Dịch Covid-19 lại phức tạp: Tết cận kề với muôn ngàn nỗi lo

02/12/2020 15:24 GMT+7

Thêm các ca lây nhiễm Covid-19 mới từ cộng đồng, người trẻ bắt đầu 'thở dài than ngắn' vì tết cận kề với muôn ngàn nỗi lo.

“Mới vừa ổn định được thời gian, ai cũng đang hối hả, tất bật lao đầu vào công việc để còn có đồng vào đồng ra mà lo cho tết. Giờ tình hình dịch Covid-19 lại tái diễn phức tạp thế này thì không biết sẽ như thế nào. Chỉ mong dịch nhanh chóng được kiểm soát nếu không năm nay coi như là hết tết. Năm gì đâu không biết, khổ cho dân mình quá”, Trần Thị Minh Hằng (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) bày tỏ.

Tiếp viên hàng không mắc Covid-19 đi khắp nơi khi đang cách ly: Lỗ hổng ở đâu?

“Dịch mà bùng lại coi như… hết tết”

Vừa nhắc đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chị Trần Thị Kim Tuyến (32 tuổi, TP.HCM) đã than dài thở ngắn: “Mình đau đầu từ hôm qua tới giờ. Mới vừa ổn ổn được xíu, công việc mới vào quỹ đạo lại mà giờ dịch bùng nữa, tết nay xác định rất khó khăn và cũng không biết phải sao đây nữa”.

Chị Tuyến lo lắng: “Mình làm công việc xuất nhập khẩu, dịp cuối năm này nhu cầu cao nữa, mà nếu như cấm biên thì mình ở nhà chỉ ăn với ngủ như hồi đợt từ đầu năm. Tết nay sẽ là cái tết khó khăn nhất đối với nhiều gia đình”.

Người trẻ xuống phố cũng đã ý thức hơn về việc đeo khẩu trang để bảo vệ cho chính mình và cộng đồng

HOA NỮ

Với Minh Hằng, làm về lĩnh vực du lịch, đợt dịch từ đầu năm đã tìm cách chuyển nghề để kiếm sống, đến khi đợt dịch lần 2 được kiểm soát thì Hằng bắt đầu quay lại làm hướng dẫn viên cho các tour trong nước. Hằng buồn bã nói: “Mong dịch qua chứ tụi mình biết phải xoay xở thế nào. Hổng lẽ tết về nhà cho ba mẹ nuôi. Thật tình nghe thông tin mà não nề, mong mọi người cùng có ý thức để phòng chống dịch tốt, để chúng ta còn có tết mà ăn chứ không hết tết là có thật”.

Hằng cho biết giờ tết đến sát bên rồi mà công việc không có nữa là xác định luôn. “Cuối năm ai cũng chạy nước rút cho công việc, dịch mà bùng phát mạnh, phải giãn cách xã hội là xong luôn. Tết nhứt gì nữa, một năm đau lòng gì đâu”, Hằng than thở.

Lịch trình dày đặc của bé trai 1 tuổi mắc Covid-19 ở TP.HCM

Cũng cùng tâm trạng, Hoàng Tú Anh (cựu sinh viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM), hiện làm MC tại TP.HCM cũng bày tỏ nhiều lo lắng vì nếu dịch bùng lại, công việc của Tú Anh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Hiện công việc của mình mới bắt đầu ổn định lại, và đây cũng là thời điểm kiếm tiền lại để bù cho đợt dịch từ đầu năm, nếu dịch bùng phát lại thì việc kiếm tiền sẽ khó khăn hơn. Nếu dịch không được kiểm soát, không chỉ mình mà tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng và sẽ có nhiều người không có tài chính để ăn tết”, Tú Anh bày tỏ.

Tú Anh chỉ mong mọi người hãy cùng nhau ý thức và bảo vệ bản thân thật tốt trong mùa dịch này để dịch nhanh được kiểm soát.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ngày hôm qua, anh Nguyễn Tấn Đạt, nghệ nhân tranh cá 3D tại TP.HCM, đã đăng hình ảnh mâm cúng ngày tết bằng mô hình do chính anh làm từ đất sét, với dự báo về một cái tết nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại chắc sẽ chẳng có gì để cúng ngoài những mô hình như thế này. Anh Đạt đăng hình ảnh kèm theo dòng trạng thái: “Em cắn rơm cắn cỏ lạy chị Covid, chị đi về giùm em, chứ em khổ lắm lắm rồi”.

Chia sẻ với người viết về những mối lo ngại của mình, anh Đạt bày tỏ: “Có nhiều thứ đáng lo ngại, vì những tháng cuối năm là những tháng chạy nước rút để chuẩn bị cho tết, năm nay ảnh hưởng Covid-19 dài nên sức mua hàng hóa giảm, đặc biệt là các sản phẩm về thủ công mỹ nghệ giảm, khách du lịch nước ngoài gần như không có”.

Hình ảnh mô hình mâm cúng làm bằng đất sét mà anh Đạt đăng trên trang cá nhân

CHỤP MÀN HÌNH

Anh Đạt cũng cặn kẽ thêm là theo lộ trình hàng năm, từ tết Tây đến Tết Nguyên đán, vật giá bắt đầu leo thang, trong khi năm nay kinh doanh ế ẩm, việc “thắt lưng buộc bụng” ngày càng phải tính toán kỹ lưỡng. Ngành hàng thủ công mỹ nghệ muốn kích cầu phải thay đổi liên tục, cập nhật thêm mô hình mới, mới đủ sức thuyết phục người mua trong giai đoạn khó khăn này. Chiến lược kinh doanh các sản phẩm đại trà không còn phù hợp, đòi hỏi phải mở rộng sang một đối tượng khách hàng mới, cao cấp hơn, nhưng vẫn phải duy trì đối tượng khách hàng cũ, chờ đợi thời gian tới hết dịch, đón lại dòng khách du lịch.

“Thiết nghĩ trong giai đoạn này cần phải suy nghĩ thật kỹ. Hạn chế đầu tư, mà phải giữ vốn, và tiêu dùng thật kỹ. Nếu có nguy cơ giãn cách xã hội một lần nữa vì dịch Covid-19, có lẽ sẽ tập trung vào mảng kinh doanh online và phát triển theo hướng mới, phù hợp với nhu cầu hơn”, anh Đạt gợi mở.

Cảnh giác cao độ sau nhiều ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở TP.HCM

Chị Huỳnh Thị Tố Uyên (30 tuổi, sống tại Nha Trang) làm về mãng du lịch nên chị cho biết khó khăn đang chồng chất khó khăn. “Hiện giờ tình hình vẫn rất ảm đạm, dịch Covid-19 từ đợt trước đã ảm đạm rồi nhưng hiện giờ mình cũng tạm ngưng hoạt động về du lịch vì mùa này mưa gió không làm gì được. Thực tế nếu từ đây đên tết mà dịch được khống chế tốt thì du lịch vẫn chuyển biến rất chậm nên đa phần, ai đang làm về du lịch cũng đều tìm cách chuyển nghề, chứ đừng nói dịch bùng lại lần nữa thì sẽ còn rất nhiều người yêu du lịch phải bỏ nghề đi tìm kế mưu sinh khác, vì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.