Dịch Covid-19 ở nhà lén chồng “tha” đất lên mái tôn trồng nông sản xanh mướt

29/05/2021 10:02 GMT+7

Thời gian rảnh nhiều do công việc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ năm trước, chị Nguyễn Thùy Trâm (Q.12, TP.HCM) đã lén chồng “tha” đất lên mái tôn trồng vườn nông sản xanh mướt và sai trĩu quả.

“Ai cũng bảo sao gan thế?”

Từ 2 năm nay, không có nhiều hàng để may gia công do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên chị Trâm có nhiều thời gian rảnh hơn để chăm lo cho bữa ăn của gia đình. Chị Trâm bỏ nhiều công sức và tâm huyết trồng nông sản tại nhà, nhưng vì nhà không có sân thượng, cũng không có ban công nên buộc lòng chị Trâm phải sáng tạo nhiều cách thức cũng như tận dụng mọi khoảng trống tại căn nhà của mình có thể để trồng rau, củ, quả.

Đủ mọi loại dưa lúc lỉu trên mái tôn

Thời gian đầu, thấy chị Trâm đam mê quá nên chồng chị mới bỏ tiền để đầu tư xây ban công cho vợ trồng cây. Khi có được ban công, chị Trâm tự mày mò lên mạng học cách rồi mua trang thiết bị về lắp hệ thống trồng rau thủy canh. Mặc dù tự mày mò nhưng thành quả rau cứ xanh mướt và gia đình ăn mãi cũng không hết. 

Chị Trâm tự chế hệ thống rau thuỷ canh trồng tại nhà nhưng lứa rau nào cũng xanh mướt nhìn phát mê

“Chồng phải bỏ ra mười mấy triệu đồng để xây ban công cho mình trồng rau, do thấy mình khổ cực quá. Nhưng trồng ban công vẫn chưa hết nghiện và chưa đủ không gian để trồng được nhiều thứ nên mình lén chồng tha đất lên mái tôn để trồng tiếp. Nói chung không biết đến khi nào mình mới hết khùng nữa (cười)”, chị Trâm hài hước kể.
Nói “tha” đất lên mái tôn thì nghe đơn giản vậy, nhưng trực tiếp trải nghiệm hành trình để leo lên được trên mái tôn của nhà chị Trâm thì đúng là như nhiều người hay thắc mắc là sao chị Trâm gan quá vậy. 

Cái cách mà các giống bầu, bí, mướp của chị Trâm trồng ra trái trên mái tôn cũng giống như sự độc lạ của khu vườn "trên mây" này

Để được tận mắt chứng kiến vườn nông sản trên mái tôn, người viết năn nỉ mãi mới được chị Trâm đồng ý cho trải nghiệm, vì chị Trâm một mực bảo: “Nguy hiểm lắm. Không quen là không leo lên được đâu”.

 

Vì để lên được mái tôn, chị Trâm tự thiết kế thang rồi trèo sang mái tôn của nhà kế bên thì mới leo được lên mái nhà mình.  “Lúc đầu mình cũng rất sợ độ cao, nhưng nghiện quá rồi nên bất chấp hết, leo riết rồi quen. Ai cũng bảo sao mình gan thế, vì mưa gió hay nắng non gì cũng leo lên. Cứ tha đất lên từ từ rồi cũng trồng được vườn nông sản trên này. Đến lúc chồng phát hiện ra thì đã có thành quả rồi”, chị Trâm chia sẻ.

Rau ban công chị Trâm trồng mà cả gia đình ăn mệt nghỉ

Vì quá mê trồng cây nên chị Trâm mới phải trèo lên mái nhà như vậy, nhưng chị cũng rất cẩn trọng chỉ đặt chậu và trồng quanh các mép mái tôn vì sợ mái tôn không chịu lực được. “Mình cũng đã dự định làm sân thượng bằng khung sắt, chứ trồng trên mái nhà như thế này cũng không an toàn. Nhưng hiện tại giá sắt đang cao nên mình chưa đủ kinh phí để làm, phải đợi một thời gian nữa xem giá sắt có giảm bớt không. Khi nào làm xong sân thượng bằng khung sắt thì lúc đó tha hồ trồng cây luôn”, chị Trâm mong ước về một sân thượng đầy ắp rau, củ và cây trái.

Thấy nhà người ta có sân thượng bỏ trống lại thèm

Trên mái tôn, dường như không một loại nông sản và cây trái nào mà chị Trâm chưa thử trồng. Nào là dưa lưới, ổi, táo rồi bầu, bí, khổ qua…còn các loại rau thì chị Trâm ưu tiên trồng bằng hình thức thủy canh ở ban công.

Táo, ổi ra lúc lỉu trên cành

Với thành quả nông sản này, đi qua mấy mùa dịch nhưng gia đình chị Trâm không phải mua rau ngoài chợ. Không những thế, vì đã có nhiều kinh nghiệm nên chị Trâm còn ươm cây giống để bán cho những người trẻ có cùng đam mê trồng nông sản tại nhà. Từ đó chị có thêm đồng vào đồng ra, mặc dù không nhiều nhưng cũng giúp chị trang trải bớt chi phí cho việc đầu tư vườn nông sản “trên mây” của mình.

ớt trên mái tôn

Khi hỏi về bí quyết để trồng được vườn nông sản đạt năng suất như vậy thì chị Trâm dĩ dỏm nói: “Thời buổi này mình thấy muốn làm gì, trồng gì là cứ lên mạng gõ là ra công thức và cách làm. Bản thân mình lên TP.HCM hơn 20 năm rồi nên không biết gì về làm nông nữa cả, nhưng mình cũng lên mạng mày mò học từ người này, người kia rồi tự mình vận dụng”.

Chị Trâm cho biết tất cả mọi dinh dưỡng cho cây đều do chị tự mua đồ về ủ hay tận dụng chất thải hữu cơ của gia đình hằng ngày để ủ làm phân cho cây trồng. Không những thế chị còn nuôi thêm chim cút vừa để lấy trứng ăn, vừa lấy phân bón cho cây.

Nấm chị Trâm trồng

Tận dụng trồng hành trong chai nước

“Nói chung làm nông dân thì phải chịu khó. Nhiều khi mọi người bảo sao không bỏ tiền ra mua ăn cho khỏe mà phải làm gì cực quá vậy. Nhưng mình trồng ra được nông sản thì sẽ ý nghĩa hơn và gia đình ăn cũng đảm bảo hơn nhiều. Rồi mấy đứa con thấy mẹ trồng vất vả quá nên ăn rau rất nhiều để không phí công sức của mẹ, vậy là mình vui lắm rồi”, chị Trâm tâm sự.

Chị Trâm kể mỗi lần đi ngoài đường thấy nhà ai có sân thượng mà bỏ trống là chị lại thèm: “Mình nghiện trồng nông sản tại nhà đến mức như vậy. Không hiểu sao luôn á, nhưng cứ thấy sân thượng của nhà người ta mà bỏ trống thì thấy tiếc và thèm ghê luôn”.

Vì trồng trên mái tôn vất vả và khó khăn hơn nhiều nên chị Trâm đang ao ước về một cái sân thượng kiên cố để chị có thể thoả đam mê trồng nông sản tại nhà

Khó khăn duy nhất của chị Trâm là không có được không gian và điều kiện sân thượng kiên cố như nhiều người, mà vì quá đam mê trồng nông sản tại nhà nên chị Trâm mới phải tận dụng mọi thứ. “Hơn nữa do phải leo qua mái nhà kế bên để lên được mái nhà mình nên nhiều lúc mình rất ngại làm phiền, mặc dù mình đã hỏi xin phép. Nhưng vì chỗ mình leo ké sang lại đúng ngay phòng ngủ của nhà người ta, nên mỗi sáng mình đâu dám leo lên quá sớm, phải đợi khoảng sau 7 giờ mình mới leo lên. Nói chung vất vả thật nhưng thu được thành quả nông sản thì hạnh phúc vô cùng”, người “nông dân trên mái tôn” chia sẻ.

[VIDEO] Một vườn cây khác rộng 2.000 m2 trên nóc chung cư ở Sài Gòn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.