Chàng thủ khoa 'đốn tim' hàng triệu học sinh

15/04/2021 07:11 GMT+7

Vẻ ngoài điển trai, hoạt ngôn và đặc biệt đang là sinh viên năm nhất ngành quốc tế học nhưng có thể giải đáp vanh vách các kiến thức về ngành sư phạm ngữ văn, chàng thủ khoa Võ Lập Phúc đã 'đốn tim' hàng triệu học sinh.

Là một trong những thủ khoa đầu vào tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên, Võ Lập Phúc, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, cũng đồng thời là thủ khoa toàn quốc khối D14, đã gây ấn tượng đặc biệt với tất cả học sinh.

Đọc sách triết luận để giải bài toán về ngôn ngữ

Phúc cho biết vì rất đam mê môn văn nên đã tìm hiểu về tất cả các ngành có liên quan đến văn học. Không những thế, tất cả các ngành liên quan đến khối xã hội, anh chàng đều tìm hiểu kỹ từ năm lớp 11. Với Phúc, sự tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các ngành học sẽ giúp có được những lựa chọn đúng đắn cho con đường mình đi và để biết thế nào sẽ phù hợp với bản thân nhất.

Thủ khoa Võ Lập Phúc

Phúc cũng cho biết những văn phong và cách thức dụng ngôn rất riêng, rất lạ của Phúc là nhờ đọc nhiều sách, đặc biệt là sách triết luận từ thời bạn bè đồng trang lứa chỉ thích đọc những thể loại sách như truyện tranh…
“Khi bắt đầu đến với việc đọc sách là trong một kỳ nghỉ hè, mình hoàn thành hết 7 bộ Harry Potter. Từ đó mình bắt đầu thích sách nhiều hơn. Nhưng sau 7 bộ Harry Potter, mình không biết đọc sách nào nữa và cũng đã từng tốn rất nhiều tiền cho những cuốn sách linh tinh khác. Nhưng sau đó, khi biết đến sách triết luận và cuốn đầu tiên mình đọc là tiểu thuyết triết lý Suối nguồn dày 1.199 trang của nhà văn nữ Ayn Rand. Từ đó, mình đã tìm được văn phong yêu thích mà mình gọi đó là văn phong triết luận, khi kết hợp triết học vào môn ngữ văn”, Phúc kể.

Thủ khoa Võ Lập Phúc giao lưu với học sinh

Đa phần học sinh khi bước chân vào giảng đường đại học mới được làm quen với các kiến thức triết học. Thế nhưng với Phúc thì đã làm quen và nghiền ngẫm rất nhiều bộ sách về triết luận từ thời trung học cơ sở. Năm học lớp 10, Phúc đã đọc xong hết cuốn Tư bản luận của Các Mác cả tiếng Anh lẫn Việt.
Chia sẻ về những điểm bị cuốn hút bởi sách triết luận, Phúc cho rằng thông thường chúng ta đọc sách để thư giãn, nhưng khi đọc sách triết luận sẽ khiến chúng ta như đang làm một bài toán khó, mà đây là bài toán về ngôn ngữ và Phúc thích quá trình chinh phục các bài toán khó này.

Tận dụng những thời gian “gãy” trong ngày

Khi đề cập đến thời gian đọc sách, Phúc cho biết: “Thực ra có rất nhiều thời gian để chúng ta đọc sách, chẳng hạn như những lúc đợi họp, vì sẽ có rất nhiều thành phần đi trễ. Thế là mình có thời gian ngồi đọc sách, thay vì như đại đa số là cầm điện thoại lướt Facebook... Những thời gian “gãy” trong ngày, nếu biết tích hợp lại thì rất nhiều, thậm chí nhiều lúc còn có được 3 - 4 tiếng để đọc sách”.
Điều đặc biệt, Phúc đọc sách không chỉ là để hiểu mà để cảm và từ đó làm dày phong cách ngôn ngữ của mình. Nhờ vậy, cách dụng ngôn của Phúc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. “Việc đọc sách cũng giống như ăn. Khi ăn và cảm thấy đã ăn đủ thì phải tiêu hóa những gì mới ăn. Đọc sách cũng phải có thời gian để tiêu hóa những gì mình mới đọc được. Nếu chỉ đọc lướt qua thì chỉ hiểu được tại thời điểm đó, và rồi rút cuộc mình chỉ đang đọc hiểu chứ không làm dày lên độ lý tưởng, phong cách ngôn ngữ cũng như dung tích lý luận”.

Ba mẹ là nguồn cảm hứng bất tận

“Trở thành thủ khoa là một điều rất ý nghĩa, nhưng mình luôn giữ sẵn trong suy nghĩ câu hỏi rằng liệu mình có thật sự giỏi chưa và có thật sự xứng đáng với những thành tựu đang có. Với cá nhân mình, đạt được một thành tích cũng đồng thời có thêm trách nhiệm và nghĩa vụ mà bản thân phải hiểu rằng cần phấn đấu nhiều hơn. Sự tự vấn về năng lực và hiểu biết đích thực của mình cùng những dao động bởi những gì đạt được, với một số người là áp lực đến mức khó thở, nhưng mình luôn xem nó là động lực để trở nên tốt hơn”, Phúc tâm sự.
Phúc cho biết ba mẹ chính là nguồn cảm hứng to lớn xuyên suốt quá trình phấn đấu của mình. “Ba mẹ đã cho mình mọi cơ hội để được học, được giáo dục, để được sống và trở thành chính mình trong thời điểm hiện tại với những thành tựu ban đầu đã đạt được”, Phúc kể.
Phúc rất hạnh phúc và tự hào mỗi lần kể về ba mẹ, những người luôn là động lực để Phúc cố gắng mỗi ngày: “Mẹ không biết tiếng Anh nhưng là người đầu tiên nói với ba rằng mình phải được học tiếng Anh vào hè lớp 1. Mẹ không giỏi hỏi han con học như thế nào, con thấy thích môn nào và con thích học ngành gì, vì mẹ luôn dành thời gian để hỏi con muốn ăn gì mẹ nấu, con thấy học có áp lực không... Và ba là một người mà mình luôn nhìn vào đó để hiểu nhiều hơn về giá trị của sự chịu khó và cố gắng vượt khó để có được vị trí xứng đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.