Đã mắt với vườn nông sản sân thượng sai trĩu quả đến mức muốn gãy cành

06/05/2021 15:05 GMT+7

Chưa một lần biết làm nông hay trồng cây là gì, nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị Châu Kim Phụng (Q.12, TP.HCM) đã cho ra đời vườn nông sản sân thượng sai trĩu quả đến mức muốn gãy cành.

Tận mắt chứng kiến vườn nông sản sân thượng của chị Phụng mới thật sự “chết mê chết mệt” vì cây nào cây nấy xanh mướt, trái thì treo lúc la lúc lỉu trên cành. Điều đặc biệt, trồng cây trên sân thượng chưa thoả hết đam mê của mình, thấy nền đất trống của nhà hàng xóm, chị Phụng lân la hỏi mượn để trồng đủ mọi rau, củ, quả. Thế là, giữa thành phố hiện đại, xuất hiện một khu vườn xanh mướt, cây trái trĩu nặng cành khiến ai cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ.

Những quả dưa lưới sân thượng ai nhìn thấy cũng phải xuýt xoa

HOA NỮ

Trồng được nông sản trên sân thượng nhưng không ai tin

Kể về cơ duyên đến với vườn nông sản trên sân thượng, chị Phụng cho biết từ nhỏ đến lớn chưa biết trồng cây là gì, thấy người ta trồng cây sân thượng thích quá chừng nhưng nghĩ rằng mình không thể nào trồng được như vậy. Nhưng từ khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, vì giãn cách xã hội ở nhà không có việc gì làm, thấy sân thượng của mình bỏ hoang tàn bấy lâu nay nên chị Phụng quyết tâm thử trồng nông sản một lần xem sao. Nhưng không ngờ thành quả ngoài cả sự mong đợi.

Bầu treo lúc lỉu trên sân thượng của chị Phụng

HOA NỮ

“Mình là con gái út trong gia đình, từ nhỏ đã được cưng chiều như tiểu thư nên đâu phải động chân động tay gì đâu, chứ đừng nói gì là làm nông. Thế rồi vì mê quá và quyết tâm trồng nông sản sân thượng nên mình lên mạng rồi học hỏi từ kinh nghiệm những người đi trước, sau đó tự mày mò thêm rồi trồng. Nhưng mà trồng là được liền luôn, nên nhiều người bảo mình mát tay trồng cây”, chị Phụng chia sẻ.

Dưa lưới trái nào trái nấy đạt năng suất nhìn phát mê

HOA NỮ

Chị Phụng kể lúc mới bắt đầu thì chị chỉ trồng rau, được một thời gian là thử nghiệm thêm rất nhiều loại nông sản khác, đặt biệt là cây ăn trái.

“Trồng cây nào cũng đạt hết nên mình mê lắm luôn, suốt ngày lên sân thượng đến nổi mà chồng mình cứ bảo sao mê cái sân thượng đó hơn là cả chồng với con. Nhưng thật sự nhìn cây cứ lên xanh tốt, rồi trái thì ra lúc lỉu thế kia thì ai mà không mê cho được. Thích quá chừng luôn (cười)”, chị Phụng hài hước kể về “chiến tích” mê trồng cây đến nổi chồng phải “ghen” với cái sân thượng.

Khổ qua sân thượng

Bí xanh trên sân thượng

HOA NỮ

Vì quá mê, lạị thấy mảnh đất đối diện nhà đang để trống nên chị Phụng lân la hỏi xin hàng xóm để mượn trồng thêm nông sản. “Vì sân thượng diện tích cũng nhỏ, không thể trồng hết được tất cả các loại cây mình muốn trồng, thế là mình trồng thêm dưới khu vườn này. Đa phần ở khu vườn dưới đất mình chỉ trồng các loại rau, và các cây dễ trồng, ít sâu bệnh, còn các loại cây ăn trái, và cây “nhạy cảm” hơn thì mình trồng trên sân thượng”, chị Phụng kể.

Bí xanh dưới vườn

HOA NỮ

Chính vì thế, mà từ một người chưa từng biết trồng cây hay làm nông là gì, nhưng chị Phụng đã khiến cả gia đình của mình ăn nông sản sạch đến mệt nghỉ. Nhưng gia đình ăn cũng không thể hết, nên cứ mỗi lần thu hoạch là toàn cho bớt hàng xóm, rồi bạn bè.

“Lúc đầu chỉ trồng trên sân thượng không ai thấy nên khi mình đăng hình khoe lên mạng xã hội, bảo là nông sản trồng trên sân thượng nhưng không ai tin. Mà thật sự ai mà dám tin cái đứa tiểu thư như mình mà trồng được nông sản, lại còn trồng trên sân thượng. Người thân ở xa thì ai cũng hỏi sao mà trồng được hay vậy, giỏi quá vậy. Nói chung là lúc đầu không ai dám tin”, chị Phụng nhớ lại.

Bí quyết của “dân tay ngang” trồng nông sản

Hiện tại, trên sân thượng của chị Phụng có một giàn dưa lưới đủ các loại như hami, honey red, lê đóm sữa…và các loại cây ăn trái khác như táo, đu đủ, ổi, cốc, dưa leo, các loại rau mà chị gọi là rau “hạng sang” như cải kale, cải rổ…Còn khu vườn dưới nhà thì đầy đủ các loại nông sản như rau mồng tơi, các loại cải, khoai lang,  bầu, bí, cà tím, ớt…


Đa dạng dưa lưới sân thượng

HOA NỮ

Nhìn giàn dưa lưới, bí xanh rồi táo trái ra lúc lỉu, trĩu nặng cành, người viết cứ xuýt xoa thì chị Phụng chỉ tay vào cây ổi ngay cạnh đó và nói: “Em nhìn thấy cây ổi nhỏ xíu như vậy mà có lúc ra đến hơn 100 trái, ra nhiều đến nỗi mà chị không buộc xuể nên cây muốn gãy cành luôn. Còn bầu, bí thì lúc nào cũng ra kín hết giàn vậy đó”. 

Cà tím dưới vườn

Cà chua sân thượng

HOA NỮ

Chia sẻ về bí quyết của mình thì chị Phụng cho biết lúc đầu chị trồng bằng đất mua ngoài tiệm nhưng không hiểu sao không đạt được năng suất nên chị đi ngoài đường thấy các mảnh đất trồng của nhà người ta là ghé vào xin ít đất về trồng. Đất xin về chị tiến hành ủ theo tỉ lệ: đất thịt 40%, tro trấu với phân bò 40%, còn lại là phân gà rồi trộn chung giá thể này lại với nhau để trồng cây.

“Mình chỉ tốn công sức một lần vác đất lên sân thượng thôi, còn sau đó thì cứ tận dụng đất đã trồng để cải tạo lại và tiếp tục trồng tiếp. Đất sau khi thu hoạch, thì mang đi phơi nắng 7-10 ngày, phơi trong thời tiết thật nắng và đừng để gặp mưa. Phơi xong trộn thêm phân vào rồi mang đi ủ trong vòng 1 tuần, sau đó là có thể sử dụng để trồng cây”, chị Phụng cặn kẽ về cách cải tạo đất trước khi trồng.

Cây ổi sai trĩu quả

Sung Mỹ sân thượng

HOA NỮ

Hái táo cho người viết ăn thử, trái nào trái nấy giòn và ngọt vô cùng, người viết cứ trầm trồ khen ngon thì chị Phụng chia sẻ bí quyết: “Trái cây mình trồng sân thượng nhưng ăn rất ngọt là do mình tự ủ dịch chuối để tưới cho cây. Dịch chuối này là hỗn hợp của dịch chuối, trứng và sữa. Hỗn hợp này mình tự ủ trong vòng 1 tháng là có thể mang ra tưới cho cây”.

Rau xanh tốt từ vườn đến sân thượng

HOA NỮ

Ngoài hỗn hợp này ra, chị Phụng còn tự ủ rất nhiều loại dinh dưỡng khác cho cây như là rác hữu cơ, bã đậu nành, phân cá… “Đặc biệt nhất là khi trồng dưa lưới, một loại cây mà rất khó trồng và cần chăm sóc kỹ. Nên ngoài giá thể trộn ban đầu, thì khi cây có từ 5 lá thật trở lên là bắt đầu bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây, như tưới đạm cá (được ủ từ đầu, ruột cá mình đi chợ mỗi ngày mua hoặc xin về). Đạm cá này tưới lên rất tốt cho cây nhưng lưu ý cũng đừng lạm dụng nhiều, nhiều quá sẽ làm vàng rồi rụng bông và không đậu quả. Bên cạnh đó,` phải kết hợp thêm các chất như canxi, kali mà nếu dùng hoá học thì những loại này đều có sẵn ngoài thị trường nhưng mình trồng hữu cơ nên phải tự làm hết. Canxi thì mình sử dụng vỏ trứng để rải lên trên đất, còn kali thì có trong dịch chuối nên mình tự ủ để sử dụng thay thế cho phân bón hoá học”, chị Phụng “bật mí”.

Tận dụng những thùng bỏ đi để trồng cây vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ được môi trường

HOA NỮ

Giờ đây với thành quả khu vườn nông sản sân thượng xanh mướt, trái ra trĩu cành, mỗi ngày trước khi đi làm hay chiều tối lúc đi làm về, chị Phụng đều tranh thủ lên khu vườn sân thượng, vừa để chăm sóc, vừa để tận hưởng cuộc sống yên bình giữa thành phố nhộn nhịp này. Không những thế, với khu vườn nông sản sân thượng, chị Phụng còn dạy cho con của mình về cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.