Nhiều bạn trẻ đã nhói lòng khi về quê dịp tết đón năm mới nhìn thấy bữa ăn của mẹ chẳng có gì đổi khác ngoài món cá mặn, mẹ hâm đi hâm lại và ăn cho chắc bụng như những ngày còn thơ bé.
|
“Lâu nay vẫn đều đặn gửi tiền về quê nhà để bữa cơm của gia đình được đầy đủ cá và thịt, để bố mẹ đỡ lam lũ hơn. Nhưng mỗi lần tết về nhà, vào bếp của mẹ chỉ vẫn là nồi cá kho mặn, thật sự nhìn mà đau hết cả lòng. Bố mẹ vẫn như ngày nào, vẫn tằn tiện từng tí một và dường như mẹ đã quen rồi, quen phải lo cho con ăn học, phải dành dụm để lo từng miếng ăn cho con nên dù con cái giờ đã ổn định cả rồi, nhưng mẹ vẫn thế, ăn mẹ cũng không dám ăn, mặc mẹ cũng không dám sắm sửa đồ mới đón tết. Tất cả chỉ để dành cho con!”, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, kể . Rồi như tự trách cứ bản thân, Huyền nói tiếp: “Chắc có lẽ cũng tại mình, những đứa con cứ vô tâm mà tin lời mẹ nói. Mỗi lần gọi điện về mẹ bảo hôm nay mẹ với ba ăn ngon lắm, mẹ mua con cá thật to, còn tươi và giãy đành đạch về ăn. Nhưng có ngờ đâu, mẹ vẫn thói quen cũ, vẫn những con cá lẹp nhỏ nhỏ, những loại cá trích xương xương. Rồi bao năm nay mẹ vẫn trung thành với bếp củi, nên nhiều lần thấy mẹ đi làm về chân lấm tay bùn lại phải cắm đầu vào thổi lửa nấu thức ăn”.
|
Huyền tốt nghiệp vào TP. Nha Trang làm việc và lập gia đình ở đó, 2 năm mới về quê ăn tết một lần. Năm nay trước khi về, vì biết ba mẹ thích ăn cá nên đã mua sẵn một thùng đủ các loại cá ngon để mang về quê.
|
“Mẹ mình tằn tiện đến nỗi mà cá vợ chồng mình mua về cũng để dành, bảo tết rồi con cháu đông đủ sẽ làm cho con cháu ăn đứa miếng, chứ ba mẹ giờ già rồi, ăn chi hết từng này cá. Vậy đó, mẹ dẫu biết mình già rồi, vẫn tằn tiện từng đồng và vẫn dãi nắng dầm mưa đi làm suốt ngày. Ngày tết nữa, sáng sớm gà chưa gáy ba mẹ đã rọi pin đi làm, khi mình dậy chẳng thấy ba mẹ đâu nữa, rồi làm đến tối mịt mới về nhà. Thấy ba mẹ làm quá, mình lo rồi la, nhưng đâu lại vào đấy, vẫn trốn tụi mình rồi đi làm”, Huyền thở dài lo lắng.
|
Dù là con trai, nhưng cũng giống Huyền, Trần Văn Tâm, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nhói lòng khi về quê thấy ba mẹ cứ quần quật chuyện đồng áng quên cả ngày cả đêm, và bữa ăn thì không được quan tâm.
Tâm kể: “Phải dỗ mãi mẹ mới chịu dẫn mình lên ruộng cùng mẹ, vì mẹ bảo chân tay con giờ thế này mà lội xuống bùn là về hư hết, rồi sâu ngứa nữa, về sẽ ngứa và lỡ loét hết làm sao ăn tết. Ba mẹ lúc nào cũng thương con cái vô điều kiện, mọi cực khổ đều dành hết cho bản thân. Cũng may được đi cùng mẹ mới biết là bố mẹ giờ vẫn khổ như thế nào…”.
|
Nói đến đó, Tâm như nghẹn lại rồi hỏi người viết: “Bạn nghĩ xem, ngày tết mà mẹ đi hái đậu tây (đậu cô ve) đi từ trưa nắng đến tối mịt mới về, bán được 45.000 đồng. Đậu tây ở TP.HCM mua 20.000 đồng có vài trái, về quê thấy mẹ hái nguyên bao to đùng có 45.000 đồng, vì chỉ có 4000 đồng/ kg. Rồi cải, ngò, rau thơm các loại…bố mẹ rọi pin đi nhổ từ sáng tờ mờ về cho kịp buổi chợ, rồi ngồi dang nắng bán cả trưa mà chỉ được khoảng 100.000đồng. Sao mà đứa con nào không xót được chứ? Thấy thương ba mẹ vẫn cứ thích lam lũ mặc dù con cái giờ đã ăn nên làm ra hết cả rồi”.
“Tiền gửi về hằng tháng bố mẹ để dành hết, chắc không tiêu đồng nào đâu. Khổ thật đấy, người dân nông quê mình bao đời vẫn khổ, vẫn tằn tiện vì sợ những ngày trái gió trở trời, vì sợ thời tiết bất thình lình sẽ mất hết mùa màng rồi không có gì ăn. Nhưng mẹ ơi, năm mới rồi, mẹ đừng ăn khổ nữa. Con cái mẹ đứa nào cũng thành đạt cả rồi, mẹ đừng lam lũ nữa. Ba mẹ thế này, sao tụi con yên tâm mà mưu sinh nơi xứ người”, Tâm nghẹn ngào bộc bạch.
Bình luận (0)