Lần đầu ăn tết ở TP.HCM, cả nhà thâu đêm canh nồi bánh tét: 'Tết sum vầy là đây'

Phan Diệp
Phan Diệp
07/02/2024 19:47 GMT+7

Lần đầu tiên xuống TP.HCM đón tết cùng gia đình con gái, bà Hoàng Thị Ngọc (73 tuổi, quê Lâm Đồng) mang theo vài kg nếp ngon, rủ con cháu nấu bánh tét, tìm lại cảm giác ấm cúng, sum vầy.

Gần 23 giờ, đêm 26 tháng chạp, bà Ngọc vét thau đậu, nếp, cẩn thận gói cái bánh tét cuối cùng. Ngoài sân, con rể và các cháu đã kê bếp, quạt than bắc lên nồi nước lớn. Hơn 20 cái bánh tét được gói bằng lá dong được chất kín nồi, đậy nắp. Gia đình bà Ngọc bắc ghế ngồi xung quanh, vừa canh lửa, vừa trò chuyện.

Mọi năm, bà Ngọc đón tết ở quê H.Đức Trọng, Lâm đồng cùng gia đình người con trai. "Năm nay các con gái của tôi sống ở TP.HCM, Bình Dương không về ăn tết cùng mẹ nên tôi xuống thành phố với tụi nhỏ. Cũng lâu rồi tôi không gói bánh tét nên năm nay cả nhà cùng nhau làm cho có không khí tết", bà Ngọc nói.

Mấy hôm trước, trong khi dòng người tấp nập về quê ăn tết, bà Ngọc bắt xe khách ngược xuống TP.HCM. Hành trang đi thành phố đón tết cùng con cháu còn có thêm 5 kg nếp ngon.

Lần đầu ăn tết ở TP.HCM, cả nhà thâu đêm canh nồi bánh tét: 'Tết sum vầy là đây'- Ảnh 1.

Bà Ngọc cùng con gái là chị Ái Linh gói những chiếc bánh cuối cùng, đêm 26 tết.

Phan Diệp

Lần đầu ăn tết ở TP.HCM, cả nhà thâu đêm canh nồi bánh tét: 'Tết sum vầy là đây'- Ảnh 2.

Con gái bà Ngọc mượn được cái nồi lớn để nấu bánh tét.

Phan Diệp

Sáng 26 tháng chạp, con gái lớn của bà Ngọc đi chợ sớm, mua thêm 5 kg nếp, 2,5 kg đậu xanh và 3 kg thịt heo cùng lạt, lá dong. Bà Ngọc quyết định gói bánh tét theo kiểu mà người Lạng Sơn quê ngoại của bà vẫn hay làm.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, khoảng 16 giờ, cả nhà xúm nhau gói bánh. Bà cho biết, bánh tét khó gói hơn bánh chưng vì không có khuôn sẵn. Người gói phải có kinh nghiệm, khéo tay và cẩn thận thì đòn bánh mới tròn đều.

Cũng chính vì vậy mà khi bắt tay vào gói những cái bánh đầu tiên, bà Ngọc khá luống cuống vì đã rất lâu không gói bánh. Riêng chị Hoàng Ái Linh (42 tuổi) con gái bà Ngọc thì làm cho đậu, nếp lẫn lộn vào nhau. Chị phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công.

Xem nhanh 20H ngày 28 tết: Khoảnh khắc xúc động ở sân bay | Độc lạ hoa mai ‘ngàn cây có một’

Nhà trọ con gái bà nằm cuối con hẻm cụt trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) vắng người qua lại. Tuy vậy, sát tết cũng đã sắm vài chậu cúc mâm xôi, mào gà chưng ngay cửa. Nồi bánh đỏ lửa, nước bắt đầu sôi ùng ục bà Ngọc mới an tâm ngồi ngả lưng. Bà cho biết mọi người sẽ thay phiên canh lửa cho đến khoảng 8 giờ sáng hôm sau.

"Bánh phải được nấu kỹ trong thời gian khoảng 8 tiếng để chín đều, bảo quản được lâu", chị Linh con gái bà Ngọc cho biết.

Lần đầu ăn tết ở TP.HCM, cả nhà thâu đêm canh nồi bánh tét: 'Tết sum vầy là đây'- Ảnh 3.

Bà Ngọc và con rể canh lửa than trong khi chờ con gái châm thêm nước vào nồi.

Phan Diệp

Lần đầu ăn tết ở TP.HCM, cả nhà thâu đêm canh nồi bánh tét: 'Tết sum vầy là đây'- Ảnh 4.

Hai cháu ngoại của bà Ngọc cũng ngồi canh nồi bánh.

Phan Diệp

Bà Ngọc cho biết, ngày xưa điều kiện khó khăn, chỉ dịp tết mọi người mới thấy bánh chưng bánh tét. Đây cũng là món ăn chủ đạo trong những mâm cúng ngày tết.

Nhiều năm qua, khi mọi người có thêm nhiều lựa chọn về món ăn tết, bánh tét thường chỉ dùng để đặt mâm cúng cho đủ lễ. Cả người lớn và con nít cũng không ăn quá nhiều món này ngày tết. Vì thế mà bà và các con thường đặt mua vài cái về chưng cúng.

Bà Ngọc không nhớ chính xác lần gần nhất cả nhà cùng gói bánh tét đón tết là khi nào. Chỉ biết là rất lâu rồi, cũng hơn 20 năm. Ngồi trò chuyện với cả nhà, bà Ngọc nghĩ về thời trẻ, khi các con còn nhỏ và chồng chưa qua đời, cả nhà quây quần đón tết. Sau khi các con trưởng thành, đi xa lập nghiệp, gia đình bà hiếm khi được đón tết cùng nhau.

Gói hơn 20 đòn bánh tét, bà Ngọc đã tính toán sẽ dành tặng người thân, hàng xóm. "Tuy ăn chẳng bao nhiêu, nhưng không khí gia đình sum họp quây quần khiến tôi cảm thấy rất mừng, rất vui", bà Ngọc nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.