Sau nhiều tháng chịu đựng, nam sinh Yuta Ito (10 tuổi) trong kỳ nghỉ hồi năm ngoái đã thú nhận với cha mẹ rằng em không còn muốn đến trường với lý do bị bắt nạt và đánh nhau với bạn trong lớp.
Cha mẹ Yuta chỉ có ba lựa chọn: đưa con trai đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý, học tại gia hoặc trường học tự do. Họ đã chọn phương án cuối cùng. Trong Trường Tự do Tamagawa, Yuta có thể làm bất kỳ điều gì em muốn và nam sinh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Những đứa trẻ như Yuta còn được gọi là futoko ở Nhật Bản. Bộ Giáo dục Nhật Bản định nghĩa futoko là trẻ em không đến trường trong hơn 30 ngày, vì những lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính.
Từ futoko còn có nhiều nghĩa bao gồm vắng mặt, trốn học, ám ảnh học đường hoặc từ chối đi học. Trong nhiều năm qua, người dân Nhật Bản dần thay đổi quan điểm về futoko. Trước năm 1997, từ chối đi học được gọi là tokokyoshi, đồng nghĩa là kháng cự và được coi là chứng bệnh tâm thần. Sau năm 1997, thuật ngữ này được đổi thành futoko với ý nghĩa trung tính là “không đi học”.
|
Học sinh theo học các trường tự do tăng vọt
Trong báo cáo ngày 17.10, chính phủ Nhật Bản cảnh báo tình trạng số trường hợp học sinh tiểu học và trung học cơ sở không đi học tăng đến mức báo động, với 164.528 trẻ em vắng mặt 30 ngày hoặc nhiều hơn trong năm 2018, so với 144.031 vào năm 2017.
Phong trào trường học tự do bắt đầu ở Nhật Bản trong thập niên 1980 nhằm đáp ứng số lượng futoko ngày càng gia tăng. Đây là những ngôi trường được xem là giải pháp thay thế cho hệ thống trường học bắt buộc, giáo dục tại gia. Trường học tự do cũng sẽ không chứng nhận bất kỳ bằng cấp nào cho học sinh.
Số lượng học sinh theo học các trường tự do hay còn gọi là trường học thay thế tăng vọt trong những năm gần đây, từ 7.424 học sinh hồi 1992 lên đến 20.346 em trong năm 2017.
Kết quả cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy có một số nguyên nhân chính khiến trẻ em không muốn đi học: hoàn cảnh gia đình, các vấn đề cá nhân với bạn bè và bắt nạt. Đa phần những học sinh bỏ học thừa nhận không thể hòa đồng với bạn bè, giáo viên.
Trong một trường hợp cụ thể, nữ sinh Tomoe Morihashi (12 tuổi) cho biết: "Con cảm thấy không thoải mái ở nơi đông người, không thể nói chuyện với bất kỳ ai ngoại trừ người thân gia đình".
Trả lời phỏng vấn BBC, Morihashi thừa nhận cô bé không thể tuân thủ những quy định cứng nhắc trong trường học, chẳng hạn quần đơn sắc không được có thêm màu khác, tóc không được nhuộm, thun cột tóc chỉ dùng một màu duy nhất và không được phép buộc thun cột tóc vào cổ tay. Nữ sinh này mắc chứng im lặng có chọn lọc, vốn có thể dẫn đến hội chứng sợ xã hội.
Đáng chú ý là nhiều trường học ở Nhật Bản áp dụng những quy định kiểm soát cả ngoại hình của học sinh như buộc các em phải nhuộm tóc nâu đen, không cho học sinh mặc quần bó hoặc áo khoác ngay cả trong thời tiết lạnh. Trong một số trường hợp, nhà trường thậm chí còn quyết định màu đồ lót của học sinh.
Các quy định nghiêm ngặt như thế này được áp dụng từ thập niên 1970 và 1980 nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và bắt nạt. Ban giám hiệu nhà trường từng nới lỏng các quy định cứng nhắc này vào thập niên 1990 nhưng trong những gần đây lại tiếp tục áp dụng.
Bên trong Trường Tự do Tamagawa
Hiện hai học sinh Tomoe và Yuta đang học tại Trường Tự do Tamagawa ở thủ đô Tokyo. Trong ngôi trường này, học sinh không cần mặc đồng phục và được tự do lựa chọn các hoạt động yêu thích theo một kế hoạch được thống nhất giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh từ trước. Học sinh được khuyến khích phát triển các kỹ năng nổi trội của bản thân và làm theo sở thích cá nhân.
Ngôi trường giống như gia đình lớn với nhiều căn phòng và học sinh có gặp nhau trong không gian chung để trò chuyện và chơi cùng nhau. Trường còn có những phòng được trang bị máy tính phục vụ lớp học tiếng Nhật và toán cùng thư viện với nhiều sách và truyện tranh.
"Mục đích của chúng tôi là phát triển kỹ năng xã hội. Thông qua hoạt động tập thể dục, chơi trò chơi hay học tập, chúng tôi muốn học sinh không cảm thấy hoảng loạn trong một tập thể. Chúng tôi vừa chuyển đến mặt bằng có không gian rộng hơn và khoảng 10 học sinh có thể đến đây mỗi ngày", Takashi Yoshikawa, Hiệu trưởng Trường Tự do Tamagawa, nói với BBC.
|
Bỏ việc ở tuổi 40, ông Yoshikawa thành lập trường học tự do đầu tiên vào năm 2010 tại căn hộ 3 tầng ở khu Fuchu, Tokyo để giúp đỡ các học sinh từ chối đi học. Ông tin rằng vấn đề giao tiếp là nguồn gốc dẫn đến học sinh từ chối đi học.
Chuyên gia giáo dục Ryo Uchida tại Đại học Nagoya hoan nghênh trường học tự do, nhưng cảnh báo đây không phải là giải pháp lâu dài, đồng thời kêu gọi cải tổ ngành giáo dục. Bài xã luận gần đây trên tờ Tokyo Shimbun lên án những quy định cứng nhắc trong trường học là phi lý và vi phạm nhân quyền.
Hồi tháng 8, các nhà hoạt động xã hội đã gửi đơn kiến nghị trực tuyến với 60.000 người ký tên lên Bộ Giáo dục Nhật Bản, yêu cầu điều tra những trường học áp dụng những quy định vô lý. Sau đó, chính quyền tỉnh Osaka chỉ thị cho tất cả trường trung học đánh giá lại các quy định. Kết quả là khoảng 40% trong số các trường ở Osaka đã thay đổi hoặc điều chỉnh các quy định.
Giáo sư Uchida đánh giá Bộ Giáo dục Nhật Bản được cho là chấp nhận tình trạng từ chối đi học không phải bất thường, mà là một xu hướng. Theo ông Uchida, Bộ Giáo dục Nhật Bản ngầm thừa nhận rằng trẻ em futoko không phải là vấn đề bất thường nhưng thực tế là chúng đang phản đối một môi trường giáo dục không tự do.
Từ chối đi học có thể dẫn đến hậu quả lâu dài, khiến trẻ sống cô lập khỏi xã hội và tự nhốt mình trong phòng và hiện tượng này được gọi là hikikomori ở Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy ít nhất nửa triệu thanh niên Nhật Bản được cho là sống cô lập khỏi xã hội và không muốn rời khỏi phòng ngủ. Họ được gọi là hikikomori. Đáng lo ngại hơn là số lượng học sinh tự sát. Trong năm 2018, số vụ học sinh tự tử ở trường là cao nhất trong vòng 30 năm qua, với 332 trường hợp. Hồi năm 2016, chính phủ Nhật Bản thông qua một đạo luật ngăn ngừa tự tử với hàng loạt khuyến nghị đặc biệt cho các trường học.
|
Bình luận (0)