“Các con trầm cảm mất thôi !”
Có hai cậu con trai, một học lớp 6, một học lớp 2, chị Hoàng Linh ở Hà Nội cho biết gia đình đã cố gắng bớt chi tiêu để cho con học trường tư thục với học phí rất cao chỉ vì muốn con được tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh dồn dập, cả hai con chị Linh đều phải học ở nhà với thời khóa biểu dày đặc 2 buổi/ngày như học trực tiếp. Những giờ học trước kia lẽ ra là trải nghiệm thực tế hoặc hoạt động nhóm, giao lưu tập thể... thì nay cũng thay bằng việc ngồi trong 4 bức tường học trên máy tính.
Do vậy, giá trị gia tăng của trường tư cả năm qua vì dịch bệnh mà giảm đáng kể. Hai cậu bé vốn hiếu động, thích khám phá nay có khi cả ngày ngồi lì trong phòng, nói chuyện cũng vài câu ngắn gọn hoặc bố mẹ hỏi gì thì trả lời cho xong. “Tôi lo lắm, nếu cứ kéo dài tình trạng này thì các con đến trầm cảm mất thôi”, chị Linh bày tỏ.
Còn anh Ngọc Long (Q.Tây Hồ, Hà Nội) có con năm nay học lớp 1, cho hay: “Gia đình vốn chủ trương không cho con tiếp xúc sớm với máy tính, điện thoại nên rất giữ gìn để con hoạt động và tự khám phá xung quanh nhiều hơn. Tuy nhiên, “đùng một cái” Bộ GD-ĐT và Hà Nội cho học trực tuyến với lớp 1 nên phải chấp nhận mở máy tính cho con học theo yêu cầu của nhà trường”.
Anh Ngọc Long chia sẻ: “Cháu liên tục mếu máo: đi học thế này chẳng có gì vui. Bố mẹ cũng xót con khi còn quá nhỏ mà phải học theo cách bất đắc dĩ này, nhưng lo hơn cả là cháu có ấn tượng xấu ngay từ đầu về việc học”.
Nhiều phụ huynh cho biết lớp học trường công lập thường rất đông, 40 - 50 học sinh (HS)/lớp, thậm chí nhiều hơn. Do vậy, không ít HS bị “bỏ quên” do giáo viên (GV) không thể bao quát hết so với học trực tiếp nên HS chán nản, mất dần hứng thú học tập.
“Bác sĩ ơi, con tôi bị bệnh gì ?”
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, giảng viên bộ môn nhi, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, kể lại: “Tôi thường nhận được các cuộc gọi của phụ huynh với tâm trạng hết sức lo lắng, hỏi là liệu con tôi đang bị bệnh gì khi cháu không ăn uống như trước, không vui vẻ, ngồi học mất tập trung... Sau khi hỏi thăm tình hình, tôi nhận định các dấu hiệu mà phụ huynh chia sẻ đa phần là do dịch Covid-19 kéo dài, trẻ ở nhà quá lâu, thời gian này lại học trực tuyến chứ không được đến trường gặp thầy cô, bè bạn, không có sự giao tiếp với bên ngoài, không còn các hoạt động thể chất, tinh thần như trước. Điều đó dẫn đến trẻ mắc phải một số vấn đề về tâm lý khi hằng ngày tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính quá nhiều”.
Bác sĩ Thùy Dương nhấn mạnh việc học trực tuyến kéo dài trong nhiều ngày còn khiến mắt trẻ bị khô, thị lực suy giảm do mắt phải tiếp xúc thường xuyên với màn hình điện thoại, máy tính, cơ thể thì nhức mỏi...
Học sinh học trực tuyến cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên. Vì vậy, giáo viên phải rất chú ý đến các hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy của mình, tạo điều kiện cho trẻ được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn.PGS-TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục Hà Nội) |
“Nếu việc ăn, ngủ của các con không điều độ nữa thì hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm. Trẻ còn có nguy cơ bị béo phì. Sự phát triển tư duy của trẻ cũng sẽ bị hạn chế khi không được chạy nhảy, hoạt động, giao tiếp với bên ngoài”, bác sĩ Thùy Dương nhìn nhận.
Gia tăng cảm xúc tiêu cực, khó khăn kết nối xã hội
Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng trẻ em, nhất là lứa tuổi tiểu học, cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng một cách tốt nhất. Đồng thời, nhờ các hoạt động đó trẻ mới hình thành thái độ, cảm xúc, phát triển nhân cách.
“Chính vì thế, khi học trực tuyến dài ngày có thể dẫn tới nhiều khó khăn của trẻ như thay đổi thói quen sống và sau này khó thích ứng trở lại. Trẻ có thể gia tăng những cảm xúc tiêu cực do phải tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu, gia tăng sự khó khăn trong kết nối xã hội với thầy cô, bạn bè”, tiến sĩ Công cho hay.
Các nguy cơ tâm lý xảy ra khi trẻ học trực tuyến kéo dài, theo thạc sĩ Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, là trẻ hay có biểu hiện cáu gắt, gặp khó khăn về tập trung chú ý, khả năng tư duy thấp khi bị giới hạn không thể tham gia các hoạt động vận động trong học tập.
“Nếu diễn ra lâu dài có thể ảnh hưởng tới các vấn đề khác như lo âu, trầm cảm hay xuất hiện các biểu hiện rối loạn hành vi như các em tỏ vẻ mệt mỏi hơn, cảm thấy không linh hoạt”, thạc sĩ Bình chia sẻ.
|
Tạo thêm nhiều hoạt động thể chất xen kẽ giờ học
Thạc sĩ Nguyễn Công Bình cho rằng phụ huynh nên chú ý giới hạn thời gian con ngồi trước màn hình máy tính, ti vi ngoài thời gian học bài, nhằm giảm được việc tiếp xúc với màn hình càng nhiều càng tốt.
“Nên cùng con lên kế hoạch và lịch biểu một cách khoa học, xen kẽ giữa học tập và hoạt động vận động thể chất, tham gia các hoạt động cùng cha mẹ trong gia đình. Điều đó không chỉ giúp con nghỉ ngơi sau quá trình ngồi học mà còn tăng các kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giảm bớt áp lực tâm lý cho các con”, thạc sĩ Bình lưu ý.
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục Hà Nội), lưu ý đối với HS lớp 1, trong thời gian đầu tiên, thầy cô cần tổ chức những buổi trò chuyện, chia sẻ về thói quen, sở thích của trẻ để tạo sự gần gũi và giúp trẻ có thể tương tác với nhau...; nhờ đó giờ học với trẻ sẽ bớt nặng nề. Ngoài ra, GV có thể tận dụng công nghệ để “trò chơi hóa” mọi hoạt động học tập, nhằm kích hoạt sự chú ý, hứng thú và tập trung của trẻ. GV cố gắng không bỏ sót HS mà cần tăng cường tuyên dương, gọi tên HS trong quá trình học tập. Để thu hút sự chú ý của HS, GV cần làm chủ một số kỹ thuật thu hút và tương tác như trao đổi với trẻ, chia nhóm để thảo luận, tổ chức dạy học theo hình thức tương tác giữa HS với HS...
Một điểm quan trọng không kém, theo PGS Trần Thành Nam: “HS học trực tuyến cần được tạo điều kiện để vận động thường xuyên. Vì vậy, GV phải rất chú ý đến các hoạt động thể chất xen giữa các tiết dạy của mình, tạo điều kiện cho trẻ được đứng lên khỏi chỗ ngồi và làm một số động tác theo hướng dẫn”.
Tăng cường cho học sinh trao đổi
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng phương pháp và kế hoạch giáo dục của GV trong dạy học trực tuyến cần thay đổi so với học trực tiếp. Ví dụ, nếu dạy trực tuyến mà GV giảng bài cả 45 phút thì sẽ rất dễ quá tải, nặng nề cả phía thầy và phía trò. Thay vào đó, GV chỉ nói trong khoảng 50% giờ học, còn lại để HS trao đổi, làm việc. Theo ông Thành, nếu GV giao nhiệm vụ cho HS bằng nhiều hình thức khác nhau trước mỗi giờ học trực tuyến thì HS sẽ rất háo hức chờ đến giờ học.
|
Bình luận (0)