Lỗ vẫn phải đóng thuế
Từ năm 2004, cơ quan thuế đã “khóa van” bù trừ lãi lỗ ngành bất động sản (BĐS) vì cho rằng BĐS là ngành siêu lợi nhuận, lo ngại doanh nghiệp (DN) sẽ “tẩu tán” lãi, giảm nguồn thu thuế. Đến 10 năm sau, năm 2014, luật Thuế thu nhập DN số 32 mới mở “van một chiều” cho phép DN được bù trừ lỗ từ hoạt động chuyển nhượng BĐS với lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn khóa chiều ngược lại.
Thuế 'trói' bất động sản
Quy định cho phép doanh nghiệp bất động sản được lấy lợi nhuận trong hoạt động ở các lĩnh vực khác để bù trừ cho kinh doanh bất động sản bị thua lỗ nhưng không được lấy lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản để bù trừ cho các hoạt động khác bị thua lỗ là bất hợp lý, cần bãi bỏ.
|
|
TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc áp dụng chính sách thuế bù trừ một chiều nói trên là xuất phát từ giai đoạn đặc biệt, thời điểm thị trường BĐS còn non trẻ, phát triển lệch lạc dẫn đến nhiều DN bùng nổ siêu lợi nhuận.
Nhưng đến nay, thị trường đã được điều chỉnh, DN BĐS phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại… thì quy định trên không còn phù hợp. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng vì lo lắng ngân sách căng thẳng thu chi mà duy trì chính sách này là không phù hợp, gây khó cho DN.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, nhận xét việc nhà nước yêu cầu DN thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ tài chính là đúng, nhưng mặt khác cũng phải tạo cơ hội cho DN tồn tại và phát triển.
DN luôn phải tính toán điều tiết dòng tiền từ ngắn hạn đến trung dài hạn 2 - 5 năm. “Nếu cứ “đè” họ ra tận thu thì chính sách rất dễ bị tác dụng ngược, ảnh hưởng đến chu kỳ tính toán của DN trong cả ngắn hạn và dài hạn”, luật sư Hải nói.
Cùng quan điểm này, luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích hoạt động của DN lãi hay lỗ là phải tính đến cuối kỳ rồi mới nộp thuế. Quy định hiện hành có thể dẫn đến bất cập cho DN là lỗ chồng lỗ.
Chẳng hạn DN chuyển nhượng BĐS lãi 1 tỉ đồng, nhưng hoạt động kinh doanh khác lỗ 1,5 tỉ đồng. Tính chung lại DN lỗ 500 triệu đồng nhưng phải đóng thuế TNDN 200 triệu đồng (20% của 1 tỉ đồng), mức lỗ càng tăng thêm nữa. “Không nên xem BĐS là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Vì đến nay ngành địa ốc cũng đã tương đối bình thường, không còn quá siêu lợi nhuận. Vì vậy nên gỡ bỏ rào cản trên”, ông phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN (VNREA) Nguyễn Trần Nam cho rằng cơ quan thuế cần phải nuôi dưỡng, duy trì và mở rộng nguồn thu của ngân sách, bằng cách mở chính sách thông thoáng cho DN thay vì tận thu. Chính cách tạo điều kiện để DN vượt qua khó khăn, trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, thì cơ quan thuế càng có thêm nguồn thu mới.
Ngược lại, cơ quan thuế cứ lo ngại DN giảm thuế, trốn thuế mà đẩy khó cho DN, nghĩa là đã lấy đi một phần động lực thúc đẩy DN phát triển. Thay vào đó, cơ quan thuế “gác cửa” và có chế tài mạnh mẽ sẽ gạn lọc được những DN có hành vi gian lận thuế. Trên thực tế, nhà nước đang đẩy nhanh lộ trình thực hiện cải cách thuế, giảm mức điều tiết thu đối với một số sắc thuế lớn để tháo gỡ khó khăn cho DN, thu hút đầu tư... “Nhưng nếu chính sách cứ vướng mắc một nỗi lo sợ như vậy, làm sao VN xây dựng được những tập đoàn quy mô, hùng mạnh như các nước trên thế giới?”, ông Nam đặt câu hỏi.
Bắt con tép, mất con tôm
Làm việc với nhiều quốc gia, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny - khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, cho biết chưa thấy ở đâu có chính sách về thuế lạ đời như tại VN. “Về cơ bản, cho dù một ngành nghề hay đa ngành nghề, tiền thuế của DN vẫn được nhìn vào con số tổng thu chi của DN đó, miễn sao DN không được làm bậy, làm sai.
|
|
Còn lại, mọi hoạt động kinh doanh đúng luật của một DN phải được coi như nhau”, ông Robert Trần nói và cho biết ở Mỹ, thuế thu nhập DN được đưa vào khoản gọi là chi phí. Chẳng hạn, công ty A năm 2015 sau khi trừ hết các chi phí, lợi nhuận được 40.000 USD, thuế thu nhập sẽ được tính 15% trên 40.000 USD này, tức khoảng 6.000 USD.
Số tiền 6.000 USD này sẽ được đóng vào khoảng tháng 3 năm sau và được coi là chi phí của DN trong năm 2016. Như vậy, công ty A của Mỹ này bất luận hoạt động trong lĩnh vực nào, BĐS hay sản xuất, dịch vụ hay nông nghiệp... đều được tính toán các khoản thu chi trước khi báo cáo đóng thuế.
Theo ông Robert Trần, yêu cầu hạch toán riêng chuyển nhượng BĐS cho thấy cơ quan thuế còn vướng khả năng quản lý về thuế. Cũng như cách quản lý chi phí quảng cáo trước đây, ngành thuế lo ngại DN khai gian chi phí quảng cáo, nên khống chế mức trần. Song khi tháo gỡ quy định này, không có DN nào ồ ạt đổ tiền vào để chi cho quảng cáo như lo ngại của các nhà quản lý trước đó. “Trở lại chính sách “van một chiều” với BĐS. Với các DN làm ăn đàng hoàng, cùng đồng vốn, đầu tư, chấp nhận lỗ lã, lợi nhuận... thì cách siết thuế kiểu này mang lại nhiều hạn chế và bất lợi cho DN BĐS”, ông Robert Trần nhận định.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng nhận xét đây là quy định thiếu tính thực tế và thiếu linh hoạt trong điều hành thuế. So với các nước trong khu vực, VN đến nay vẫn chưa có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh ngang tầm khu vực, chưa nói tầm thế giới. Trong khi tham vọng của VN là phải có tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có tiếng nói trên thương trường thế giới.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường còn non trẻ, ngoài chính sách thông thoáng, cởi mở phát triển kinh tế tư nhân, chính sách về thuế rất quan trọng để làm nền tảng phát triển mạnh lực lượng này. Lịch sử tại các nước phát triển, kinh tế tư nhân phát triển dựa trên sự đồng hành, hỗ trợ từ phía Chính phủ, trong đó chính sách về thuế, đất đai... Ở VN, cũng phải học cách làm này bằng chính sách khuyến khích phát triển chứ không “trói buộc” như quy định về thuế nói trên.
“Sức ép về nguồn thu của thuế là có thật, nhưng nếu vì vậy mà áp dụng quy định không cho phép bù trừ lãi BĐS cho ngành nghề khác, vô hình trung đã đang hạn chế sự phát triển đa ngành của DN, tận thu và tạo sân chơi thiếu bình đẳng, gây khó cho DN. Thậm chí, nếu không cẩn thận, chúng ta đi ngược lại chính sách cởi mở thông thoáng đang nỗ lực xây dựng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bình luận (0)