Khi giáo viên không 'phụ thuộc' vào lương

22/05/2024 04:15 GMT+7

Giáo viên không 'phụ thuộc' vào lương. Nhận định này khá gây sốc trong bối cảnh lương giáo viên vốn bị xem là thấp, lời kêu gọi giáo viên sống được bằng lương gần 2 thập niên chưa thể thực hiện trọn vẹn.

Những tháng đầu năm 2023, giáo viên TP.HCM vui mừng khi lần đầu nhận được một khoản tiền khá lớn, lớn hơn cả tiền lương, được gọi là thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù của TP.HCM.

Thời điểm đó, một giáo viên (GV) dạy giáo dục công dân cấp THCS, môn học gần như không có "cửa" dạy thêm, chia sẻ với phóng viên niềm vui của một nhà giáo có thể sống được bằng thu nhập "chính thống" từ nhà trường mà không cần phải làm thêm. GV này nói trong niềm hứng khởi: "Với thâm niên 15 năm đi dạy, hiện nay thu nhập của tôi bao gồm lương hơn 5 triệu đồng và 40% đứng lớp mới vào khoảng 7,9 triệu đồng/tháng. Nay với hệ số thu nhập tăng mức tối đa, quý 1/2023 tôi nhận khoảng 32 triệu đồng, tính ra mỗi tháng khoản hỗ trợ này cao hơn cả lương. Khi thu nhập được ổn định, được chăm lo, GV sẽ toàn tâm toàn ý với nghề, với trường, không còn phải phân tâm đi lo lắng cuộc sống gia đình".

GV TP.HCM có được khoản thu này là khi năm 2018 Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP.HCM đã thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có GV.

Theo đó, ngoài lương và các khoản phụ cấp đứng lớp, GV sẽ được nhận thu nhập tăng thêm. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến cuối tháng 12.2023, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 185 về dự toán thu ngân sách nhà nước và thu chi ngân sách năm 2024, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng nhận thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể, mức chi tối đa 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ngạch bậc, chức vụ, mức thu nhập tăng thêm cao thấp còn tùy thuộc vào đóng góp của GV với công việc. Nói như lãnh đạo một trường THPT từng chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nếu GV chỉ lên lớp, "dạy xong đi về" thì sẽ không được hưởng khoản thu nhập này.

Chỉ tính riêng khoản thu nhập tăng thêm đã cao hơn lương. Do đó, có thể nói rằng với chính sách này, GV tại TP.HCM không "phụ thuộc" hoàn toàn vào lương. Thay vào đó, để tăng thu nhập một cách hợp pháp, GV phải có trách nhiệm hơn, đầu tư nhiều hơn, toàn tâm toàn ý hơn vào việc giảng dạy.

Lương GV luôn là vấn đề được quan tâm do đây là ngành nghề đặc thù và xã hội đánh giá cao vai trò của nhà giáo. Bao năm qua câu chuyện này vẫn luôn "nóng". Lương GV ưu tiên xếp cao nhất đã được khẳng định tại Nghị quyết 29, dự thảo luật Giáo dục 2019 và nay tiếp tục được đưa vào dự thảo luật Nhà giáo. Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực, còn cả một chặng đường dài với nhiều điều kiện cần xem xét.

Trong khi chờ đợi để một ngày lương GV được xếp cao nhất thì cách làm của TP.HCM bằng nguồn thu nhập tăng thêm giúp GV phần nào thoát khỏi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Khi có mức thu nhập ổn định, GV sẽ không tìm cách xoay xở để dạy thêm "tiêu cực" mà dành thời gian đầu tư cho việc giảng dạy chất lượng hơn, hạn chế tối đa tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Từ đó GV sống đĩnh đạc, đàng hoàng hơn, đúng với vai trò cao quý lâu nay xã hội trao cho nhà giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.