Người dân không hợp tác lấy mẫu, nhân viên y tế ngất xỉu vì quá kiệt sức

15/07/2021 15:20 GMT+7

Hình ảnh chị Nguyễn Thị Thùy Linh (37 tuổi, Trạm Y tế phường 2, Q. Tân Bình, TP.HCM) ngất xỉu vì quá kiệt sức khi đi “gõ cửa” từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm, khiến nhiều người phải xót xa.

Sau khi tỉnh lại, câu đầu tiên chị Linh nói với mọi người là: “Suốt 3 tháng ròng rã chống dịch, hôm nay lần đầu tiên mình gục ngã”. Câu nói khiến các tình nguyện viên cùng đội đi lấy mẫu xét nghiệm với chị Linh hôm đó phải bật khóc. Họ bật khóc vì những nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần quả cảm của đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch cam go này. Họ bật khóc vì cảm nhận được những việc mình đang làm ý nghĩa biết nhường nào, dẫu vất vả và đầy hiểm nguy. Họ bật khóc vì không biết cuộc chiến này còn phải kéo dài đến bao giờ, khi họ luôn không ngừng cố gắng và hy sinh, nhưng còn nhiều người dân lại thiếu ý thức, không hợp tác và chỉ biết chửi bới.

Những đêm trắng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân của lực lượng y tế và tình nguyện viên quận Tân Bình

PHƯƠNG THẢO

“Chỉ cần người dân chịu hợp tác thì quá khỏe rồi”

Chia sẻ với người viết, chị Linh cho biết tham gia chống dịch từ tháng 4, nhưng từ khi thực hiện việc đi “gõ cửa” từng nhà dân để lấy mẫu xét nghiệm đến nay thì hầu hết các nhân viên y tế và tình nguyện viên đều cảm thấy kiệt sức.
“Kiệt sức vì phải di chuyển nhiều trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, dưới cái nắng oi bức của TP.HCM mà không được uống nước hàng tiếng đồng hồ, như thế thôi đã vắt kiệt sức của tụi mình rồi. Mà đằng này, nhiều người dân lại không chịu hợp tác, không chịu lấy mẫu và chửi bới không ra gì nữa. Nên thật sự là quá vất vả cho tụi mình”, chị Linh tâm sự.

Chị Linh cùng chiếc xe lấy mẫu lưu động tự chế để đi lấy mẫu cho từng hộ dân tại khu phong tỏa

NVCC

Và chị kể thêm: “Dường như ngày nào tụi mình cũng đi từ sáng sớm đến tối khuya. Như tối hôm trước mình đi lấy mẫu cộng đồng về đến nhà thì hơn 1 giờ khuya, đến sáng ra lại đi lấy mẫu từ sáng sớm, lo hậu cần, chuẩn bị nhiều thứ cho việc lấy mẫu nên là người không đủ sức. Hôm đó, mình lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng là 452 người, với số lượng này nếu điều phối đứng tại chỗ như trước đây thì không vấn đề gì, vì có những ngày tụi mình lấy đến mấy ngàn mẫu. Nhưng việc phải đi bộ, với bộ đồ bảo hộ, đi trong thời tiết nắng nóng như này thì thật sự tụi mình chịu không thấu”.
Lúc làm xong chị Linh cho biết chỉ thấy hơi choáng váng và chóng mặt, nhưng vừa đi ra là té xỉu không biết gì.
“Hôm lấy mẫu cho hộ dân tại một đường thuộc P.2, Q. Tân Bình, tụi mình chia ra thành 2 nhóm và mỗi nhóm phụ trách một dãy (chẵn và lẻ). Khi nhóm mình làm xong dãy lẻ, lúc đó mình đã thấy hơi choáng váng rồi nhưng vì thấy dãy chẵn chưa làm xong nên mình chuyển sang để phụ. Nhưng khi qua đây thì có hộ dân không chịu hợp tác, chửi tụi mình là làm không đảm bảo an toàn, làm thế này sẽ lây dịch bệnh cho họ nên không chịu cho tụi mình lấy mẫu xét nghiệm. Vì họ chửi quá, giải thích cũng không được nên tụi mình rút ra để nghỉ ngơi tý, lát lại vào làm tiếp, nhưng vừa đi ra là mình té xỉu luôn”, chị Linh nhớ lại.

Việc phải mặc đồ bảo hộ nhiều tiếng đồng hồ, di chuyển từng hộ dân để thực hiện việc lấy mẫu đã gần như vắt kiệt sức của nhân viên y tế và các tình nguyện viên

Chị Linh cho biết điểm lấy mẫu này là khu vực nguy cơ rất cao, vì rất nhiều ca lây nhiễm nhưng người dân vẫn đi ra đường nói chuyện với nhau. “Bản thân họ ý thức không tốt với dịch bệnh mà khi lấy mẫu thì chửi bới lực lượng y tế tụi mình là làm không đảm bảo sẽ lây dịch bệnh cho họ. Dù tụi mình có giải thích rõ là luôn làm đúng theo quy trình, làm đúng theo những gì được học chứ không thể nào để lây nhiễm cho cộng đồng được, làm lây nhiễm cho cộng đồng chẳng khác nào tự làm lây nhiễm cho chính bản thân mình. Nhưng người dân vẫn chửi bới và không chịu hợp tác”.
“Nhiều khi rất buồn. Nhưng nghĩ lại nếu càng buồn chỉ càng mệt mỏi thêm nên chỉ biết cố gắng làm hết mình. Thật sự đi làm mà dân chịu hợp tác, làm theo sự điều phối thì quá khỏe cho tụi mình rồi. Dịch bệnh quá nguy hiểm, tụi mình cũng đã cố gắng hết sức, chỉ mong người dân hợp tác và ý thức hơn nữa trong cuộc chiến chống dịch này”, chị Linh gửi gắm.

Không có chuyện Khu chế xuất Tân Thuận ngưng hoạt động vì Covid-19

Đồng đội đều bật khóc

Nguyễn Thị Phương Thảo (24 tuổi, tình nguyện viên Quận đoàn Tân Bình), người đã chụp lại khoảnh khắc chị Linh ngất xỉu khi đi lấy mẫu xét nghiệm từng nhà dân ngày 13.7. Thảo nhớ lại: “Lúc đó mình vừa ra cởi xong bộ đồ bảo hộ, thì chị Linh ra chưa tới nơi đã xỉu ngã xuống đất. Mọi người đều hoảng và lo lắng. Bản thân mình thì đã bật khóc khi chị Linh tỉnh lại và nói: “Suốt 3 tháng ròng rã chống dịch, hôm nay lần đầu tiên chị gục ngã”. Thật sự rất thương và cảm phục chị Linh vô cùng. Vì trước đó tụi mình cùng chị Linh đã rất vất vả để lấy mẫu cho từng nhà dân, nhưng lại bị người dân nói nặng lời và không chịu hợp tác lấy mẫu”.

Đội hình lấy mẫu tại từng nhân dân ở P.2, Q. Tân Bình hôm ngày 13.7

Cùng tâm trạng với Thảo, Trịnh Diễm Xuân (25 tuổi, tình nguyện viên Quận đoàn Tân Bình) bày tỏ: “Khi thấy đồng đội gục ngã ngay trước mắt mình, mình vừa thương cho đồng đội, vừa cảm thấy tủi cho bản thân, lại càng giận thêm “con Covid” sao tàn phá quá vậy. Nhưng cũng từ đây mà mình lại càng thêm quyết tâm cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc chiến này. Cuộc chiến mà tụi mình phải thực sự vượt qua giới hạn của bản thân mới có cơ hội giúp đỡ mọi người cùng vượt qua đại dịch”.
Anh chàng Trần Ngọc Tân (35 tuổi, tình nguyện viên Quận đoàn Tân Bình) thì cho biết từ khi xác định tham gia làm tình nguyện viên trong mùa dịch, bản thân đã lường trước những trường hợp như thế này. Nhưng khi nhìn thấy những đồng đội mình ngã gục xuống thì Tân cũng không thề nào kiềm lòng được.

Dẫu công việc hỗ trợ chống dịch rất vất vả, nhưng các bạn luôn động viên nhau, giữ tinh thần lạc quan và cố gắng hết mình trong cuộc chiến này

“Trong khi tụi mình đi làm nhiệm vụ lấy mẫu thì có những người dân cũng quan tâm, dễ thương và lịch sự, nhưng cũng có những người ý thức chưa cao. Họ làm khó và buông những lời không hay hoặc thậm chí là không hợp tác. Nên khi nhìn thấy những đồng đội mình ngã xuống vì kiệt sức, mình cảm giác rất thương. Chính vì thế, sau khi hoàn thành một điểm nào đó là tụi mình lại an ủi, quan tâm nhau bằng những câu chuyện vui, bằng những ly nước. Và động viên nhau cùng cố gắng vì biết cuộc chiến này rất khốc liệt và sẽ kéo dài. Chỉ mong tất cả chúng ta cùng ý thức hơn để chung tay đẩy lùi được dịch bệnh nguy hiểm này”, Tân gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.