Tài xế cởi áo ủ ấm cho trẻ sơ sinh: 'Cảm thấy ấm lòng'

23/10/2019 21:18 GMT+7

Hành động một tài xế taxi trẻ ở Thanh Hóa cởi áo để ủ ấm cho em bé vừa sinh trên xe khi trên đường đưa sản phụ đến bệnh viện mới đây khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Rạng sáng 21.10, anh Hoàng Việt Cường (30 tuổi, ngụ Thanh Hóa) chở một sản phụ cùng chồng từ Bệnh viện đa khoa huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lên Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (TP.Thanh Hóa) khi sản phụ bị đau bụng dữ dội. Chưa kịp đến bệnh viện thì sản phụ đã sinh em bé trên xe. Do khách không kịp mang theo gì nên anh Cường liền cởi áo của mình đưa cho chồng sản phụ ủ ấm cho bé. Hành động này của anh Cường được nhiều người khen ngợi, cánh tài xế nhân câu chuyện này cũng đã chia sẻ những tình huống tương tự mà mình gặp phải.

Nhiều tài xế cũng không nghĩ nhanh đến thế

Chia sẻ về hành động trên, anh Trần Văn Vụ (ngụ tại lô B, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), hiện đang là tài xế cho một hãng xe công nghệ, xúc động: "Tưởng tượng hình ảnh anh Cường cởi áo để người chồng của sản phụ ủ ấm cho em bé, tôi cảm thấy ấm lòng. Ngay cả người chồng cũng không nghĩ ra cách đó mà anh Cường đã kịp thời nghĩ ra, thật đáng khen. Có thể trong tình huống đó, tôi hoặc nhiều tài xế khác cũng không nghĩ nhanh đến thế".
Cũng dành lời khen tặng cho anh Cường, anh Tùng Minh (28 tuổi, tài xế hãng xe Hoàng Long, ở TP.HCM) cho biết nhiều tài xế rất kiêng không muốn chở sản phụ trên xe vì cho rằng như thế sẽ khiến mình không may mắn. "Đôi lúc gặp bà bầu đi xe tôi cũng e ngại, không phải vì kiêng, mà vì sợ lỡ sản phụ sinh ngay trên xe trong khi mình không có kỹ năng để giúp, lỡ có chuyện không hay xả ra. Vì thế, tôi cảm thấy ngưỡng mộ anh Cường", anh Minh nói.

Tình huống cấp bách không thể thờ ơ

Anh Phạm Quang Nhân, một tài xế đã có 7 năm trong nghề, hiện đang là tài xế taxi của hãng Vinasun tại TP.HCM, cho rằng gặp một tình huống cấp bách như chở sản phụ đi sinh, cấp cứu người gặp tai nạn… thì một người tài xế có lương tâm không bao giờ đắn đo, tính toán, mà ngay lập tức sẽ làm “nhiệm vụ” của mình, đó là chở người đến bệnh viện và hỗ trợ họ hết mình.
“Có nhiều lần tôi đang chở khách thì gặp tai nạn. Tôi bèn nói khéo với khách là “anh (chị) có thể bắt xe khác để tôi chở nạn nhân đi bệnh viện được không”. Rất may là nhiều vị khách hiểu được tình huống khẩn cấp đó nên cũng vui vẻ xuống xe. Tôi không ngại máu me hay bẩn, đến lúc đó thì cứu người là trên hết, không nên tính toán. Xong việc thì đi rửa xe là được thôi mà. Nỡ lòng nào mà bỏ lại người gặp nạn trong khi họ đang cần mình giúp đỡ”, anh Nhân kể lại.
Không chỉ cứu người bị tai nạn, anh Nhân còn thường xuyên trả lại đồ của khách bỏ quên trên xe. Có những túi xách chứa nhiều tiền, vàng, iPhone đắt tiền, anh Nhân vẫn không nảy sinh lòng tham. Vì thế, tên của anh Nhân thường xuyên được nằm trong danh sách biểu dương của công ty. “Cái gì của mình là của mình, không phải mà mình tham lấy về, thì trước sau cũng bị mất một cái khác. Tôi rất tin vào nhân quả. Vì thế, cố gắng làm việc lành để điều lành đến với mình và tránh xa những việc trái với lương tâm”, anh Nhân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Định, tài xế taxi tại Đà Nẵng, kể lại mình từng chở nhiều phụ nữ đi sinh, nhiều bệnh nhân, nạn nhân đi cấp cứu và không ít lần trả lại đồ có giá trị cho khách. Anh Định nêu quan điểm: “Mình nghĩ đó là trách nhiệm cũng như lương tâm của con người nói chung, của người tài xế taxi nói riêng. Thử tưởng tượng mình hay người nhà của mình ra đường cần giúp đỡ mà không có ai chịu giúp thì sẽ tuyệt vọng như thế nào?”.

Được trang bị kỹ năng sơ cứu

Anh Lê Văn Tuấn (34 tuổi), tài xế của hãng xe Mai Linh tại TP.HCM, cho biết có lần đang trên đường về nhà vào lúc nửa đêm thì anh gặp một người bị tai nạn xe máy, nằm gục bên đường. “Tôi bèn tấp xe vào và xuống gọi người hỗ trợ. Lúc đó khuya nên đường rất vắng, may cũng có vài người dừng xe. Thấy nạn nhân ngưng thở, nhờ được học qua về sơ cứu, tôi đã đặt nạn nhân nằm ngửa rồi làm động tác ép tim để hy vọng anh ta thở lại. Thật may sau đó anh ta tỉnh lại, lúc đó tôi mới nhờ người khiêng lên xe chở đến Bệnh viện Thống Nhất để cấp cứu”, anh Tuấn kể.
Hỏi “nếu người nhà bệnh nhân đến tưởng tài xế là người gây tai nạn, đánh tài xế thì sao”, anh Phan Văn Sáng, hiện là tài xế hãng xe Vinasun tại TP.HCM, không ngần ngại nói: “Tôi không sợ vì tôi đã có kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống như vậy. Khi gặp người nhà nạn nhân đến, tôi sẽ nói là tôi đang cứu người chứ không phải người gây tai nạn. Một người hiểu biết sẽ không bao giờ lao vào đánh tài xế khi chính người tài xế đó cứu người nhà mình”, anh Sáng chia sẻ.
Theo anh Sáng, khi gia nhập đội ngũ tài xế taxi, anh được hãng xe cho học nghiệp vụ sơ cứu cơ bản và được huấn luyện các tình huống khẩn cấp như nếu gặp người tai nạn, phụ nữ sắp sinh… thì phải xử lý như thế nào, gặp cướp giữa đường thì phải làm gì để tự vệ, gặp khách quên đồ xử lý ra sao… “Nhờ được trang bị nghiệp vụ, cộng với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, chúng tôi không e ngại khi gặp những tình huống khẩn cấp cần đến sự giúp đỡ của mình”, anh Sáng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.