Kiểm tra Nhà máy giấy Lee & Man

Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 26.6 đã có thông tin báo chí về việc thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH giấy Lee & Man VN (Công ty giấy Lee Man) tại Hậu Giang.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, dự án nhà máy giấy tại Hậu Giang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì thế, Bộ giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp thanh tra, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty giấy Lee Man.
“Kết quả kiểm tra, thanh tra nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Nếu phát hiện các vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, kể cả đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời phải đề xuất cho phép hay chưa cho phép nhà máy đi vào giai đoạn vận hành thử nghiệm sản xuất, các giải pháp yêu cầu nhà máy phải tiếp tục hoàn thiện, xử lý triệt để trước khi vận hành
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà

Đe dọa cuộc sống hàng triệu người dân
Theo các chuyên gia, nếu Nhà máy Lee & Man đi vào hoạt động sẽ giết chết cả vùng phía tây nam của sông Hậu (gồm các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và một phần TP.Cần Thơ), đe dọa trực tiếp cuộc sống hàng triệu người dân.
TS Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) phân tích, dọc sông Hậu đoạn từ quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) đến huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có hàng loạt kênh rạch cung cấp nước ngọt cho vùng tây nam của con sông này như kênh Quản lộ Phụng Hiệp. Để nước ngọt có thể chảy về cần 2 yếu tố là thủy triều lên và nước từ đầu nguồn sông Hậu theo các kênh rạch thoát về vùng bán đảo Cà Mau. Việc đặt nhà máy giấy khổng lồ tại cụm công nghiệp Phú Hữu A (Châu Thành, Hậu Giang) cũng đồng nghĩa với việc đặt một đường ống “xả thải” khổng lồ ngay tại “cửa khẩu” của nguồn nước. Các nghiên cứu về chế độ thủy triều ở ĐBSCL và sông Hậu cho thấy vùng này theo chế độ bán nhật triều (một ngày có 2 lần nước lớn - ròng) khi nhà máy giấy xả nước thải ra sẽ bị nước thủy triều và nước từ đầu nguồn đẩy lên đẩy xuống tập trung ở đoạn sông từ Ô Môn đến Trần Đề. “Nó cứ lình bình lên xuống như vậy và bao nhiêu ô nhiễm sẽ được đẩy xuống vùng tây nam sông Hậu. Vào mùa khô, khi nhà máy xả thải ra phải mất đến 14 - 15 ngày nguồn ô nhiễm này mới có cơ hội thoát ra đến cửa biển. Chỉ là cửa biển thôi”, TS Ni nhấn mạnh.
Trong khi đó, đặc điểm thủy lực của vùng này là nước từ sông Hậu theo các kênh rạch về vùng bán đảo Cà Mau rồi thoát thẳng ra biển Tây mà không có sự đẩy nước ngược lại. Chính vì vậy cả vùng tây nam sông Hậu và biển Tây sẽ bị “lãnh đủ” hậu quả ô nhiễm từ nhà máy giấy. Các chuyên gia khẳng định, sự ô nhiễm của nhà máy giấy là chắc chắn và không thể nào xử lý triệt để được. “Nếu họ nói có công nghệ tốt nhất để xử lý được nước thải đạt tiêu chuẩn này nọ, tại sao họ không để lại tái sử dụng mà lại xin xả thải ra môi trường?”, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia môi trường ĐBSCL đặt câu hỏi và cho rằng, rõ ràng đối với nước thải trong sản xuất giấy không thể được xử lý triệt để. Theo ông Thiện, ô nhiễm nguồn nước sẽ dẫn đến ô nhiễm đất. Nông sản được sản xuất bằng nguồn nước và cả đất ô nhiễm sẽ bị tồn dư các chất độc hại, kim loại nặng... Liệu những nông sản như vậy có thể để người dân VN sử dụng hay xuất khẩu? Đó là một sự tổn thất kinh tế vô cùng lớn, không thể tính hết được.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) lưu ý, nguy hiểm nhất là chất thải từ nhà máy không thoát được mà bị “đẩy tới đẩy lui”. Khi thủy triều mạnh nó sẽ đẩy nguồn chất thải vượt qua khỏi nhà máy xử lý nước phục vụ sinh hoạt của người dân TP.Cần Thơ. “Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho hàng triệu người dân sẽ bị đầu độc. Tôi thấy lo dữ lắm, không biết mai mốt sẽ ra sao”, ông Tuấn thở dài.
Nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường
Ông Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, việc Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chỉ lấy ý kiến của 20 hộ dân ở xã Phú Hữu A là điều không thể chấp nhận được. “Cộng đồng được tham vấn ít nhất phải có TP.Cần Thơ, tổ chức được tham vấn ít nhất phải có Trường ĐH Cần Thơ là những người có thể sẽ uống nước ô nhiễm từ nhà máy này và bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Thiện nói.
Ông Thiện nhấn mạnh 4 vấn đề cơ bản của Nhà máy giấy Lee & Man: Thứ nhất, theo luật Bảo vệ môi trường, nhà máy dừng hoạt động quá 24 tháng mà ĐTM không được cập nhật. Chỉ yếu tố này thôi đã đủ dừng hoạt động nhà máy này rồi. Thứ hai, nếu nhà máy có thể xử lý nước thải đạt loại A theo tiêu chuẩn VN thì nên để lại tái sử dụng để tránh lãng phí, không nên thải ra sông (trong trường hợp nhà máy được hoạt động). Thứ ba, quá trình tham vấn cộng đồng có vấn đề. Thứ tư, độ rủi ro của dự án này quá lớn và có thể xảy ra thảm họa về môi trường.
TS Dương Văn Ni phân tích thêm, khi xem xét vấn đề ô nhiễm không phải chỉ là những thứ được thải ra môi trường mà phải xem xét nguy cơ gây ô nhiễm, những tồn đọng hóa chất trong trường hợp có sự cố. Cụ thể như trường hợp sự cố môi trường do vỡ hồ chứa bùn đỏ ở miền Trung, những yếu tố ô nhiễm tiềm tàng, nguy cơ này chưa được đưa vào ĐTM nên khi xảy ra sự cố thì mức độ ô nhiễm còn nguy hại hơn rất nhiều.
Về thành phần đoàn thanh - kiểm tra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu ngoài đại diện Tổng cục Môi trường; Sở TN-MT, Sở Công thương, Phòng Cảnh sát môi trường và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, còn phải mời các chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất giấy tham gia. Đoàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1.7.2016 về quy trình phê duyệt, nội dung ĐTM, giấy phép xả thải nước thải, công nghệ sản xuất và xử lý nước thải, đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải. Về phía Công ty giấy Lee & Man, đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện quy định ĐTM, giấy phép xả thải, áp dụng quy chuẩn môi trường, việc thiết kế, thẩm định, xây dựng, kế hoạch vận hành thử nghiệm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.