Hội nghị bao gồm các tỉnh, thành đoàn: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc diễn ra trong ngày 8.6, tại Bắc Ninh do T.Ư Đoàn tổ chức.
Nhiều vụ trẻ em bị bạo hành, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục gây bức xúc trong dư luận xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, góp ý cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời gian tới.
Anh Trần Mạnh Tuấn, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, nhìn từ nhiều vụ trẻ em bị xâm hại vừa qua thì thấy tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương chưa thể hiện được rõ vai trò bảo vệ quyền lợi cho chính đoàn viên, đội viên của mình. Nhưng đúng là thực tế, các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, rèn luyện kỹ năng xã hội nói chung, nhưng chưa thể trang bị riêng cho trẻ em kỹ năng phòng chống xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục.
tin liên quan
15 cơ quan mà không bảo vệ được trẻ em bị xâm hại tình dụcĐây là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm xâm hại tình dục (XHTD) “Im lặng hay lên tiếng” tổ chức tại Hà Nội ngày 14.3.
Thế nên ngay cả khi sự việc xảy ra ở địa phương, tổ chức Đoàn, Đội cũng rất lúng túng trong quy trình xử lý sự việc, đảm bảo quyền lợi đoàn viên, đội viên của mình. Theo đó, anh Trần Mạnh Tuấn đề nghị, T.Ư Đoàn sớm xây dựng hoặc có hướng dẫn các chương trình khung về kỹ năng phòng chống xâm hại cho trẻ em để đưa vào các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa.
Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, anh Lê Hùng Sơn cho rằng, trẻ em dù bị xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào cũng cần phải lên án, đấu tranh. Để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em trước thực tế gia tăng nhiều vụ xâm hại trẻ em, ngay trong tháng 6 này, Tỉnh đoàn Quảng Ninh sẽ công bố ra mắt Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, hội đồng này sẽ theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, khẳng định chăm lo và bảo vệ nhi đồng, trẻ em là trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội. Khi có sự việc xảy ra, tổ chức Đoàn, Đội phải lên tiếng để lên án cũng như giám sát quy trình xử lý vụ việc để bảo vệ quyền trẻ em đã được pháp luật quy định.
“Qua những vụ việc vừa qua, T.Ư Đoàn cũng chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trong trường học. Nhưng đang thời điểm các em nghỉ hè thì Đoàn thanh niên ở các cấp tăng cường các biện pháp giám sát, lồng ghép và đưa kỹ năng phòng chống xâm hại vào trong các buổi sinh hoạt hè để dạy các em có thể tự nhận biết những dấu hiệu xâm hại để chủ động phòng tránh”, anh Dũng nói.
Bình luận (0)