[VIDEO] Biển người mua sắm, săn đồ giảm giá trong ngày Black Friday ở Hà Nội
|
“Một năm mới có một lần”
Black Friday là đợt giảm giá mạnh nhất trong năm có nguồn gốc từ nước Mỹ, được tính là ngày thứ sáu đầu tiên ngay sau Lễ tạ ơn. Trong dịp này các nhãn hàng đồng loạt tổ chức những đợt giảm giá lên tới 50 - 80%.
Không gian chen nhau chật cứng, đứng xếp hàng hàng giờ để tính tiền ở các trung tâm thương mại... là những gì dễ nhận thấy trong "ngày thứ sáu đen tối” này.
“Trời ơi, cả năm mới có một lần sao không mong chờ được. Sinh viên làm gì có tiền mua mấy đồ đắt tiền, dịp này là tung hoành luôn. Em đảm bảo hôm nay rất nhiều bạn nghỉ học để đi mua đồ”, T.A (sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết.
|
Cũng giống T.A, Mai Hân (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) đang chen nhau lựa đồ tại một cửa hàng quần áo trên đường CMT8, Q.3, TP.HCM, cô cho biết hôm nay nghỉ làm để đi mua sắm. Hân đi từ 8 giờ sáng, chạy từ Thủ Đức lên các quận trung tâm để săn “cơn bão giảm giá”.
“Thực ra mình rất ít khi mua sắm, vì thường đi làm suốt nên không có thời gian. Nhưng năm nào cũng canh ngày này để đi mua. Mua giờ tết xài luôn, lợi cả đôi đường”, Hân nói.
tin liên quan
Bạn trẻ Sài Gòn chen chân nghẹt thở chọn đồ ngày 'Black Friday'Người viết thắc mắc: “Tại sao không để tối về rồi đi mua, mà phải nghỉ làm. Vì chương trình giảm giá cả ngày hôm nay, hoặc thậm chí kéo dài đến cả tuần?”, Hân giải đáp: “Mới mở đợt giảm giá thì nên tranh thủ đi liền, chứ hàng giảm giá bạn biết rồi, ai cũng đổ xô đi mua thì hàng rất dễ hết, mà thường hàng đẹp là hết trước. Và ai cũng bận đi làm, đi học nên sẽ đi mua sắm vào buổi tối. Chính vì thế, mình hy sinh một ngày đi làm để thỏa sức mua sắm. Thế mà bạn thấy đấy, đi ban ngày mà đông thế này, chen đã mệt, tối thì nghẹt thở luôn”.
Không hiếm chuyện bi hài
Cũng chính vì là đợt giảm giá mạnh nhất trong năm nên người người, nhà nhà đổ xô nhau đi mua sắm nên không ít những câu chuyện “cười ra nước mắt’ xảy ra.
Háo hức thấy tấm băng rôn để những dòng chữ cực hấp dẫn “Black Friday cơn bão giảm giá cực sốc 70%”, Kiều Diễm (cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn) xin làm về sớm để đi mua sắm. Diễm nói: “Lúc sáng đi làm ngang qua thấy tấm băng rôn hấp dẫn quá, vừa đi mà vừa nhẩm, giảm giá 70% thì coi như gần như cho không bộ quần áo đó rồi. Càng nghĩ càng thích nên chiều nay đi làm về là ập đến ngay”.
Chính vì thế, Diễm hớn hở lựa cả đống đồ đến nỗi ôm không xuể phải nhờ cô bạn đi kèm ôm ké. Thế nhưng khi ra tính tiền, Diễm hụt hẫng nghe nhân viên nói cái này không được giảm nha chị, còn cái này giảm 20%, cái này thì 30%,…
“Sao mình thấy để giảm giá 70%?”, Diễm thắc mắc. Cô nhân viên giải đáp: “Vì hàng này còn ít, nên tụi em không giảm giá. Ở mỗi hàng quần áo, tụi em đã để bảng giảm giá cụ thể, chắc chị không để ý rồi ạ”.
Nghe xong Diễm hụt hẫng và phải trả lại rất nhiều đồ vì không đủ tiền mua. Rồi cô nàng dò dẫm lại hàng quần áo có để biển giảm giá 70% để chọn lựa đồ khác.
“Hơi hụt hẫng nhưng mà cũng đúng thôi, chứ đồ nào cũng giảm 70% thì lỗ sập shop. Tiếc là những đồ đẹp mình thích thì giảm giá ít quá”, Diễm nói.
Thái Lan Anh (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) thì chia sẻ: “Năm trước mình săn hàng giảm giá trên mạng, đặt 10 mặt hàng mà về chỉ dùng được một cái, và hàng giảm giá thì đâu được đổi trả. Nên năm nay quyết tâm đi đến trực tiếp cửa hàng để mua, mà xếp hàng 30 phút rồi vẫn chưa được tính tiền, đông quá mà ai cũng mua nhiều nên tính tiền lâu muốn xỉu luôn”.
Còn hai cô nàng Tuyết Mai và Như Nguyệt (cùng là sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) thì cẩn thận cầm cả nón bảo hiểm vào cửa hàng quần áo. Nguyệt nói: “Mình rút kinh nghiệm từ năm trước, vì mãi mê mua đồ giảm giá, để xe ở ngoài có người giữ nhưng do đông quá họ không kiểm soát hết được nên ra về mất nón bảo hiểm. Lúc đó chỉ biết chịu thôi chứ có nói gì được, vì đông quá mà”.
Nguyệt cũng cho lời khuyên: “Mọi người đi mua nên cẩn trọng, vì đông rồi chen lấn như thế móc túi là chuyện không khó xảy ra. Mà bị móc túi thì cũng chẳng biết được ai là hung thủ”.
Bình luận (0)