Tư vấn mùa thi 2020: Ôn tập thế nào để đạt điểm cao các kỳ thi tuyển ?

Hà Ánh
Hà Ánh
13/01/2020 07:57 GMT+7

Nhiều băn khoăn của học sinh ở thời điểm hiện tại là cách ôn tập để đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới.

Đại diện các trường và thủ khoa đã có những giải đáp cặn kẽ cho thí sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức sáng 12.1.
Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường THPT Minh Đạm (H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh của Thanh Niên tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.comYouTube Báo Thanh Niên.

Ôn tập có trọng điểm

Đặt câu hỏi trực tiếp tại chương trình, học sinh (HS) Lâm Như Huỳnh (Trường THPT Minh Đạm) băn khoăn về cách để đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng ngay bây giờ HS nên tập trung thời gian ôn luyện, trong đó tập trung nhiều hơn vào các môn chính. “Việc thi để đỗ tốt nghiệp không khó nhưng để đạt điểm cao các môn xét tuyển ĐH, thì cần ôn tập có trọng điểm hơn”, ông Nhân nói.

Đông đảo học sinh tham dự chương trình Tư vấn mùa thi tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, ông Nhân lưu ý không nên ôn thi quá máy móc, nhiều người khi ngồi bàn học nửa tiếng không tập trung được nữa. Cuối cùng hãy coi kỳ thi như một cuộc chơi thì khi bước vào phòng thi sẽ đạt được điểm rơi phong độ tốt nhất.

Nhận máy tính Flexio Fx 590 Vn

 
Tại chương trình Tư vấn mùa thi sáng 12.1, có 5 HS của Trường THPT Minh Đạm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gồm Võ Thị Thùy Linh (lớp 11A5), Nguyễn Thanh Ngân (lớp 11A4), Nguyễn Trần Yến Nhi (lớp 11A1), Trần Thị Phương Ngân (lớp 12A7) và Phạm Thị Ngọc Mai (lớp 12A9) đã bốc thăm trúng thưởng máy tính Flexio Fx 590 Vn do Tập đoàn Thiên Long trao tặng. Đây là máy tính được Bộ GD-ĐT cho phép sử dụng mang vào phòng thi.
Nữ Vương
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có những phân tích về mặt tâm lý. Ông Quốc nói: “Tâm lý của chúng ta luôn mong đạt điểm cao nhưng cần hỏi ngược lại điểm cao để làm gì? Có thể đạt điểm cao để đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển ĐH. Nhưng quan trọng là mong muốn đó có phù hợp với ngành nghề chọn lựa không. Không có nghĩa được điểm cao thì con đường sẽ rộng mở”. Theo ông Quốc, quan trọng là tìm được điểm số phù hợp, tìm ra chính mình trong từng môn học. Hiện nay chúng ta phải thi các môn bắt buộc theo quy định để xét tốt nghiệp nhưng có những môn thích và môn không thích. Trong đó nên có sự đầu tư vào môn mình thích, còn lại những môn không thích vẫn phải đảm bảo được bài toán tối thiểu. “Việc đầu tư này không chỉ để vượt qua kỳ thi mà còn để có nền tảng tốt để đi tiếp trên con đường ĐH”, ông Quốc nhấn mạnh.
Từ đó, ông Quốc khuyên trong số những môn thi phải xác định môn cần đạt và môn phải đầu tư, không nên đặt bài toán chung chung môn nào cũng phải đạt điểm cao. Điều đó sẽ không tốt nếu bản thân không thể học tốt tất cả các môn và khi đó sẽ tự tạo ra áp lực rất lớn, nhất là trong khoảng thời gian không còn nhiều sắp tới. Khi đó sẽ có tâm lý thoải mái hơn.

Ôn thi năng lực dựa vào đâu ?

Một HS Trường THPT Xuyên Mộc hỏi: “Có phải tất cả các trường ĐH đều xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, để ôn tập tốt kỳ thi này cần bám sát vào đâu?”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 có hơn 50 trường ĐH, CĐ tham gia xét tuyển. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay cũng dành từ 5 - 10% tổng chỉ tiêu để xét kỳ thi này. Đề thi gồm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực kiến thức ở các môn học. Điểm mỗi câu không bằng nhau và tối đa 1.200.

Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ bí quyết ôn thi

Đào Ngọc Thạch

Có mặt tại chương trình, Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa trúng tuyển Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với số điểm 1.108/1.200 kỳ thi đánh giá năng lực đã có những chia sẻ cặn kẽ kinh nghiệm từ bản thân mình. Nghĩa nói: “Nếu chỉ nói học nhiều trong sách giáo khoa là chưa đủ mà hãy tận dụng thêm nguồn từ bên ngoài nhiều hơn nữa để có cái nhìn tổng quát hơn. Mình và các bạn có thể cũng gặp khó khăn rất lớn khi sử dụng mạng để học khi thi thoảng lại liếc qua xem MV nào đó, chúng ta phải tập kiểm soát nó”. Chia sẻ những cuốn sách ngoài sách giáo khoa để ôn luyện khối A, A1, thủ khoa này cho biết: “Trong nhà sách có bán nhiều sách gồm nhiều đề và lý thuyết. Để làm được bài tập thì tham khảo thêm các cuốn sách tham khảo, đặc biệt là các đề thi mẫu”.
“Em được biết anh có điểm bài thi năng lực rất cao, gần đây bài thi này càng ngày phổ biến. Anh có thể chia sẻ lộ trình ôn thi để đạt được kết quả cao như vậy”, một HS đặt câu hỏi. Theo Nguyễn Phú Nghĩa, bài thi này gần như trải rộng các môn trong phổ thông, rộng nhưng không sâu nên có thể đọc và hiểu đề là làm được. Tuy nhiên không có nghĩa không học vẫn thi được, nhất là áp lực thời gian cao thì cần phải nắm vấn đề và học đều tất cả các môn.
Riêng về việc học tiếng Anh, Phú Nghĩa nói: “Mình đã dùng tiếng Anh để học vật lý từ lớp 8, 9. Việc này bắt đầu từ việc coi các video, người ta coi nửa tiếng nhưng mình có thể vừa coi vừa tra từ mới mất cả ngày. Nhưng nay thì có thể tự tin dùng tiếng Anh để tìm hiểu nhiều thông tin thú vị khác. Mấu chốt, tiếng Anh là một ngôn ngữ không phải môn học, xác định như vậy thì nhẹ nhàng hơn nhiều”.
Cụ thể về các môn thi, theo Nghĩa, thử tận dụng mạng xã hội để học lịch sử, từ đó tìm nhiều thông tin thú vị hơn. Ngay cả các môn vật lý, hóa học, HS cũng có thể tận dụng YouTube khi ôn tập. Còn các môn địa lý và giáo dục công dân chỉ cần học trong trường là đủ.
Trong phòng thi, một lưu ý quan trọng được thủ khoa “bật mí” là nên dùng 5 - 10 phút chỉ để đọc đề giúp hiểu đề từ đầu đến cuối và bắt buộc bỏ ra
10 phút cuối để kiểm tra lại bài. 10 phút cuối rất quan trọng nên dù chưa xong cũng bỏ bút vì thà không xong nhưng tránh những sai sót tuy rất nhỏ cũng mất nhiều điểm.

Không rõ sở thích thì chọn ngành nào ?

Một HS Trường THPT Minh Đạm băn khoăn: “Các thầy nói chọn nghề phải theo sở thích nhưng sở thích khá mờ nhạt thì nên chọn nghề như thế nào? Khi chọn nhầm thì mình sẽ thay đổi như thế nào, đi tiếp hay chọn lại?”.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc thì khẳng định chắc chắn ai cũng có sở thích của riêng mình. Vậy muốn biết mình như thế nào thì phải đo từ các công cụ đo năng lực, các bài trắc nghiệm. Bên cạnh đó chịu nghe nhận xét của người khác. Sau đó gắn đánh giá đó vào những nghề đòi hỏi những tố chất cần, nếu tỷ lệ phần trăm tương đồng nhiều thì nghề đó có thể phù hợp. “Thích nghề thì phải tìm hiểu sâu và sát chứ đừng chung chung. Từ đó tìm ngành học để giúp nâng cao khả năng của mình khi theo đuổi nghề đó tại một trường phù hợp. Dựa trên những cơ sở đó thì việc lựa chọn ít bị sai lầm hơn”, ông Quốc nói.
Một câu hỏi được gửi qua fanpage Facebook của Báo Thanh Niên hỏi về việc nên chọn học ĐH hay đi làm ngay khi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhìn nhận hiện nay xã hội không cổ súy phải vào bằng được ĐH mới thành công. Do đó, vấn đề còn lại là hãy chọn con đường mà ta mong muốn cho tương lai của mình, gia đình mình. Khi đó, thí sinh phải biết rõ hơn về bản thân mình để đi theo lựa chọn nào.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã đồng hành trong tổ chức chương trình gồm: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường THPT Minh Đạm, Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam.
Cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn, cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Lạc Hồng đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho các HS tham dự chương trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.