Sáng 16.9, cô Lục Thị Yến, giáo viên (GV) phụ trách khối lớp 1 Trường tiểu học Ea Đăh (H.Krông Năng, Đắk Lắk), tiếp tục quay lại thôn Giang Xuân (xã Ea Đăh) để hướng dẫn học sinh (HS) học bài. Hôm qua, cô Yến đã đi giao bài cho HS nhưng có một số trường hợp cô không gặp được phụ huynh mà chỉ trao đổi qua điện thoại nên không yên tâm. Sáng nay, cô phải đi rà soát lại xem phụ huynh kèm cặp các em như thế nào để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Theo cô Yến, do ở xã vùng sâu Ea Đăh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhiều người không hiểu tiếng Kinh nên GV đi giao bài, hướng dẫn học khá vất vả. “Có HS khi tôi đến nhà giao bài, bố mẹ không hiểu tiếng Kinh, em này lại khóc mếu khi cô chỉ bài. Sau đó, tôi phải nhờ hàng xóm sang hỗ trợ để HS nắm bắt bài phải học”, cô Yến chia sẻ.
Cô Lê Thị Quy, GV chủ nhiệm lớp 3A Trường tiểu học Ea Đăh, cho biết ngày đầu năm học (15.9), buổi sáng cô dạy online, chiều cùng đồng nghiệp vào các thôn vùng sâu giao bài, hướng dẫn cho HS học tập đến 20 giờ mới xong. Cô Quy kể lúc dạy học trực tuyến, các cô giáo cũng gặp tình huống khó xử như phụ huynh nhiều lần nhắn tin, gọi điện thoại than phiền: “Ngày nào cũng ở nhà kèm con học chắc chết đói mất”, hay: “Cô ơi, đã hết học chưa, để tôi đi làm cà phê”...
Bà Nguyễn Thị Nam Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Đăh, cho biết trường chỉ mở được 4 lớp học trực tuyến (từ khối lớp 2 - 5), 100% các em đều học qua điện thoại, riêng khối lớp 1 không có HS nào học trực tuyến được. Do đó, các GV được phân công đến từng thôn, buôn để giao bài 3 ngày/tuần; đồng thời hướng dẫn cho HS, phụ huynh nắm phương pháp học. Ở những điểm dân cư cách trường từ 15 - 20 km, GV phải tự túc đồ ăn nhanh, nước uống vượt đường xa, ở lại buổi trưa để giao bài tận nhà cho HS...
Ở Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Cư San, H.M’Đrắk, Đắk Lắk), 2 hôm nay GV đến các thôn vùng sâu giao bài trong điều kiện trời mưa, đường lầy lội rất vất vả. Cô Trần Thị Hải Lụa, GV tại điểm trường thôn 4, xã Cư San, cho biết: “Điểm trường này có 114 HS, tất cả là người H’Mông. Ở đây sóng điện thoại chập chờn, mạng internet không có nên không thể học trực tuyến. Do một số phụ huynh HS đi làm rẫy nên tôi cùng 3 cô giáo phải chờ đến tối để hướng dẫn HS và phụ huynh để kèm cặp các em”…
Tương tự các huyện Krông Năng, M’Đrắk, nhiều địa bàn vùng sâu khác của Đắk Lắk cũng trong tình trạng thiếu điều kiện dạy và học trực tuyến, phải học theo hình thức giao bài. Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, đầu năm học, sở có khảo sát cho thấy cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh có tới 61,7% HS không đủ điều kiện học trực tuyến. Cạnh đó, 28% GV cấp tiểu học không có điều kiện giảng dạy qua internet hay truyền hình (chỉ thống kê GV chủ nhiệm lớp dạy 2 môn toán và tiếng Việt).
Bình luận (0)