Những 'ông, bà đồ trẻ' cho chữ

29/01/2019 07:01 GMT+7

Ra phố ông đồ những ngày cận tết, nhiều người ngỡ ngàng khi đa phần những ông đồ cho chữ tại đây đều ở độ tuổi đôi mươi.

Mang nét hiện đại vào thư pháp

Mình được tiếp xúc với những lời hay ý đẹp, nên dù bất cứ lúc nào làm gì sai mình cũng phải tự suy ngẫm lại, vì những chữ mình đang viết đều là những lời răn dạy của ông bà ta từ thời xa xưa
Ông đồ trẻ NGUYỄN VĂN KHA
Ấn tượng nhất trong các gian hàng thư pháp tại phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, là gian hàng của “ông đồ trẻ” Võ Đức Dự (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Bởi những bức thư pháp được viết kết hợp với tranh 3D sống động.
Đam mê và bén duyên với nghệ thuật viết thư pháp từ khi học lớp 6, đến giờ đã 11 năm. Niềm đam mê khiến Dự không ngần ngại khó khăn, thi đậu đại học lên thành phố học, Dự tìm mọi cách để gặp được những đàn anh đi trước học hỏi kinh nghiệm.
“Mình từng phải chạy xuống Thủ Đức chờ từ 5 giờ sáng chỉ để hỏi anh kia chỉ cho mình mua cây bút viết thư pháp đó ở đâu và dùng giấy gì để viết. Rồi một đêm tập viết cả một chồng giấy chất cao, tất cả chỉ vì đam mê”, Dự kể.
Từ những nỗ lực, cộng với chuyên ngành thiết kế theo học và năng khiếu bẩm sinh, Dự luôn cố gắng cách tân, làm hiện đại những cách viết thư pháp.
Chỉ tay lên những bức thư pháp khắc họa chữ “AN” trên hình cành cây đào 3D vô cùng ấn tượng, Dự nói: “Ngày xưa thư pháp chỉ là mực tàu giấy đỏ, còn giờ mình có thể kết hợp vào tranh 3D. Nên thư pháp sẽ không còn nhàm chán nữa, xã hội ngày càng phát triển thì mình phải linh hoạt và cách tân nó, để bộ môn thư pháp trở nên phong phú hơn”.
Không những thế, Dự còn dùng keo để vẽ tranh cá 3D, ứng dụng vào thư pháp. Theo đó, một bức thư pháp của Dự sẽ có 7 lớp, cứ đổ một lớp keo rồi vẽ một lớp, đợi khô keo thì đổ thêm lớp khác và vẽ, cứ như thế sẽ tạo nên bức tranh thư pháp có chiều sâu hun hút, nhìn rất ấn tượng.
Với Dự, thư pháp đã giúp cho anh trở nên hoàn thiện hơn về cách sống cũng như cách nhìn cuộc sống.
Còn với Nguyễn Văn Kha (20 tuổi), một trong 2 ông đồ trẻ nhất ở phố ông đồ năm nay, thì thư pháp là một điều rất kỳ diệu. Dù đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM nhưng Kha lại có niềm đam mê mãnh liệt với thư pháp. Năm nay là năm thứ 2 Kha làm ông đồ cho chữ ở phố ông đồ ngày tết.
“Được mặc trên mình bộ áo dài khăn đóng truyền thống, được viết những lời hay ý đẹp cho mọi người, em thấy hạnh phúc vô cùng. 8 năm đến với thư pháp, là khoảng thời gian mình được tiếp xúc với những lời hay ý đẹp, từ đó dù bất cứ lúc nào làm gì sai mình cũng phải tự suy ngẫm lại, vì những chữ mình đang viết đều là những lời răn dạy của ông bà ta từ thời xa xưa”, Kha tâm sự.

“Bà đồ” xuống phố

Không chỉ có những “ông đồ trẻ”, phố ông đồ năm nay còn có sự góp mặt của những “bà đồ trẻ”. Và những gian hàng này luôn thu hút rất đông khách bởi ai cũng tò mò và thích thú khi được “bà đồ” cho chữ.
Phạm Thị Thủy Tiên (29 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng đam mê hội họa từ nhỏ, nhưng cứ mỗi lần vẽ được bức tranh nào là mẹ toàn đem xé.
“Mọi người đi ngang qua cứ nghĩ em ngồi đây chơi hay chỉ ngồi phụ thôi, nên gian hàng của em lúc nào cũng đông, có lẽ là vì mọi người tò mò muốn xem “bà đồ” có cho chữ được không ấy mà. Hơn nữa con gái theo nghề này buộc phải có sức khỏe để ngồi được lâu và luôn giữ được nét mặt tươi vui chào đón khách và cho chữ”, Tiên vừa cười vừa bộc bạch.
Nhưng cũng theo Tiên, nhờ có thư pháp mà cuộc sống của Tiên thú vị hơn rất nhiều: “Sau những giờ làm việc căng thẳng hay áp lực, chỉ cần ngồi lại viết chữ là mọi mệt mỏi tan biến hết và con người mình nhẹ nhàng lắm. Rồi ra với phố ông đồ, thư pháp giúp em gắn kết được với nhiều người, những người lạ thành quen và thậm chí trở nên thân thiết. Em có nhiều mẹ nuôi cũng nhờ những lần làm “bà đồ” như thế này. Thư pháp nó hay như vậy đó ạ”.
Võ Thị Kiều Trâm (21 tuổi) hiện Trâm đang là sinh viên Trường CĐ Phát thanh truyền hình nhưng lại đam mê với bộ môn thư pháp. Và đây là năm thứ 3 liên tiếp Trâm làm “bà đồ” cho chữ ở phố ông đồ mỗi dịp tết về.
Theo Trâm, nhiều người thường không xem trọng “bà đồ”, đặc biệt là những “bà đồ” trẻ như Trâm. “Em nghĩ gái hay trai cũng có thể đam mê bộ môn này. Lớn hay trẻ tuổi thì khi đến với nghệ thuật thư pháp cũng phải tự rèn luyện, học và hiểu đến từng câu chữ. Để làm sao nhìn từng gương mặt mỗi người mình có thể hiểu và tặng cho họ những chữ phù hợp. Tặng xong, mọi người hỏi ngược lại mình tại sao lại cho họ chữ này thì bản thân cũng phải giải thích thật sâu sắc câu chữ đó. Mà cũng phải có những người trẻ đam mê thư pháp như tụi em thì loại hình nghệ thuật truyền thống này mới được duy trì và phát triển hơn nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.