Chàng nhiếp ảnh mê nhặt rác và ‘rừng cây 0 đồng’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/03/2019 19:48 GMT+7

Mỗi khi có thời gian, Tuấn ra đường nhặt rác sau đó giữ lại chai lọ, các ly nhựa đựng trà sữa để trồng cây, những cái cây cũng được anh nhặt nhạnh khắp nơi, đến nay rừng cây 0 đồng có cả trăm cây các loại.

Theo đuổi các hoạt động nhặt rác từ khi trào lưu này chưa "gây bão" trên mạng xã hội, Tuấn cho rằng nó không chỉ khiến anh và những người bạn của mình thấy vui hơn, mà còn lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa cho cộng đồng. “Rác cho tôi những cái chậu nhỏ xinh để trồng cây, trên đường nhặt rác tôi có thể nhặt được những cái cây bị bỏ rơi và mang về chăm sóc chúng tốt tươi”, chàng trai vui vẻ.

Phải có cây xanh mới thấy thoải mái

Nguyễn Mạnh Tuấn, 27 tuổi, nhiếp ảnh tại Mori Studio, sống ở phường Tràng Thi, thành phố Vinh, Nghệ An. Chàng trai tốt nghiệp nghề thiết kế đồ họa, Trường FPT Arena, chia sẻ quan điểm của mình là sống vì môi trường, vì thiên nhiên nên việc anh mê trồng, chăm sóc cây xanh “nảy mầm” từ bao giờ không rõ: “Chỉ biết là từ nhỏ đến giờ, không gian sống của tôi phải có cây xanh thì tôi mới cảm thấy thoải mái”.
Mỗi chai lọ nhựa đều có thể trở thành chậu trồng cây dễ thương Mạnh Tuấn
Tuấn trồng nhiều cây từ lâu nhưng đến giữa năm 2017 anh mới bắt đầu tìm hiểu một cách kỹ càng về cách trồng và chăm sóc cây đúng cách. Anh cho hay: “Thành phố nơi tôi sống, các bạn trẻ chưa có thói quen trồng cây, nên tôi muốn tạo ra một không gian nhiều cây xanh, nhằm kết nối, hướng dẫn và lan tỏa tình yêu cây xanh tới mọi người. Ngôi nhà của tôi là nơi thử nghiệm cách chăm sóc, nhân giống cây trồng, đặc biệt là các loại cây có lá đẹp và có thể trồng trong nhà”. Tuấn chia sẻ thông tin về các loại cây, cách chăm sóc chúng trên trang cá nhân Facebook, giúp bạn bè có thể tham khảo thông tin dễ dàng hơn.
Số lượng cây trồng trong nhà ngày càng lớn hơn, cần mỗi ngày một nhiều chậu cây (nay anh đã có hơn 100 cây xanh) Tuấn có ý tưởng tái sử dụng chai lọ, cốc nhựa, bát đĩa nhựa sử dụng một lần vừa không thải nhựa ra môi trường, vừa tiết kiệm chi phí. Không chỉ giữ lại chai lọ đã qua sử dụng, Tuấn cũng để riêng chai lọ trong những buổi đi nhặt rác, thu gom cốc trà sữa đã qua sử dụng tại quán để làm phong phú thêm các chậu trồng cây.

Tặng bạn bè cây xanh, lan tỏa tình yêu cây

Tuấn cho rằng, anh yêu thiên nhiên và cây cối có lẽ được ảnh hưởng từ ông nội của mình, từ nhỏ anh đã theo ông cùng trồng cây, tưới cây, bắt sâu.
Do đó, anh luôn tin rằng, khi mình trồng cây xanh và trao tặng bạn bè những cây nhỏ xinh, sẽ lan tỏa tới những người trẻ tuổi như mình tình yêu với thiên nhiên. Tuấn không ngại tặng bạn bè cây, hoặc chăm giúp bạn những cây đang bị sâu bệnh, anh và những người bạn cùng truyền cảm hứng cho nhau. “Thật vui khi bạn bè quanh tôi đã bắt đầu trồng nhiều cây hơn và quan tâm tới cách chăm sóc cây kỹ càng hơn”, Tuấn hồ hởi.
Chai lọ dùng xong, Tuấn cũng giữ lại và để trồng cây Mạnh Tuấn
Cây bướm đêm do Tuấn đi xin lại và về trồng nở hoa
Chiếc ly nhựa dùng một lần trở thành chậu trồng cây dương xỉ lý tưởng
Tuấn trong "khu rừng" của mình Mạnh Tuấn
Nhiếp ảnh trẻ tuổi cũng cho hay, nhờ sống trong không gian nhiều cây xanh, anh cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn: “Đi học và làm việc ở nhiều nơi, tôi nhận ra mình cần sống chậm lại. Trong công việc, có những lúc đối mặt với áp lực hay khách hàng khó tính, tôi dạo một vòng ngắm cây xem có cây nào cần tưới không, cây nào có rệp không, bỗng cảm thấy mình thoải mái ngay để tiếp tục trở lại với công việc”.
Sức hút từ 'làm nông 0 đồng'
Anh Nguyễn Hải Vương, 25 tuổi, kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp khoa Nông học, Trường ĐH Cần Thơ, đang quản lý trang trại dưa lưới tại phường 28 quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ ngày càng nhiều bạn trẻ phố thị quan tâm đến trồng cây, chỉ từ 0 đồng, bạn trẻ cũng có thể có một vườn cây ngay trên sân thượng khi tận dụng vật liệu tái chế làm chậu trồng rau và những vỏ rau củ quả thừa có thể làm phân compost, lấy gốc cây, hạt của quả đã ăn để trồng...
Anh Vương cho rằng, người tự trồng rau theo phương pháp này cần chọn lựa thông tin trên mạng internet để ứng dụng thành công. “Ngoài ra, nên cẩn trọng nếu tái chế thùng trồng rau từ các thùng nhựa không rõ nguồn gốc. Rất có thể chúng từng được chứa hóa chất độc hại”, anh Vương khuyên.
Nhìn nhận làm nông ở phố thị ở góc độ tinh thần, anh Hồ Ngọc Dinh, sáng lập Fanpage Thích trồng cây với hơn 190.000 thành viên chia sẻ: “Cuộc sống hữu hạn quá nhiều mệt mỏi, tìm đến thiên nhiên, cây cối là thú vui giải tỏa những nỗi buồn. Dù chỉ trồng một cái cây nhỏ hay có cả vườn cây, giá trị đem lại với mỗi người đều to lớn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.