Nữ điều dưỡng thành ‘cây kéo vàng’
Nói về nghề tay trái của mình, nữ điều dưỡng Phan Thị Khánh Huyền (26 tuổi), làm việc tại Bệnh viện dã chiến điều trị nhiễm Covid -19 tại Cần Giờ (TP.HCM) cho biết, cô là điều dưỡng tại bệnh viện quận Thủ Đức. Tháng trước, khi có thông báo điều chuyển nhân sự xuống Cần Giờ để điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19, cô đã nộp đơn tình nguyện xuống đây.
Giữ tháng 3, khi các ca nhiễm ở Việt Nam tăng mạnh, cùng số người nhập cảnh vào Việt Nam thuộc diện cách ly bắt buộc rất đông thì Khánh Huyền và nhiều đồng nghiệp khác nhận thông báo xuống bệnh viện dã chiến này làm việc.
Thời gian nhận thông báo trước khi đi cũng khá gấp nên Huyền và mọi người không kịp chuẩn bị gì nhiều. Cô được phân công làm điều dưỡng, vừa lo thủ tục hành chính vừa hỗ trợ bác sĩ chăm sóc các ca dương tính.
Thời gian đầu mới xuống đây, Huyền cho biết mọi người đều rất bận rộn, phải tự túc mọi việc từ sắp xếp chỗ làm việc, đến chỗ ăn ngủ cũng như chủ động trong công việc. Đặc biệt, khi vào đây, mọi người sẽ cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài.
Huyền kể, mỗi ngày mọi người đều phải mặc đồ bảo hộ, với các bạn nữ tóc dài mỗi lần mặc và cởi đồ bảo hộ ra đều rất vướng víu, chưa kể là rất nóng nên nhiều người quyết định sẽ cắt tóc ngắn đi. Không thể ra ngoài, nên họ đã nhờ đồng nghiệp cắt.
Khánh Huyền bất đắc dĩ trở thành 'cây kéo vàng' trong bệnh viện, khách hàng của cô là những nhân viên y tế ở đây
|
“Em từ trước giờ chưa hề cắt tóc cho ai, cũng không biết về kỹ thuật cắt thế nào cho đẹp, nhưng khi thấy ai cũng từ chối vì sợ cắt xấu nên em đánh liều gật đầu. Trước khi cắt cho bất kỳ ai em cũng đều giao kèo trước ‘nếu em cắt xấu là phải ráng chịu nha’. Khi mọi người gật đầu em mới dám cầm kéo”, Khánh Huyền kể lại và cho biết thường tranh thủ cắt tóc cho mọi người vào giờ nghỉ trưa hoặc buổi tối khi đã xong việc.
Thế là từ một người, hai người rồi đến 3-4 người tìm đến nhờ cô cắt tóc. “Tiếng lành đồn xa” trong bệnh viện, hễ cứ tóc ai tốt, hoặc quá dài vướng víu lại đến nhờ Huyền cắt giúp. “Cây kéo vàng” này cho biết hiện còn rất nhiều người đăng ký cắt tóc nhưng cô chưa có thời gian.
Những tình huống dở khóc dở cười
Dù gật đầu nhưng Huyền cho biết chưa từng cầm kéo cắt tóc trước đây nên lần đầu tiên cắt tóc cho đồng nghiệp cô đã không khỏi run tay. Thường tóc các bạn nữ Huyền chỉ cần cắt ngang quá vai, nhưng không có kéo chuyên nghiệp cô thường dùng kéo y tế cắt xong cứ thấy khi bên dài bên ngắn, nhưng cô càng sửa thì càng… lệch.
“Có người được em cắt xong thì… không dám nhìn vào gương trong nhiều ngày liền, lúc đó em chỉ biết động viên rằng: Ở trong này mình mặc đồ bảo hộ suốt ngày nên sẽ không có ai nhìn thấy, còn đến lúc được về thì tóc đã tốt lại rồi”, Huyền kể.
Nhưng khó hơn cả vẫn là cắt tóc cho các đồng nghiệp nam, vì chỉ cần không đều tay là sẽ thấy ngay “đường kéo” ở trên đầu. “Có lần em mới chỉ cắt được nửa đầu thì tông đơ bị hỏng và phải hai ngày sau người nhà mới gửi cái khác xuống, lúc đấy cứ mỗi lần nhìn đầu anh ấy là mọi người không nhịn được cười”, Huyền tếu táo chia sẻ.
Khánh Huyền cho biết đã cắt cho hơn 5 người, và hiện còn nhiều khác nhờ cô cắt tóc
|
Dù không chuyên nghiệp, cũng có lúc không vừa ý nhưng Huyền cho biết mỗi lần cắt tóc ai cũng cười vui vẻ và cảm ơn rối rít nên cô rất vui. “Thực ra, thấy cầm cái kéo là đã buồn cười rồi nhưng cắt xong thì mấy anh khen đẹp và mát, dễ chịu hơn chứ con trai tóc nhanh dài khó chịu lắm”.
"Khóc thét" với màn tự cắt tóc của mình
Trào lưu tự cắt tóc này không chỉ có ở bệnh viện dã chiến, gần đây khi khi Việt Nam thực hiện
cách ly xã hội, các tiệm cắt tóc đều đóng cửa nên nhiều bạn trẻ cũng đã học cách “tự xử” với mái tóc của mình dù chưa một lần cầm kéo trước đây.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong mùa dịch năm nay, Nguyễn Ánh Tuyết (24 tuổi, Bắc Giang) có Facebook với gần 136.000 lượt theo dõi, cho biết đã không ít người khen cô “dũng cảm” khi tự cắt tóc ở nhà.
Mới đây, video tự cắt tóc của Ánh Tuyết thu hút hơn 100.000 lượt xem trên Facebook và YouTube.
“Ở nhà quá lâu, rảnh không có việc gì làm nên em đã nghĩ tới việc thử tạo cho mình một kiểu tóc mới xem thế nào. Nghĩ là làm, sau đó lấy kéo rồi ngồi trước gương tự cắt. Nhưng thật, cắt xong không thể tin được vào khả năng của mình”, cô nàng hài hước chia sẻ.
Mái tóc lổm nhổm, sợi dài sợi ngắn, tóc mái bên có bên không… là thành quả của Ánh Tuyết sau một hồi vật lộn với cây kéo.
“Thực sự, sau khi cắt tóc xong em đã buồn mất một ngày vì nó quá xấu. Nhưng sau đó nghĩ tới việc còn phải ở nhà lâu dài nên em tự an ủi mấy hôm nữa tóc sẽ dài ra, tiệm tóc mở lại em sẽ đi sửa lại”, Ánh Tuyết nói thêm.
Còn Trương Tuấn Anh (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết từ khi tự cắt tóc cho mình xong, nam sinh này đã
hạn chế ra khỏi nhà.
Chuyện là, hai tháng trước đó Tuấn Anh bận đi làm thêm nên chưa thể cắt tóc, tới lúc nghỉ việc vì dịch thì các tiệm đã đóng cửa. “Nóng nực, ngứa ngáy trong khi các bạn cùng phòng đã về quê hết nên mình quyết định mang gương, kéo, lược ra tự cắt. Dù đã mở các video hướng dẫn tự cắt tóc trên mạng xem đi xem lại nhiều lần, nhưng đến khi cắt xong, mình chẳng dám ra khỏi phòng nữa”, Tuấn Anh hài hước kể lại.
Chàng trai cho biết, vì soi gương cắt nên mỗi bên một kiểu khác, còn phía sau thì nham nhở đường kéo. Cắt xong, nhìn vào gương Tuấn Anh đã “khóc thét” với trình độ của mình. Từ ngày đó, cậu chẳng dám ra khỏi nhà trọ, thỉnh thoảng ra ngoài mua thực phẩm Tuấn Anh chọn một chiếc mũ để che phần đầu của mình.
Bình luận (0)