Nhiều năm miệt mài nuôi đàn chó, mèo bị… liệt

Tấn Đạt
Tấn Đạt
11/09/2020 10:39 GMT+7

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Ngọc, trú ngụ tại ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM, vẫn miệt mài chăm sóc đàn chó, mèo hơn 50 con, trong đó có nhiều con bị liệt, mù.

"Kiếp trước mắc nợ, kiếp này phải trả"

Có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Ngọc (trú tại ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM), dù trời nắng nóng, nhưng chị vẫn đi dọn từng đóng phân, rửa sạch từng vũng nước thải của đàn chó, mèo. “Mình nuôi riết rồi quen cái mùi này luôn. Bình thường thì 7 giờ sáng dọn một lần, chiều mát vệ sinh một lần nữa, nói chung đã thương thì không thấy ghê, thấy gớm gì hết”, chị Ngọc mở lời.

Tính đến thời điểm hiện tại chị Ngọc đang nuôi 40 con mèo ( 3 con bị liệt, mù), 15 con chó ( 9 con bị liệt, mù). “Chắc kiếp trước nghiệp nặng quá, kiếp này phải trả. Có người cũng hay đùa rằng, kiếp này cứu tụi nó, kiếp sau sẽ có phước”, chị Ngọc vừa nói vừa cười.

Tưởng chừng không đi được, nhưng qua bàn tay của chị Ngọc. Sau 2 tuần, con chó tên Gucci đã chơi đùa. Chị Ngọc tâm sự: "Lúc thấy nó đứng dậy đi được mà mừng muốn rơi nước mắt"

Ảnh: Tấn Đạt

Hiện tại chị Ngọc đang nuôi gần 40 con mèo trong nhà mình. Chị Ngọc chia sẻ khi một ai muốn xin chúng về nuôi chị phải đến tận nhà để xem hoàn cành, cách chăm sóc như thế nào mới dám cho

Ảnh: Tấn Đạt

Nhiều năm nuôi đàn chó, mèo bị… liệt Tác giả: Tấn Đạt

Thà để cho nó chết ở nhà mình

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, chị Nguyễn Thị Ngọc làm việc ở một phòng tập thể dục thẩm mỹ tại công viên thì tình cờ thấy một con mèo bị liệt. Thấy thương, chị Ngọc mang về nuôi và chăm sóc.

“Không hiểu sao từ khi nuôi mấy 'đứa nhỏ' là mình thường xuyên bắt gặp những trường hợp tụi nó bị xe cán, chủ bỏ ở một gốc cây... Cứ hễ thấy những trường hợp như thế mình lại mang về nuôi”, chị Ngọc bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Mấy ngày đầu mang về nhà, ba mẹ mình không cho nuôi vì không thích mùi hôi của chúng. Từ đó, mình mới đi kiếm nhà trọ để nuôi, nhưng cũng gặp nhiều trở ngại khi nhiều người kiếm chuyện, gây khó dễ để mình đi nơi khác. Sau khi chuyển trọ gần chục lần thì may mắn được một mạnh thường quân giúp đỡ hỗ trợ tiền mua đất, cất nhà ở vùng ven thanh phố, việc nuôi chúng cũng dễ dàng hơn”.

Chị Ngọc cho biết chị học cách chăm sóc chó, mèo từ trên mạng, các bạn trong ngành thú y

Ảnh: Tấn Đạt

Để tiết kiệm tiền mua thức ăn, chị Ngọc thường dậy sớm ra chợ đầu mối mua thịt gà, heo, hạt.. cho chó, mèo ăn

Ảnh: Tấn Đạt

 

Căn nhà của chị Ngọc rộng gần 400 m2 nhưng diện tích dành cho bầy chó, mèo đã hơn 300 m2 được xây bằng những mái tôn đơn xơ. Chị Ngọc trải lòng: “Từ khi cất nhà xong, có những buổi sáng là thấy người ta bỏ chó, mèo ở trước cửa nhà mình, nhưng điều đó may mắn hơn là vứt ngoài đường, ở sông..., vì nếu chúng chết thì tội nghiệp lắm... Đôi khi mình đi đường thấy mấy con mèo bị xe cán, không thể sống nổi nhưng vẫn muốn đem về, thà nó chết ở nhà mình rồi đem đi hỏa táng, còn hơn nằm ngoài đường lạnh lẽo”.

Không nghe tiếng là buồn!

Trò chuyện với chúng tôi về việc nuôi chó, mèo đặc biệt là những con bị liệt, chị Ngọc cho biết vừa mang chúng về là đi ra trạm thú y, kiểm tra tổng quát, xét nghiệm máu. Khi nào có kết quả bệnh thì “cách ly” tự chăm sóc ở nhà, và thường sẽ tái khám vào 10 ngày sau.

“Với những con bị thương tứ chi, mình sờ nếu còn phản ứng thì lấy rượu thuốc xoa bóp. Bên cạnh đó, mình còn dùng xe lăn tự chế để cho nó tập đi”, chị Ngọc kể.

Nhắc đến xe lăn “thần thánh” này, chị Ngọc chia sẻ nó được thiết kế từ các ống nước, ống điện kết nối với nhau, phần dưới gắn 4 cái bánh xe, và dây đai để giữ thăng bằng cho chúng.

Những chú chó bị liệt được chị Ngọc "trị liệu" bằng phương pháp cho đi xe lăn

Ảnh: Tấn Đạt

Những chiếc xe lăn cũng là nguồn thu nhập chính giúp chị Ngọc có tiền mua đồ ăn cho đàn chó, mèo. Chị Ngọc nói: "Khi nào mình hết sức khỏe, không còn khả năng nữa thì mới hết nuôi chúng"

Ảnh: Tấn Đạt

Được biết, ngoài việc chạy xe ôm thì những chiếc xe lăn này cũng chính là nguồn thu giúp chị Ngọc nuôi hơn 50 con chó mèo. “Công việc chạy xe giao hàng cũng vô chừng lắm, ai kêu thì đi, chủ yếu là tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm sản phẩm kiếm thêm tiền nuôi chúng. Mình làm ra sản phẩm này mong muốn mọi người biết đến và sử dụng cho những con thú bị liệt để không bỏ chúng nữa”, chị Ngọc nói.

Chị Ngọc còn tâm sự: “Hầu như mình dành toàn thời gian cho chúng nên khó có khung giờ riêng cho bản thân. Nói thật, bữa nào không nghe tiếng là thấy buồn...”.

 Làm quần quật từ sáng đến chiều

Chị Bùi Thị Bích Vui, 26 tuổi, là hàng xóm của chị Ngọc cho biết nhà thì ở sát vách nên đâu chịu được tiếng chó sủa, mùi hôi, nhưng từ từ rồi cũng quen.

“Lúc đầu tưởng nuôi mấy con chó bình thường chứ đâu nghĩ là nó tàn tật đến thế. Qua tận nhà chứng kiến cảnh mấy con chó lết đi để di chuyển mà thấy xót gì đâu”, chị Bích Vui nói.

Chị Vui còn tâm sự: “Chị Ngọc 5 giờ sáng đã dậy để nấu cơm, kho cá, thịt cho đàn chó mèo và phải đợi đến 8 giờ sáng mới dám rửa chuồng vì sợ chúng nó “la làng” làm gia đình mình không ngủ được. Ngày nào cũng vậy, một mình chị Ngọc làm quần quật từ sáng đến chiều, có khi không có thời gian làm xe lăn, những tháng không bán được phải cắt giảm chi phí ăn uống để có tiền mua thức ăn cho chó, mèo”. 

Chị Vui (bên trái) chia sẻ lúc đầu cũng không thích chó, mèo nhưng từ khi thấy chị Ngọc nuôi thấy tội nghiệp nên đồng cảm hồi nào không hay

Ảnh: Tấn Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.