Nhập nhằng thịt VietGap

18/06/2016 11:05 GMT+7

Trước sự đe dọa của thực phẩm “bẩn”, các bà nội trợ đã chọn kênh mua sắm cửa hàng, siêu thị uy tín để yên tâm hơn.

Nhưng trên thực tế, nhiều nơi chỉ gắn mác “rau, thịt VietGAP” và nhập nhằng giữa hàng VietGAP với hàng thường để bán giá cao.
Hiện nay, nhiều điểm giới thiệu bán thịt heo VietGap nhưng người tiêu dùng, bằng mắt thường, khó có thể phân biệt giữa thịt heo thường và thịt heo tiêu chuẩn VietGAP. Chỉ có vài đơn vị được công nhận bán thịt sạch, đó là Sagrifood, Vissan và An Hạ. Sagrifood có 22 điểm phân phối là cửa hàng tiện ích và siêu thị; Vissan đang phân phối thịt tại 222 điểm gồm hệ thống siêu thị Co.op mart, Co.op Food, Satrafood và 31 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan; An Hạ cũng có 9 điểm của riêng mình. Nhưng không ít cửa hàng chỉ mua 1/2 con heo VietGAP để mượn danh công ty rồi trộn 4 - 5 con heo thường để bán. Các đơn vị cung ứng cũng biết chuyện này nhưng chưa có hướng xử lý triệt để.
Đón đầu nhu cầu cần mua thực phẩm sạch của người tiêu dùng, hàng loạt điểm bán cá, thịt bò, dê… tại TP.HCM cũng trưng biển “cửa hàng thịt sạch, cá sạch, không hóa chất”. Tình trạng này khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là các điểm kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn Gap (thực hành nông nghiệp tốt). Người bán giải thích “cá được đánh bắt từ biển và đưa lên bán trong ngày, không ướp u rê, hóa chất gì nên an toàn; bò, dê được chăn thả ở các vùng quê như Củ Chi, Hóc Môn chỉ ăn cỏ, rơm chứ không ăn cám công nghiệp hay các chất tăng trọng, khi đem đi giết mổ không bị bơm nước…”. Nhưng khi chúng tôi hỏi “Có giấy chứng nhận gì không?” thì người bán nói “có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y”, yêu cầu đưa xem thì họ biện hộ “không đem theo”(!?).
Các trang mạng cũng rao bán đủ loại thịt, cá, rau, quả sạch với “mác” “hàng quê, hàng nhà nuôi, trồng”. Tại đây, thịt bò hay các loại thịt gia súc, gia cầm khác được quảng bá “sạch” chỉ với những lời giới thiệu nào là vật nuôi được nuôi bằng thức ăn tự nhiên (gia súc chỉ ăn cỏ và các loại ngũ cốc lấy từ nhà), chăn thả trong môi trường tự nhiên, không dùng kháng sinh, hormone và các chất kích thích tăng trưởng mà lại không có chứng nhận “sạch” như VietGAP, hữu cơ… từ cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng, việc các cửa hàng, điểm bán treo biển “thịt sạch” là tự phong chứ chưa có đơn vị chức năng nào cấp phép. Việc cấp phép sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn an toàn, sạch phải được tiến hành giám sát từ con giống, vùng nuôi, nguồn thức ăn, quá trình chăm sóc, giết mổ, vận chuyển, điểm bán… Hiện nay chỉ mới có một số đơn vị thử nghiệm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguồn thịt bò an toàn nhưng chưa đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo quy định, tất cả các công đoạn quy trình VietGAP phải theo tiêu chuẩn khoa học nhằm đảm bảo sản phẩm ngoài việc đạt chất lượng tốt nhất còn phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những sản phẩm này có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm được chăn nuôi, trồng trọt theo VietGAP khi được phân phối, tiêu thụ ngoài thị trường phải được bao gói, đóng dấu và ghi nhãn mác, mã vạch xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay việc chứng nhận VietGAP chỉ mới dừng ở khâu nuôi trồng. Giai đoạn thu hoạch, giết mổ và tiêu thụ lại phụ thuộc vào cái tâm nhà phân phối. Cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP có thể tự đóng dấu và chịu trách nhiệm với các cơ quan chức năng về sản phẩm mang ra thị trường tiêu thụ. Đây là điểm bất cập trong quy trình của VietGAP hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.