Khi đang ngồi viết bài báo này thì tôi nghe ngoài hẻm có tiếng rao 'Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon 5.000 một ổ' phát ra từ chiếc loa với giọng Sài Gòn ngọt lịm.
Mấy bữa nay trên cộng đồng mạng bàn tán, tranh luận xôn xao xung quanh về chuyện ổ bánh mì, bỗng dưng tôi nhớ lại những kỷ niệm một thời niên thiếu của mình, về ổ bánh mì Sài Gòn.
“Nhớ mua bánh mì Sài Gòn về cho em nha anh hai”
Tôi nhớ lúc mình khoảng 6, 7 tuổi ai đi Sài Gòn về cho ổ bánh mì không đã là món quà quý và người nhận như tôi cảm thấy rất mừng và hạnh phúc. Ngày đó, bánh mì không mà được chấm ăn với đường cát vàng thì ngon không thể tưởng.
Là anh cả trong một gia đình có đến 5 đứa em, khi tôi từ quê lên Sài Gòn học đại học thì 5 đứa em của tôi mừng lắm. Lý do tụi nó mừng không chỉ vì tôi đậu đại học, mà tụi nó còn nghĩ sẽ có cơ hội ăn bánh mì Sài Gòn nhiều hơn.
Tôi còn nhớ những năm tháng học đại học ở Sài Gòn, mỗi lần về thăm quê, tôi hay dặn mấy đứa em thế này: “Mấy đứa ở nhà ráng cố gắng học cho giỏi, lần sau anh hai về sẽ mua quà cho mấy đứa nhều hơn”. Thế là mấy đứa em nói lại: “Tụi em không cần quà gì hết vì anh hai còn đi học không có nhiều tiền. Tụi em chỉ cần anh hai mua bánh mì Sài Gòn về làm quà cho tụi em là tụi em mừng lắm rồi. Nhớ nha anh hai!”. Nói như thế để thấy rằng mấy đứa nhỏ ngày đó thích bánh mì Sài Gòn đến nhường nào.
|
Bánh mì - hương vị quê nhà, đi xa thấy nhớ
Không chỉ riêng tôi, khi nhắc về bánh mì, mỗi người đều có những kỷ niệm khó quên. Anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình (TP.HCM), nói: “Với tôi, ổ bánh mì Sài Gòn gắn liền với ký ức của tuổi thơ nghèo khó và cả bây giờ”.
Anh Liêm, kể: “Quê tôi ở Đắk Lắk, ngày xưa mỗi buổi sáng đi học hôm nào có đủ tiền để mua ổ bánh mì không hoặc bánh mì có nước chan để ăn là mừng rồi. Tôi còn nhớ, 1 ổ bánh mì có thịt lúc đó họ bán 1.000 đồng, nhưng tôi thường mua loại bánh mì chan nước sốt thôi, giá 600 đồng/1 ổ. Vị thơm của bánh mì, ngon ngọt của nước sốt thời ấy khó có thể tả được”.
Khi vào Sài Gòn học, mỗi buổi sáng hoặc đêm khuya thường nghe người ta chạy xe rao “Bánh mì Sài Gòn...”, tiếng rao đó đã đi vào ký ức của thời sinh viên. Hay mỗi ngày đi trên đường phố, chúng ta vẫy thường thấy đâu đó hình ảnh những thùng bánh mì miễn phí cho người còn khó khăn, với dòng chữ dễ thương “hãy lấy 1 ổ”. Bánh mì Sài Gòn không chỉ ngon, mà nó còn mang hơi ấm, nghĩa tình của người Sài Gòn.
|
Khi nhắc về bánh mì, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, ngụ tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nhớ lại: "Hồi đó, đi học mỗi ngày được ba mẹ cho 500 đồng. Với số tiền đó thì mình có thể ăn một dĩa bánh tằm bì, một tô bánh canh hay một ổ bánh mì. Đặc biệt, ở quê hay bán bánh mì nước chan cho học trò vì ít tiền. Loại nước sốt chan bánh mì cũng đặc biệt, nó sền sệt, có màu đỏ sẫm, thơm phức mùi hành tiêu, được chan đều trong lòng ổ bánh, thêm một lát dưa leo bào mỏng, ít ngò rí cho thơm nữa là đủ no hết buổi học rồi”.
Cho dù bánh mì ở khách sạn năm sao hay ở vỉa hè đều mang hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó chính là hương vị quê nhà mà đi xa bạn sẽ thấy nhớ |
Chị Kim Xuyến kể: “Thời sinh viên, mỗi sáng mua vội ổ bánh mì không đầu hẻm, chiên cái trứng ốp la nhét vào là đã có món ăn nóng hổi, thơm lừng và tiết kiệm. Thậm chí có ngày không còn tiền mua trứng thì ổ bánh mì không chấm nước tương dầm ớt cũng đủ hít hà mà no bụng. Nhưng đặc biệt, mình thích ăn bánh mì với nem chua hơn. Có ai đi miền Tây về cho chùm nem chua, thế là mình mua bánh mì không về ăn cùng với nem, ngon tuyệt vời”.
|
Chị Xuyến cho biết lúc ra trường đi làm, bánh mì vẫn là món ăn yêu thích của chị mỗi buổi sáng. Sài Gòn hoa lệ với nhiều chỗ bán bánh mì nổi tiếng. Bên trong ổ bánh mì với đủ các loại nhân: nào là bơ, xíu mại, chả cá, thịt gà xé, thịt heo khìa, dăm bông, chả lụa… thêm tí đồ chua, lát dưa leo, cọng ngò rí là ra một ổ bánh mì thật hấp dẫn và chất lượng.
“Cho dù bánh mì ở khách sạn năm sao hay ở vỉa hè đều mang hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Đó chính là hương vị quê nhà mà đi xa bạn sẽ thấy nhớ”, chị Xuyến nói.
Bình luận (0)