Học sinh làm quen với nghề nghiệp theo kiểu mới

Bích Thanh
Bích Thanh
05/11/2022 06:05 GMT+7

Học sinh lớp 10 năm nay học chương trình giáo dục mới theo định hướng nghề nghiệp nên các trường cũng thay đổi công tác hướng nghiệp theo cách mới.

Tận dụng lợi thế từ phụ huynh

Ông Phạm Phương Bình, chuyên viên phòng GDTX Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng hầu hết các trường hiện nay hướng nghiệp cho học sinh (HS) căn cứ trên phương án tuyển sinh đang áp dụng của các trường ĐH. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư vấn từ chuyên gia của các trường ĐH, doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường tập trung hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên (GV) chủ nhiệm, GV bộ môn, GV làm công tác hướng nghiệp để giảng dạy, hỗ trợ và tư vấn kịp thời cho HS.

Cựu học sinh hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn, TP.HCM)

ÁNH NGUYỄN

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là bắt buộc. Vì vậy, muốn tư vấn hướng nghiệp thì GV phải nắm thật kỹ, thật chắc các phương thức xét tuyển của từng trường ĐH, CĐ, TC. Đồng thời phải tìm các tư liệu về ngành học, chỉ tiêu xét tuyển, lợi ích của ngành học, đầu vào đầu ra, cơ hội việc làm…

Thêm vào đó, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho hay sẽ tận dụng lợi thế từ phụ huynh HS là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân... đến chia sẻ với học trò thực tế việc làm và thu nhập. Ngoài ra, nhà trường lên kế hoạch mời các gương vượt khó học tập để chia sẻ kinh nghiệm học và chọn trường, giao lưu với người thành đạt gieo ước mơ, mời các trường ĐH chia sẻ các thông tin tuyển sinh đúng chức năng. Đoàn trường tổ chức hội chợ khởi nghiệp để HS trải nghiệm. Còn các tổ chuyên môn tổ chức các sự kiện hội chợ STEM, thi sáng tác kịch bản văn học, ca khúc tiếng Anh, giải toán nhanh, dự án lớp học xanh... để khơi dậy lòng đam mê nghề nghiệp cho HS.

Hướng nghiệp thông qua môn học, cựu học sinh

Ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ngay từ những ngày đầu tiên của năm học này đã giao nhiệm vụ cho GV không chỉ truyền giảng kiến thức mà cần có trách nhiệm truyền cảm hứng cho học trò.

“Các con chọn môn sinh, môn hóa… không chỉ cần kiến thức mà qua bài giảng, GV với sự am hiểu cần hướng dẫn học trò biết môn học này có thể theo học ngành gì, ngành học đó tồn tại, phát triển trong xã hội thế nào?”, bà Minh Tâm cho biết và nhấn mạnh, hướng nghiệp phải đi từ gốc, bắt đầu từ chính môn học, thì mới thể hiện đúng mục tiêu của chương trình là định hướng nghề nghiệp.

Tư vấn mùa thi, một chương trình hướng nghiệp cho học sinh lớp 12

đào ngọc thạch

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn, TP.HCM), khẳng định công tác hướng nghiệp buộc phải thay đổi, mang chiều sâu, thiết thực hơn.

Bà Ánh Mai cho hay nhà trường mời cựu HS là nhân lực có chất lượng cao, thành đạt trong các lĩnh vực và sinh viên đang theo học những trường ĐH nhiều người quan tâm đến trường trò chuyện với HS. Ở mỗi nhóm ngành nghề, cựu HS chia sẻ kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp trong tương lai một cách thực tế nhất. “Hình thức hướng nghiệp có sự trải nghiệm, kết nối với người thực việc thực khiến HS thích thú, hào hứng, thu hút sự tương tác, từ đó mang lại hiệu quả”, bà Mai nói.

Hướng nghiệp cá thể hóa

Hướng nghiệp theo hướng cá thể hóa là kế hoạch mà Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) xây dựng để thực hiện với HS lớp 10. Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó nhà trường, cho biết từ việc lựa chọn môn học, nhà trường thăm dò và giúp HS nhận diện bước đầu về ngành nghề. Thông qua việc đăng ký của HS muốn tìm hiểu trường ĐH nào, nhà trường sẽ liên hệ với trường ĐH để HS tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu.

Với các chương trình trải nghiệm này, ngoài những thông tin chung, HS có cơ hội tiếp cận với ngành nghề, giúp các em nhận diện, biết được mình có thực sự phù hợp với ngành học hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.