ sinh.

tin liên quan

Ám ảnh nhà vệ sinh trường học
Năm học này, UBND TP. Hà Nội tuyên bố sẽ chỉ đạo quyết liệt để cải tạo nhà vệ sinh (NVS) trường học, giải tỏa nỗi ám ảnh của học trò mỗi khi đi vệ sinh.

Trường tiểu học Đăk Xú (xã Đăk Xú, H.Ngọc Hồi) có đến 750 HS nhưng chỉ có một khu vệ sinh 3 phòng cho cả nam và nữ dùng chung. Theo ông Nguyễn Đức Dương, Hiệu trưởng nhà trường, nhà vệ sinh này xây từ 1996 - 1997, rất chật chội, nay lại xuống cấp, xi măng bong lở từng mảng, đọng nước gây hôi thối. "Năm 2014, nhà trường xây bức tường chắn bớt mùi hôi bay vào phòng học. Nay thì phải thuê người dọn thường xuyên", ông Dương bộc bạch. Hỏi vì sao để lâu không làm lại, ông Dương cho hay là do nguồn xã hội hóa của nhà trường quá ít, không đủ để xây dựng một khu vệ sinh mới.
Theo chân cán bộ Phòng GD-ĐT H.Ngọc Hồi, chúng tôi đến Trường mầm non Họa Mi ở xã Sa Loong. Tại đây, có một trường chính và 4 cơ sở trường lẻ nhưng chỉ trường chính là có nhà vệ sinh. Ở điểm trường thôn Cao Sơn, có 62 HS, có nhà vệ sinh làm bằng bê tông nhưng lỗ tiêu nhỏ, không có nắp đậy và không có cửa nên phải che bằng 2 tấm bạt. “Khổ nhất là không có nước. Mỗi lần vệ sinh cho các cháu, phải xách từng xô nước để rửa tay”, cô Phan Thị Xuân Thảo cho biết.

Theo Sở GD-ĐT Kon Tum, toàn tỉnh có 1.167 nhà vệ sinh/413 trường học. Trong đó, có 625 nhà vệ sinh (54%) bán kiên cố, tạm bợ. Không ít các công trình được cho là kiên cố nhưng đã sử dụng 7 - 10 năm nên nhiều hạng mục hư hỏng, bốc mùi hôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.