Không muốn là gánh nặng của ba mẹ
Dương Thu Thảo, sinh viên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhớ lại những tháng ngày sinh viên lần đầu xa nhà của mình, Thảo chia sẻ: “Những ngày đầu xa nhà bắt đầu hòa nhập cuộc sống mới, mình rất bỡ ngỡ. Nhiều đêm liền trằn trọc không thể chợp mắt, rồi ngồi khóc thút thít, nhưng mình đều cố gắng tự vượt qua và không kể cho ba mẹ biết. Mỗi lần gọi điện về quê, mình chỉ kể những chuyện vui thôi. Dù gì thì mình cũng đã hơn 18 tuổi, có thể tự lo cho bản thân được, ba mẹ ở quê còn bao chuyện phải lo, mình không muốn là gánh nặng của ba mẹ nữa”.
|
Xa nhà từ những năm học THPT, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sinh viên năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hãnh diện kể về câu chuyện sống tự lập của mình. Nguyệt kể: “Mình học xa nhà từ năm 15 tuổi nên đã có cơ hội tự lập sớm. Ngày lên thành phố nhập học, mình đã xin ba mẹ tự đi. Cuộc sống ở thành phố tấp nập khác xa với quê nhà nhưng mình đã hòa nhập khá nhanh. Mỗi ngày mình vẫn gọi điện về hỏi thăm gia đình, những lúc rảnh, mình tham gia các câu lạc bộ tình nguyện của trường, đọc tài liệu để trang bị thêm kỹ năng cho bản thân. Có lần, mẹ đã nói với mình rằng ba mẹ tự hào vì con đã lớn thật rồi. Câu nói đó như tiếp thêm sức mạnh để mình vượt qua bao khó khăn từ ngày lên thành phố nhập học đến bây giờ”.
Học cách bảo vệ tài sản cá nhân
Lần đầu đặt chân đến một thành phố xa lạ, phức tạp, nhiều bạn sinh viên vẫn tỏ ra thờ ơ với việc bảo vệ tài sản cá nhân dẫn đến nhiều trường hợp mất đồ đáng tiếc.
Nguyễn Hoàng Vũ, sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, buồn bã kể về lần bị trộm túi xách tại cổng Bến xe miền Đông: “Ngày đó, mình đi cùng mẹ vào TP.HCM nhập học. Hai mẹ con mang theo số tiền gần 10 triệu đồng để đóng học phí với lo chỗ ở. Đến bến xe, mẹ đi vệ sinh và bảo mình trông túi xách. Lúc đó, có một ông chú đứng tuổi đeo kính đến hỏi chuyện, mình cũng thật thà trả lời. Nhân lúc mình không để ý, một người đàn ông khác chạy lại giật chiếc túi xách, đạp mình ngã xuống đường rồi nhảy lên xe tẩu thoát. Hôm ấy, mình và mẹ phải lang thang trên phố, đợi người nhà ở quê gửi tiền lên cứu trợ”.
Vũ khuyên cho các bạn tân sinh viên phải luôn cảnh giác bảo vệ đồ đạc cá nhân của mình, đề phòng người lạ.
|
Cũng gặp phải tình huống mất đồ đáng tiếc do chủ quan là trường hợp cô bạn Trần Mỹ Tâm, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. “Trước ngày lên đường nhập học mẹ dặn con gái đủ thứ, từ đi lại, sinh hoạt, đến bảo vệ tài sản cá nhân… Nhưng mình vốn là đứa vô tư nên cũng không quan tâm nhiều. Hồi đó, mình có thói quen thường xuyên để điện thoại vào ngăn bên hông cặp không có khóa. Rồi một hôm, sau khi bước xuống chuyến xe buýt chật kín người, mình mới tá hỏa phát hiện ra là chiếc điện thoại đã không cánh mà bay mất rồi. Từ đó mình xin chừa, không dám chủ quan thêm một lần nào nữa”.
Không nên tin tưởng ai quá và cẩn trọng với bạn cùng phòng là bài học đầu tiên mà Lê Thu Thảo, cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, gặp phải vào ngày đầu xa nhà. Thảo cho biết đã từng ở ghép với một cô bạn học khác trường. Vì tin tưởng bạn cùng phòng nên mỗi lần đi học, Thảo vẫn để nhiều tài sản quan trọng ở bàn học. Kết quả là cô bạn cùng phòng dọn đi bất ngờ không một lời báo trước, kèm theo đó những món đồ giá trị của Thảo cũng đi theo luôn.
“Hôm đó đi học về, thấy đồ đạc trong phòng lộn xộn, laptop, dây chuyền ba tặng hôm sinh nhật cũng mất luôn. Mình thật sự đã rất hoảng loạn”, Thảo bộc bạch.
Bình luận (0)