ADB tiếp tục cho Việt Nam vay 1 tỉ USD/năm

11/10/2016 13:32 GMT+7

Đây là thông tin ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết tại cuộc họp báo công bố Chiến lược và Chương trình Hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Tại họp báo, ông Eric cho biết ADB đã phê duyệt chiến lược đối tác mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững với môi trường hơn.
Cụ thể, Chiến lược đối tác quốc gia Việt Nam (CPS) đề xuất duy trì vốn vay của ADB vào khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. ADB sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ của mình, nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu bổ sung thêm các nguồn lực.
Theo ABD, Việt Nam hiện nay đang thuộc nhóm quốc gia loại B, được tiếp cận với nguồn vốn vay thương mại (OCR) ưu đãi và vay thông thường. Khi Việt Nam được chuyển sang nhóm C theo kế hoạch thì sẽ được phân bổ nguồn vốn vay OCR thông thường tương đương bù cho nguồn vốn OCR ưu đãi đã ngừng được vay.
Tổng cộng ADB đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD trong giai đoạn 2017 - 2019 từ nguồn vay OCR ưu đãi và OCR thông thường. Do số vốn hỗ trợ được đề xuất đã vượt số vốn phân bổ dự kiến, nên ADB sẽ nỗ lực huy động thêm vốn từ nguồn đồng tài trợ, và nguồn vốn OCR thông thường được dành cho chương trình hợp tác và hội nhập khu vực.
Theo ADB, Việt Nam đã đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2010 với những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Tuy nhiên Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn.
Theo đánh giá của ADB, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đang gây thiệt hại về môi trường và Việt Nam có nguy cơ cao trước biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động trước đây bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn.
Theo ông Eric Sidgwick để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết những thách thức này, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được ba kết quả chủ chốt. Đó là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn, và cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Chiến lược Đối tác Quốc gia nhấn mạnh việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia thu có nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân.
ADB không khoan nhượng với tham nhũng
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về vấn đề phòng chống tham nhũng đối với các dự án của ADB tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhấn mạnh đây là điều được ADB coi trọng.
“Chúng tôi không khoan nhượng với tham nhũng. Có thể nói ADB có mức độ khoan dung bằng 0 đối với tham nhũng. ADB có cơ chế đảm bảo nghiêm ngặt trong xây dựng dự án để bảo đảm xác định được những rủi ro tham nhũng và giảm nhẹ tham nhũng bằng những cơ chế khác nhau”, ông Eric nhấn mạnh.
Đại diện ADB cho biết, lĩnh vực có rủi ro tham nhũng cao hơn là lĩnh vực đấu thầu mua sắm hàng hoá các hợp đồng xây lắp. Tuy nhiên, vị này khẳng định ADB có cơ chế bảo vệ an toàn nghiêm ngặt và các cán bộ ADB sẽ phải rà soát đánh giá các yêu cầu từ phía cơ quan Chính phủ, các cơ quan thực hiện dự án thì mới giải ngân.
Các đơn vị khác nhau của ADB sẽ rà soát việc giải ngân cũng như hồ sơ các chương trình dự án chứ không phải ở Việt Nam. Ở cấp độ tổng thể, ông Eric cho biết ADB cũng hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ trong trong cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm cả việc cải thiện công tác quản trị.
Theo Giám đốc ADB, trong những trường hợp có bằng chứng tham nhũng, ADB có những hướng dẫn nghiêm ngặt về các hành động tiếp theo. Cụ thể các công ty bị phát hiện tham nhũng ngay lập tức sẽ được đưa vào “danh sách đen” và tên tuổi các công ty này sẽ được công bố trên trang web của ADB.
ADB đồng thời cũng có hợp tác với Ngân hàng thế giới (WB) trong việc phát hiện và ngăn chặn các doanh nghiệp tham nhũng tham gia đấu thầu các dự án của ADB và WB. Chính sách của ADB không khoan nhượng với tham nhũng. Tiền ADB dùng cho các dự án không phải tiền của chúng tôi mà là của các quốc gia cổ đông. “ADB phải giải trình được việc sử dụng các nguồn vốn này thế nào và đảm bảo nguồn vốn này được sử dụng trong các dự án đúng mục đích ra sao”, ông Eric nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.