Hiện tượng ô nhiễm không khí tạo thành các lớp sương mù xuất hiện vào mỗi buổi sáng từ 5 - 10 giờ tại làng đại học đang khiến nhiều sinh viên lo lắng.
Sương mù gây khuất tầm nhìn
Không chỉ riêng các quận nội thành ở TP.HCM có hiện tượng ô nhiễm không khí mấy ngày vừa qua, mà nó còn xuất hiện mỗi sáng tại ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (TX.Dĩ An, Bình Dương). Điều này khiến nhiều sinh viên lo lắng vì ô nhiễm như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt.
Thành Long (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Mình thấy có nhiều nguyên nhân như khói bụi xe máy, rác thải trong sinh hoạt... dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tạo thành các lớp sương mù ở KTX. Mình lo lắng vì như vậy sẽ ảnh hưởng sức khỏe, dễ gây ra những bệnh về đường hô hấp”.
Không chỉ thế, tình trạng sương mù còn ảnh hưởng việc tham gia giao thông tại các tuyến đường làng đại học vào mỗi sáng.
Phương Thảo (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nói thêm: “Buổi sáng ở KTX không khí phủ thành nhiều lớp sương mù gây khuất tầm nhìn khi chạy xe máy đi học. Mình thấy trong không khí ô nhiễm như thế này ai cũng lo lắng vì dễ mắc bệnh khi ra đường”.
Cần có sự chung tay của nhiều người
Để giảm ô nhiễm không khí cần có sự chung tay của nhiều người. Đăng Khoa (sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) ý kiến: “Theo mình để giảm khói bụi cần hạn chế buôn bán những món nướng trong làng đại học, vì khi nướng khói than rất độc gây ô nhiễm không khí. Một cách nữa là các bạn sinh viên nên đi xe buýt hơn xe máy để bảo vệ môi trường”.
Thiện Cát (sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) bày tỏ: “Theo mình túi ni lông cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Khi dùng xong, nhiều người đốt rác cùng với túi ni lông, khói bóc lên làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Theo mình nên hạn chế việc dùng túi ni lông, nếu được thì nên bỏ hẳn...”.
Ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường), cho biết những ngày gần đây, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tại TP.HCM, mù quang hóa thường được hình thành trong các ngày diễn ra nghịch nhiệt mạnh mẽ làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí trong tháng 9.2019 cho thấy chất lượng môi trường không khí từ ngày 3 - 20.9.2019 có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như: bụi lơ lửng, PM10, NO2, SO2, CO. Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20.9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%...
V.P
|
Bình luận (0)