Chị Lê Thị Nhật Thảo (35 tuổi), ngụ tại 380/81/5/16 Lê Văn Lương, P.Tân Hưng, Q.7 (TP.HCM), kể: “Thuở ấy, nhà tôi ở tại một vùng hẻo lánh thuộc xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày xưa gia đình tôi rất khó khăn lại đông anh em nữa. Chính vì vậy, cứ mỗi độ tết đến là ba má tôi có nhiều nỗi lo, mà cái lo lớn nhất là làm sao cho các con của mình được ăn bữa cơm ngày 30 tết và mấy ngày tết. Có khi ba má tôi phải vay mượn tiền trước của những vựa thu mua nông sản, rồi qua tết thu hoạch mùa màng bán trả nợ lại cho người ta”.
Rồi chị Thảo, kể tiếp: “Thường ngày 30 tết má tôi làm mâm cơm để cúng ông bà với rất nhiều món ngon. Nào là thịt kho trứng vịt, thịt kho măng khô, canh trái khổ qua dồn thịt, gà luộc, trứng chiên, hũ tiếu xào, bánh tét... Do cả năm anh em ăn uống kham khổ nên trong ký ức của mình, bữa cơm ngày 30 tết là bữa ăn rất ngon nhất của chúng tôi. Khi ăn xong, mấy anh em ai cũng căng tròn cái bụng muốn ách luôn vậy đó”.
Theo chị Thảo, mặc dù bây giờ mấy anh em tôi đã lớn và ai nấy đều có gia đình hết cả rồi nhưng cứ mỗi độ tết đến, xuân về thì mọi người dù ở mỗi nơi cũng đều tập trung lại và quây quần bên ba má trong bữa cơm ngày 30 tết. “Trong lúc ăn cơm, mọi người hay nhắc lại những ký ức liên quan đến câu chuyện về bữa cơm ngày 30 tết năm nào. Và anh em chúng tôi xem đó như những kỷ niệm đẹp của một thời thiếu thốn đến khó phai”, chị Thảo nói.
|
Anh Nguyễn Tấn Tài (37 tuổi, quê Kiên Giang), hiện làm việc tại Công ty TNHH Long Bình, Q.Gò Vấp (TP.HCM), nhớ lại: “Quê tôi nghèo nhưng tết đến thì nhà nào cũng lo tươm tất mâm cơm để cúng ông bà, đặc biệt là bữa cơm chiều 30 tết”.
Anh Tài, cho biết: “Ngoài những món như gà luộc, thịt kho, lúc nào cũng có món canh khổ qua (mướp đắng) dồn thịt hoặc cá thát lát. Sở dĩ nhà nào cũng chọn làm món này vì ăn rất ngon mà không ngán, hơn nữa họ còn tin rằng ăn món này cho những khó khăn của năm cũ qua đi để sang năm mới được sung túc, đủ đầy hơn”.
Anh Tài, nói: “Mặc dù bây giờ đã lớn và sống xa quê nhưng mỗi khi tết đến, xuân về tôi không sao nguôi được nỗi nhớ hương vị quê nhà. Nhớ bữa cơm chiều 30 tết, anh em, cha mẹ sum họp quây quần bên bữa cơm với những món ăn dân dã của quê mình và ấm áp bao yêu thương gia đình”.
Với chị Bạch Tú Uyên (39 tuổi, quê Ninh Thuận), hiện làm tại Điện lực Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), người Việt quan niệm, tết là dịp để sum họp gia đình, nhớ về nguồn cội, làm những món ăn ngon trước là dâng cúng tổ tiên, sau là thết đãi con cháu. Thế nên, mâm cúng vào chiều 30 tết phải cố gắng đủ đầy để tiễn đưa một năm vất vả, cầu cho năm mới sung túc hơn.
“Mâm cúng chiều 30 tết là phong tục, là nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời của dân tộc. Và mâm cơm ngày 30 có lẽ là mâm cơm đầy đủ nhất cả năm. Đủ về món ăn, đủ về các thành viên trong gia đình, đủ hương vị ngày tết. Ngày xưa, dù bận rộn đến thế nào cũng cố gắng về nhà ăn bữa cơm ngày 30 tết bên gia đình. Ngoài bánh tét, thịt kho tàu, chả giò, canh khổ qua dồn thịt, chè đậu…lúc nào cũng có con gà luộc. Và lũ trẻ chúng tôi ngày ấy luôn háo hức, chờ đợi được ăn bữa cơm gia đình ngày 30 tết, vì có nhiều món ngon ăn đã đời luôn”.
Bình luận (0)