Lại thêm trò 'bơm thổi' ngụy biện về Biển Đông

16/05/2024 06:00 GMT+7

Chỉ trong hôm qua (15.5), truyền thông Trung Quốc cùng có nhiều bài viết "bơm thổi" những luận điệu sai trái về chủ quyền và hiện trạng ở Biển Đông.

Trong đó, tờ South China Morning Post đăng bài viết với tựa đề: "Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc: Nguy cơ Việt Nam mở rộng tranh chấp ở Trường Sa khi cải tạo cơ sở nhiều hơn".

Vu cáo, bóp méo sự thật

Bài viết trích dẫn một báo cáo mới của Grandview Institution - một tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế của nước này. Báo cáo của Grandview Institution đã vu cáo rằng Việt Nam là một trong các bên chiếm đóng trái phép thực thể ở quần đảo Trường Sa "trong 4 thập kỷ qua, đồng thời không ngừng mở rộng diện tích đất đai, xây dựng cơ sở và triển khai quân sự". Grandview Institution còn vu khống trắng trợn: "Việt Nam đã chiếm đóng nhiều đảo và rạn san hô của Trung Quốc, đóng quân nhiều hơn và xây dựng nhiều cơ sở hơn bất kỳ quốc gia ven biển nào khác ở Biển Đông".

Hình ảnh đường băng và hạ tầng do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở bãi đá Chữ Thập

Hình ảnh đường băng và hạ tầng do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở bãi đá Chữ Thập

Ảnh: AMTI - CSIS

Nhận xét về báo cáo trên sau khi đã đọc qua, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) tối qua (15.5) cho rằng: "Đánh giá của Grandview Institution bỏ qua lịch sử của khu vực này và tuyên truyền thông tin sai sự thật".

Cụ thể, trả lời Thanh Niên, ông Nagao chỉ ra: "Trung Quốc chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1950 rồi chiếm phần còn lại vào năm 1974. Trung Quốc mở rộng hoạt động tại quần đảo Trường Sa và chiếm đóng 6 thực thể vào những năm 1980...".

TS Nagao dẫn trích thêm rằng Trung Quốc đã không ngừng mở rộng hạ tầng, quân sự hóa các thực thể ở quần đảo Trường Sa. "Như vậy, rõ ràng ai là người leo thang căng thẳng! Trung Quốc phải chịu trách nhiệm!", ông nhận xét và cho rằng: "Dù là nguyên nhân gây căng thẳng nhưng Trung Quốc vẫn cứ cho rằng họ là "nạn nhân". Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia xung quanh quan ngại Trung Quốc. Bắc Kinh nên nhận ra điều đó và tôn trọng lợi ích của các nước khác".

Đúng như vậy, chính Trung Quốc mới là bên quân sự hóa mạnh mẽ nhiều thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Từ hơn 5 năm trước, hình ảnh vệ tinh của cộng đồng quốc tế đã chỉ rõ thực trạng vừa nêu.

Theo đó, song hành cùng việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, thậm chí có cả đường băng, nhà chứa máy bay..., Bắc Kinh còn tổ chức diễn tập, điều động tên lửa, chiến đấu cơ đa nhiệm đến các thực thể ở Biển Đông như đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Qua đó, Bắc Kinh hình thành một thế trận hỏa lực không - hải.

Về tên lửa thì có tên lửa hành trình chống hạm J-12B (tầm bắn 400 km), tên lửa chống hạm YJ-6 (tầm bắn có thể lên đến 200 km, tùy phiên bản), hệ thống tên lửa đối không HQ-9B và HQ-9 được xem là "S-300 phiên bản Trung Quốc"… Về máy bay quân sự thì có máy bay chiến đấu ném bom JH-7, máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005, các loại chiến đấu cơ đa nhiệm J-10 và J-11, oanh tạc cơ H-6K.

Các nhà chứa máy bay được xây dựng ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi còn đủ sức chứa máy bay ném bom H-6, máy bay tiếp liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8 và máy bay KJ-200 chuyên trinh sát cảnh báo sớm. Kèm theo đó còn là nhiều hệ thống ra đa, thiết bị giám sát tối tân.

Sử dụng chuyên gia đánh tráo khái niệm

Cũng vào hôm qua, fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia đã chia sẻ lại một đoạn video từ tờ China Daily về cái gọi là "giáo sư về luật quốc tế của Anh khẳng định Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc". Tây Sa và Nam Sa lần lượt là tên gọi phi pháp mà Bắc Kinh đặt cho Hoàng Sa và Trường Sa. Đoạn clip có các đoạn trích trả lời của vị giáo sư với những lời lẽ sai trái cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa có lịch sử thuộc Trung Quốc.

Tuyên truyền sai trái về cái gọi là “giáo sư về luật quốc tế của Anh khẳng định Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc”

Tuyên truyền sai trái về cái gọi là “giáo sư về luật quốc tế của Anh khẳng định Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc”

Ảnh: Chụp lại màn hình

Tuy nhiên thực tế, chính Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) vào năm 2016 đã đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc phán quyết được dựa trên cơ sở của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như các luật quốc tế khác.

Vị giáo sư được nhắc đến ở trên là Anthony Carty từng nghiên cứu và giảng dạy tại một số trường đại học của Anh. Nhưng nhiều năm qua, ông đã "đầu quân" làm học giả về pháp lý cho Học viện Công nghệ Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng như làm việc tại Đại học Thanh Hoa của nước này.

Để tăng "sức nặng" cho những tuyên truyền sai trái, bóp méo sự thật về chủ quyền, tình trạng ở Biển Đông, nhiều đại học, cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc nhiều năm qua đã tập hợp không ít chuyên gia quốc tế, rồi từ đó đưa ra những đánh giá, nghiên cứu mang tính ngụy biện để phục vụ cho lợi ích phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Điển hình, TS Mark J.Valencia làm việc cho các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc về Biển Đông. Như Thanh Niên từng nhiều lần phản ánh, vì những bài viết bóp méo sự thật về vấn đề Biển Đông, TS Valencia đã thường xuyên bị cộng đồng học giả quốc tế lên án do có các nhận định sai lệch, đánh tráo khái niệm nhằm "chạy tội" cho Trung Quốc. 

Philippines tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông

Hôm qua (15.5), tờ The Daily Tribune đưa tin Philippines đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông bằng cách triển khai 1 tàu chiến hải quân nhằm ngăn ngừa các hành động của Trung Quốc, cũng như tăng cường khả năng hợp tác giám sát cùng Mỹ.

Tờ báo dẫn lời Phó đề đốc Roy Vincent Trinidad, phát ngôn viên Hải quân Philippines về Biển Đông, xác nhận việc triển khai một tàu chiến tới Bãi cạn Sabina, một thực thể ở Biển Đông, nằm cách đảo Palawan khoảng 75 hải lý (120 km).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.