'Hô biến' cây chuối thành những sản phẩm độc đáo

27/04/2021 07:44 GMT+7

Nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã tạo được sản phẩm đầu ra riêng biệt khi 'hô biến' thân cây chuối thành những sản phẩm bao bì, gói quà... vô cùng độc đáo.

Dự án của nhóm đã giành giải nhất cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa” do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức.

Sản phẩm mang nhiều giá trị

“Lúc đầu nhóm mình thử nghiệm rất nhiều phế phẩm nông nghiệp như mía, vỏ ngô và ngọn thơm, nhưng cuối cùng tập trung vào thân cây chuối, vì thân cây chuối có thể làm ra giấy mềm mại, chất lượng sợi của các giống chuối ở Việt Nam rất tốt”, Trịnh Ngọc Vân Anh, nhóm trưởng của dự án, chia sẻ.
Lê Thị Bích Phượng, thành viên nhóm, cho biết nguồn chuối ở Việt Nam rất dồi dào, sau khi thu hoạch, thân cây bị chặt bỏ rất lãng phí, nên nhóm quyết tâm tận dụng nguồn phế phẩm này để làm ra những sản phẩm hữu ích và độc đáo, mang lại nhiều giá trị cho môi trường cũng như nâng cao kinh tế cho người nông dân.
Cũng theo Phượng, ngoài việc góp phần giảm thiểu được lượng lớn các bao đựng từ nhựa dùng một lần, sản phẩm giấy từ thân cây chuối còn giảm áp lực cho ngành giấy bao bì, vì việc sử dụng giấy từ phế phẩm nông nghiệp giúp giảm lượng giấy sản xuất từ bột giấy làm từ cây rừng. “Tận dụng chất thải nông nghiệp để làm nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất giấy xanh, góp phần giảm lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt phế phẩm nông nghiệp”, Phượng chia sẻ, đồng thời tự hào khi sản phẩm của nhóm làm ra hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, sản phẩm của nhóm còn mang lại lợi ích kinh tế, giúp gia tăng giá trị cho những phế phẩm nông nghiệp và tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân trồng chuối.
'Hô biến' cây chuối thành những sản phẩm độc đáo1

Các sản phẩm từ thân cây chuối

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Học đại học nhưng suốt ngày đi chặt chuối ?

Nếu làm ra sản phẩm giấy từ thân cây chuối thì không có gì đặc biệt so với các loại giấy trên thị trường và sản phẩm cũng rất khó cạnh tranh về giá thành, vì thế nhóm đã hướng đến tạo khác biệt trên từng sản phẩm bao bì làm từ thân cây chuối để tạo dấu ấn riêng.
Khi tận dụng thân cây chuối làm sản phẩm bao bì thì không cần phải tẩy thành giấy trắng, nên hoàn toàn đảm bảo được tiêu chí thân thiện với môi trường. Chính màu sắc tự nhiên của giấy làm từ thân cây chuối tạo điểm nhấn mang khuynh hướng hoài cổ cho sản phẩm.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện dự án này, ngày nào Vân Anh và Phượng cũng về quê để chặt chuối, cắt mỏng rồi phơi khô, sau đó vận chuyển lên thành phố phục vụ cho việc nghiên cứu làm giấy.
“Mới đầu mọi người xung quanh và cả gia đình đều thấy lạ, ai cũng thắc mắc sao đi học đại học mà suốt ngày về cắt chuối đi phơi. Có người còn thắc mắc không biết tụi mình học cái gì mà cứ về chặt chuối như vậy. Đến khi ra thành phẩm thì ai cũng ngạc nhiên vì thân cây chuối mà làm được những thứ độc đáo và đẹp như thế này”, Phượng nhớ lại.
Điều đặc biệt của nhóm là do học về công nghệ kỹ thuật môi trường, nên họ rất quan tâm đến vấn đề chất thải của quá trình sản xuất giấy từ thân cây chuối.
“Nước thải đầu ra thì nhóm cũng phải suy nghĩ làm sao tận dụng, tái chế để làm ra một nguyên liệu khác. Chẳng hạn như tách các thành phần lignin trong nước thải làm thành các sản phẩm có giá trị, để giảm thiểu chi phí xử lý nước thải, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trong xả thải”, Vân Anh nói.
Nhóm còn đang hướng đến chuyển giao công nghệ sản xuất giấy từ thân cây chuối cho các hộ nông dân ở những vùng trồng nhiều chuối, để có thể nhân rộng được mô hình và tận dụng thật nhiều nguồn phế phẩm nông nghiệp bỏ đi.
Là người theo sát và đồng hành cùng nhóm sinh viên, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết Nhung, bộ môn công nghệ môi trường, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng sản phẩm của nhóm được thực hiện một cách khoa học, quy trình làm giấy cần nhiều giai đoạn tối ưu sản phẩm để cho ra thành phẩm tốt nhất, phù hợp với từng đối tượng tiêu dùng và kinh phí thấp nhất. Giấy được sản xuất đảm bảo được độ dai, độ bền, khối lượng cũng như thông số về độ đàn hồi, độ chống thấm nước cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn nhất định. Đối với túi giấy thì cần loại giấy có độ chắc nhất định thì mới xách được các vật nặng.
Nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu
Tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết Nhung, bộ môn công nghệ môi trường, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Xu hướng hiện nay mọi người rất quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, nên sản phẩm của nhóm nhận được rất nhiều đơn hàng đặt nhưng do hiện giờ nhóm đang làm quy mô thủ công nên chưa thể đáp ứng hết được. Thậm chí, có những đơn hàng đặt xuất khẩu sang Mỹ, Nga... nhưng nhóm chưa dám nhận. Chính vì thế, nhóm đang triển khai chế tạo máy quy mô nhỏ để giải quyết các đơn hàng nhỏ. Nhóm cũng đang cố gắng kết nối với các công ty cũng như các bên liên quan để hoàn thiện quy trình, hoàn thiện việc xây dựng nhà máy, đầu tư thêm công nghệ để hỗ trợ quá trình sản xuất giấy từ thân cây chuối. Điều này sẽ giúp các sinh viên có thể khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.