Độc đáo bao lì xì tái chế từ lịch cũ

14/01/2021 15:56 GMT+7

Tận dụng những tờ lịch cũ bị thải ra khi bước sang năm mới, nhóm bạn trẻ của dự án Irecycle đã sáng tạo bao lì xì độc đáo.

Bao lì xì tái chế vẫn đẹp

Nhìn những phong bao lì xì vừa bắt mắt, vừa ấn tượng, nhiều người sẽ không nghĩ đây là những bao lì xì được tái chế thủ công từ những tờ lịch cũ.

Năm mới đến đồng nghĩa với việc những tấm lịch của năm cũ lại trở nên thừa thải, bên cạnh đó, tết đến xuân về thì nhu cầu sử dụng bao lì xì của mọi người lại tăng cao. Việc tận dụng một nguồn rác thải bỏ vào thời điểm năm mới để tạo ra một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu cấp thiết mà nhóm bạn trẻ của Irecycle đang làm khiến nhiều người phải ngưỡng mộ vì sự sáng tạo.

Tận dụng thì những hình ảnh đẹp trên các tờ lịch cũ tạo nên điểm nhấn cho các bao lì xì tái chế

NVCC

Chia sẻ rõ hơn về dự án tái chế lịch cũ làm bao lì xì, chị Nguyễn Thị Tình (29 tuổi) người sáng lập ra dự án Irecycle, cho biết trước đây Irecycle hỗ trợ truyền thông thu gom lịch cũ để làm sách cho người khiếm thị. Tuy nhiên lịch cũ dạo này dày, không còn phù hợp để làm sách chữ nổi cho người khiếm thị nên chị đã nảy ra ý tưởng dùng lịch làm bao lì xì để những hình ảnh đẹp trên lịch được tận dụng không bị lãng phí.

Các bạn trẻ của dự án Irecycle đang làm bao lì xì từ lịch cũ

NVCC

“Năm 2020 thì các đơn vị tặng lịch để bàn cho Irecycle nhiều vì các trung tâm khiếm thị không nhận lịch để bàn nữa nên tụi mình phải làm triển lãm Tái Sinh để có động lực trưng bày các sản phẩm tái chế từ lịch cũ cũng như tạo đầu ra cho rác. Giá của bao lì xì tái chế hiện cao so với giá của bao lì xì thị trường, bao lì xì tái chế loại đặc biệt là 45.000 đồng/10 cái nhưng so với công thu gom phân loại và tái chế thì số tiền bán bao lì xì chỉ mang tính chất động viên. Cái chính là mục tiêu tuyên truyền hướng mọi người tự tái chế để sử dụng, nếu có đầu ra thì sẽ hướng dẫn cách làm cho nhóm các bạn khuyết tật hoặc trẻ mồ côi”, chị Tình chia sẻ.

Theo chị Tình, để làm bao lì xì từ lịch cũ rất đơn giản nhưng làm bao lì xì đẹp thì cần hình và kích thước của lịch phải đẹp. Vì vậy bước đầu tiên sau khi thu gom lịch để làm là phân loại lịch, chọn các lịch có hình thù màu sắc tươi sáng phù hợp với tết (nếu lì xì trẻ con) hoặc có nội dung ý nghĩa nếu lì xì người cao tuổi (trà, hình tượng phật…). Hình ảnh của lịch quyết định lì xì đó đẹp hay không. Ngoài ra chiều cao của lịch để làm lì xì phải từ 15-20 cm, nếu lịch ngắn quá làm sẽ xấu và không hợp.

Từ tình thương con đến quyết tâm bảo vệ môi trường

Chị Tình tốt nghiệp cử nhân ngành Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội. Đến năm 2018, khi mang thai đứa con đầu tiên, trong quá trình làm mẹ chị Tình muốn mọi thứ tốt nhất cho con, vì con, nên muốn tuyên truyền bảo vệ môi trường, chính vì thế mà dự án Irecycle ra đời. Theo chị Tình thì việc tái chế thủ công không chỉ giúp tuyên truyền môi trường mà còn tạo sân chơi sáng tạo cho các con.

Tình yêu thương con đã dẫn lối chị Tình đến với các dự án tái chế vì môi trường

NVCC

“Khi có con mọi thứ sẽ thay đổi. Thế giới quan của người mẹ sẽ tập trung vào đứa trẻ và muốn làm mọi thứ tốt nhất cho con. Mình may mắn không phải áp lực về kinh tế, chỉ cần tập trung nuôi dạy con cái. Nên mình luôn nỗ lực phát triển bản thân, coi trọng việc làm gương cho con vì thế mình chọn việc tái chế thủ công để dấn thân. Trong quá trình mày mò học hỏi để dạy con sáng tạo và tuyên truyền để tạo ra cộng đồng xanh, mình cũng đã học hỏi để phát triển bản thân. Con chính là người thầy dẫn dắt cho mình đến với lối sống xanh, bảo vệ môi trường này”, chị Tình bày tỏ.

Dự án hiện thu hút nhiều bạn trẻ tham gia tình nguyện, thông qua việc tái chế thủ công các bạn rèn được tính kiên nhẫn, tăng thêm khả năng thẩm mỹ sáng tạo. Nhiều bạn phát hiện ra đam mê và năng khiếu nghệ thuật cũng như mong muốn được sống và cống hiến vì cộng đồng.

Ngoài những hoạt đông tái chế đã làm được cũng như là tái chế lịch cũ để làm bao lì xì trong dịp tết đến xuân về, chị Tình còn cho biết trong tương lai Irecycle sẽ đưa ra nhiều mẫu tái chế sáng tạo mang tính ứng dụng cao để mọi người tham khảo, phát triển các workshop trải nghiệm sáng tạo, teambuiding bằng đồ tái chế cho doanh nghiệp, hướng dẫn và trang trí bằng đồ tái chế cho các sự kiện. Ngoài ra Irecycle sẽ cố gắng làm bảo tàng tái chế xanh phát triển dự án sống xanh, tuyên truyền lối sống xanh cho học sinh và sinh viên.

Irecycle là một dự án phi lợi nhuận nhằm tuyên truyền lối sống xanh bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động sáng tạo và thu hẹp khoảng cách cho nhóm yếu thế: trẻ tự kỉ, mồ côi, người khuyết tật.

“Ngoài việc làm các sản phẩm tái chế để trưng bày triển lãm, đổi rác lấy quà xanh trong các hội chợ, trường học, trung tâm thương mại thì Irecycle còn tổ chức các workshop hướng dẫn tái chế, cung cấp set trang trí event bằng đồ tái chế. Với các nhóm yếu thế như trẻ tự kỉ, người khuyết tật… các bạn trẻ đến từ dự án Irecycle sẽ hướng dẫn tái chế để các bạn được trải nghiệm và có cơ hội tạo ra sinh kế mới”, chị Nguyễn Thị Tình chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.