Những ước mơ ngây ngô và chân thành của các em nhỏ ở xã Gia Huynh (H.Tánh Linh, Bình Thuận) được viết và treo lên cây mai với mong muốn sẽ sớm thành hiện thực... là một trong những hoạt động do nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức. Hoạt động này nằm trong chương tết với tên "Đan Xuân Gia Huynh".
Ước mơ trở thành cầu thủ đội tuyển Việt Nam
Ngày 29 và 30.12, tại Trường tiểu học Gia Huynh xã Gia Huynh (H.Tánh Linh, Bình Thuận) hơn 150 em nhỏ đã tham gia các hoạt động từ chương trình "Đan Xuân Gia Huynh".
Điều các em thích thú nhất là viết những ước mơ của mình rồi treo lên cây mai, với mong muốn sẽ thành hiện thực. Minh Toàn (học sinh Trường tiểu học Gia Huynh) chia sẻ ước mơ: "Em ước sẽ trở thành một tiền vệ trung tâm của đội bóng Việt Nam".
Nhiều em nhỏ với mơ ước chỉ cần gia đình hạnh phúc, học giỏi... Đọc được những ước mơ của các em, Võ Thị Liên (sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đồng thời là trưởng ban tổ chức chương trình, bày tỏ: "Gian hàng cây mai ngày tết được các em nhỏ rất thích. Tại đây các em viết điều ước của mình vào tờ giấy, sau đó treo lên, nhiều mơ ước dù là giản đơn thôi, nhưng với các em nó thật lớn lao. Mình hy vọng những ước mơ của các em ở Gia Huynh sẽ trở thành hiện thực".
|
Những ước mơ được treo lên cây mai còn thể hiện sự hồn nhiên, nhiều bé chưa biết ước gì nhưng vẫn muốn được viết. Sự dễ thương hồn nhiên qua từng ước mơ ấy làm lay động các bạn trẻ tổ chức chương trình.
Trần Văn Mến, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: "Trẻ con rất đơn giản và ngây ngô, những ước mơ của các em viết đã thể hiện điều đó. Với mình thì cũng ước năm mới mọi điều tốt đẹp và học tập tốt hơn".
|
Thích thú với ông đồ cho chữ
Điều mới mẻ trong chương trình "Đan Xuân Gia Huynh" năm nay có lẽ là ông đồ cho chữ. Hoạt động này khiến nhiều em học sinh thích thú, những nét mực chấm phá càng làm tăng sự tò mò háo hức từ các em nhỏ.
|
|
Nguyễn Thanh Lộc (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) người viết chữ thư pháp, bộc bạch: "Mình rèn luyện viết chữ thư pháp 2 năm rồi, phải chú ý tập trung lúc viết và cầm bút chắc mới viết được. Gió mạnh và số lượng học sinh đông nên phải viết nhanh và nhiều khiến mình thấy hơi mệt. Thế nhưng, nhìn các em nhỏ thích thú, hào hứng đã tiếp thêm động lực để mình cố gắng viết thật đẹp".
Còn Lê Nguyễn Duy Linh (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) thì tâm sự: "Khi viết xong tụi mình còn giải thích ý nghĩa từng con chữ cho các em, nên tụi nhỏ cảm thấy thích thú lắm...".
Bình luận (0)