Câu hỏi trên được đặt ra trong buổi tọa đàm Doanh nghiệp và sinh viên với chủ đề: “Tuyển dụng của doanh nghiệp và hướng đi cho nhân sự trẻ trong giai đoạn hiện nay” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 13.12.
Làm gì để không bị doanh nghiệp “chê”?
Trang Nhã (sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật) đặt câu hỏi: giữa một sinh viên có điểm chuyên môn cao và một sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên sinh viên nào? Theo Trang Nhã, nếu đi làm thêm nhiều thì thời gian dành cho việc học chuyên môn sẽ ít đi, kết quả sẽ giảm sút, và ngược lại nếu tập trung việc học thì khi ra trường sẽ bị doanh nghiệp “chê”.
Trả lời thắc mắc này, đại diện các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm cho rằng, mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày, do đó việc cân bằng các công việc khác nhau là điều mỗi sinh viên cần phải biết. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, sinh viên phải trả lời câu hỏi đi học để làm gì, nếu đi học để đi làm ở các công ty thì ngay từ bây giờ sinh viên phải học các kỹ năng để đi làm và việc làm thêm là điều cần thiết.
Theo bà Nguyễn Việt Nhân, Trưởng phòng nhân sự thu hút nhân tài PepsiCo, sinh viên nên đi làm thêm sớm để hoàn thiện những kỹ năng mềm.
“Ví dụ đơn giản với công việc bưng bê, các bạn sinh viên sẽ học được kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng nên dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, tương tác với xã hội cũng như chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập sinh tại các công ty từ năm 2, 3”, bà Nhân cho hay.
Còn theo ông Đặng Thành Trung, Giám đốc nhân dự Công ty USG Boral Việt Nam, để có một vị trí việc làm tốt, sinh viên cần lưu ý 3 điều: Phải có tính kỷ luật, tính tuân thủ; Biết quan tâm tới lối sống lành mạnh của bản thân; Cần là chính mình thì mới bền vững.
Sinh viên rớt trước khi… phỏng vấn
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Phú Bình, Trưởng bộ phận tuyển dụng - đào tạo Tập đoàn Hoa Sen, cho biết nếu đây là một buổi phỏng vấn tuyển dụng của công ty thì ông sẽ loại một số sinh viên trước khi… phỏng vấn. “Lý do là hôm nay các em đến đây để nghe rất nhiều thông tin nhưng một số em không chịu nghe, thay vào đó các em dành thời gian để làm việc riêng. Chính vì vậy phần đông các em sinh viên mới ra trường khi đến phỏng vấn xin việc thường bị rớt ngay từ đầu bởi những việc đơn giản như cách ngồi, cách chuẩn bị tiếp xúc…”, ông Bình lý giải.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm, điều thiếu nhất ở sinh viên hiện nay là việc đi phỏng vấn nhưng không chịu tìm hiểu về công ty mình ứng tuyển. Đơn cử, có một bạn sinh viên sinh năm 1997 ứng tuyển vị trí nhân viên pháp chế nhưng không thể trả lời được câu hỏi công ty đang kinh doanh những ngành nghề gì, mặc dù 3 ngày trước đó công ty đã thông báo.
“Với kỹ năng mềm yếu và thiếu, thì tại lần đầu tiên đi phỏng vấn anh khẳng định phần đông chắc 90 đến 99% là rớt. Chỉ có một số bạn thực sự vượt trội thì mới có thể lấy kiến thức, kỹ năng, thái độ của mình để bù đắp”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Thành Trung, một trong những nghề hot nhất hiện nay là sales (nhân viên bán hàng). Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn giữ định kiến “bán hàng là nghề thấp”, từ chối công việc này, trong khi chọn những công việc văn phòng máy lạnh, làm bàn giấy.
Bình luận