Thủ khoa 'bật mí': Vào thi tiếng chó sủa 40 phút và cách tập trung độc đáo

24/03/2021 13:32 GMT+7

Khi thí sinh đặt vấn đề làm sao để có thể ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả và thi đạt được kết quả cao, các thủ khoa đầu vào của các trường ĐH năm 2020 đã có những 'bật mí' đầy ấn tượng.

Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, đội ngũ thủ khoa đầu vào và đầu ra của các trường đã có những chia sẻ hữu ích về cách học và thi hiệu quả cho thí sinh. Trong đó app giúp học tập trung cao độ mà thủ khoa Trần Ngọc Đoan, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chia sẻ, hay cách mà thủ khoa Võ Lập Phúc, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ứng phó với tiếng chó sủa đúng 40 phút trong lúc làm bài thi môn văn cũng khiến nhiều học sinh vô cùng thích thú.

Rèn sự tập trung sâu

Đoan khẳng định sự tập trung là điều rất quan trọng trong quá trình ôn luyện. Và có app giúp học sinh có thể tập trung được tối đa trong quá trình học mà Đoan đã từng vận dụng rất hiệu quả.

Thủ khoa Trần Ngọc Đoan chia sẻ bí quyết ôn thi hiệu quả cho học sinh tại chương trình Tư vấn mùa thi 

“Trong quá trình học các bạn cứ cầm đến điện thoại làm hết việc này đến việc khác, rồi sau đó mới quay lại việc học, dẫn đến việc ôn luyện của mình càng ngày càng không hiệu quả. Cuối buổi học đó, tự dưng các bạn cảm thấy rằng hôm nay mình sử dụng điện thoại trong quá trình học và làm mình chẳng học được gì cả. Đến 12 giờ đêm, bạn lại hối hận vì bản thân đã không thể nào tập trung vào việc học mà lại nghịch điện thoại các kiểu… rồi lúc đó lại bật dậy ra khỏi giường để có thể học bù lại, nhưng điều đó là không nên vì vừa không hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe”, Đoan chia sẻ.

Và anh chàng thủ khoa bật mí: “Trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT mình đã sử dụng app Forest. Với app này mình sẽ đặt ra một khoảng thời gian mà trong thời gian đó chúng ta tập trung hoàn toàn vào việc học. Chẳng hạn như đặt lịch là tập trung 1 tiếng đồng hồ và đặt thêm chế độ tập trung sâu, trong vòng 1 tiếng đồng hồ đó, mình đặt sẽ trồng được một cái cây. Nếu chúng ta tập trung tối đa và không cầm vào điện thoại để làm những chuyện khác thì cái cây đó sẽ xanh tốt và phát triển, còn nếu ngược lại thì cây sẽ chết”.

4 thủ khoa đầu vào (từ trái sang: Trần Ngọc Đoan, Võ Lập Phúc, Trần Đức Lương, Nguyễn Phú Nghĩa) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2021 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức

HOA NỮ

Theo Đoan nên đặt khoảng thời gian mà bản thân cho rằng mình có thể tập trung sâu nhất, với Đoan thì anh chàng đặt khoảng 45 phút, sau khi trồng được một cái cây thì sẽ nghỉ giải lao khoảng 5 phút, rồi sẽ tiếp tục trồng cây khác.

“Các bạn nên đặt mục tiêu là trong đêm đó mình sẽ trồng được bao nhiêu cái cây rồi chúng ta sẽ đi ngủ, sáng hôm sau mục tiêu của chúng ta là trồng thêm bao nhiêu cái cây nữa. Cứ lặp lại như thế, sau một ngày hoặc một tuần, chúng ta sẽ tổng kết lại vườn cây của mình đã được bao nhiêu. Cái cảm giác mà nhìn vườn cây của mình thật nhiều cây xanh tốt, cảm giác đó hạnh phúc vô cùng, các bạn ạ. Và đó chính là lý do có thể cho mình được động lực để ôn tập, nhưng cũng rèn sự tập trung sâu để khi vào phòng thi có thể vận dụng được”, chàng thủ khoa gửi gắm.

Làm quen với những tác động gây xao nhãng

Còn câu chuyện mà Võ Lập Phúc, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể khi thi môn văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, con chó của nhà kế bên trường thi sủa đúng 40 phút và cách Phúc vẫn giữ được bình tĩnh để làm bài thi cũng khiến nhiều người ấn tượng.

“Hôm mình thi môn văn con chó của nhà nào kế bên trường thi nó sủa đúng 40 phút, viết xong đoạn mở bài và đoạn đầu tiên của thân bài thì con chó mới hết sủa. Và đó chính là những trường hợp mà mình sẽ không thể lường trước được khi vào phòng thi”, Phúc kể.

Câu chuyện ứng phó với tiếng chó sủa đúng 40 phút của Phúc khiến học sinh vô cùng thích thú

Chia sẻ thêm với người viết, Phúc cho biết trong khi nhiều bạn không thể nào tập trung để làm bài được thì Phúc vẫn không bị xao nhãng bởi những tiếng chó sủa inh ỏi suốt 40 phút đó.

“Do trước đó mình đã có 2 tháng làm quen với việc điều phối nhịp văn trong môi trường tiếng động mạnh bằng cách nghe nhạc rock nhưng vẫn đảm bảo được quá trình diễn đạt không bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, mình thấy khá thoải mái và thậm chí không bị xao nhãng trong quá trình viết”, Phúc chia sẻ.

Phúc chia sẻ bí quyết của mình tại chương trình Tư vấn mùa thi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Rồi anh chàng thủ khoa cho biết thêm có một số bạn cùng phòng thi bảo là bị ảnh hưởng và phân tâm khi tiến hành diễn giải ý văn, do đó Phúc muốn gửi lời khuyên đến các bạn sẽ là sĩ tử trong kỳ thi lần này về việc nên áp dụng mô hình học văn trong môi trường nhạc mạnh để phá bỏ khuôn khổ của việc học văn phải diễn ra trong môi trường yên tĩnh. Thay vào đó, nên cho phép bản thân trải nghiệm quá trình sinh tạo ngôn ngữ dưới các tác động gây xao nhãng để phòng các trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra.

“Các bạn sẽ không thể lường trước được những việc sẽ có thể xảy ra trong phòng thi.. Cho nên chúng ta luyện sự tập trung của mình bằng cách nghe nhạc rock lúc viết văn sẽ cho các bạn một trải nghiệm rất đặc biệt mà mình đảm bảo mới lúc đầu các bạn sẽ không thể viết được quá 2 dòng, nhưng sau đó, dần dần chúng ta sẽ làm quen và tập cho mình sự tập trung hiệu quả nhất dẫu cho những tác động từ môi trường xung quanh”, anh chàng thủ khoa gửi gắm đến các sĩ tử.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.