Lắt léo chữ nghĩa: Ông già Noel

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
23/12/2023 06:49 GMT+7

Có nhiều truyền thuyết và giai thoại về ông già Noel, một nhân vật nổi tiếng, chuyên phát quà cho trẻ em trong mùa Giáng sinh.

Ở VN, "ông già Noel" là cách gọi duy nhất, có khả năng dịch đối chiếu từ hai ngôn ngữ: Père Noël (tiếng Pháp) và Thánh đản lão nhân /圣老人 (Trung Quốc) - cả hai cụm từ này đều có nghĩa là "Santa Claus" (Ông già Noel).

Xét về từ nguyên, thuật ngữ Santa Claus xuất hiện trong tiếng Anh khoảng năm 1773 với tên gọi ban đầu là St. A Claus trên báo New York Gazette. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ nhân vật Sinterklaas ở Hà Lan, tức "Saint Nicholas", giám mục ở vùng Tiểu Á, người đã trở thành vị thánh bảo trợ trẻ em. Ở Hà Lan, ngoài từ Sinterklaas, người ta còn gọi ông già Noel là Kerstman.

Thuật ngữ Santa Claus được chứng thực từ những năm 1650. Trong tiếng Anh - Mỹ, bên cạnh từ Santa Claus, người ta còn gọi ông già Noel là Father Christmas, Saint Nicholas, Saint Nick, Kris Kringle hay đơn giản là Santa. Riêng thuật ngữ Father Christmas khởi thủy không liên quan đến ông già Noel mà chỉ là tên nhân cách hóa của lễ Giáng sinh trong văn hóa dân gian Anh, xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ 17 sau cuộc nội chiến ở nước này, là biểu tượng của "tiệc tùng và niềm vui" dành cho người lớn. Đến thời Victoria, Father Christmas mới có nghĩa là ông già Noel chuyên phát quà cho trẻ em.

Ngoại hình ông già Noel khá đa dạng, tùy thuộc từng nền văn hóa. Đầu thế kỷ 20, ông xuất hiện trong trang phục xanh, nâu, vàng, thậm chí là đỏ. Người Pháp gọi ông là Père Noël, một nhân vật mặc trang phục đỏ - trắng đã từng truyền cảm hứng cho Công ty Coca-Cola vẽ quảng cáo hình ảnh ông già Noel lan truyền khắp thế giới trong những năm 1930. Người Đức gọi ông là Weihnachtsmann - một thuật ngữ xuất hiện lần đầu trên tuần báo Berlin Mannigfaltigkeiten (1770). Trong văn hóa dân gian Đức xưa, ông già Noel là một cặp song sinh, một người vận trang phục đỏ - trắng, phát quà cho trẻ ngoan; người kia mặc đồ đen - nâu, trừng phạt trẻ hư.

Ở Tây Ban Nha người ta gọi ông già Noel là Papá Noel; Chile gọi là Viejo Pascuero; còn Bồ Đào Nha có 2 cách gọi: Papai Noel (tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil) và Pai Natal (tiếng Bồ Đào Nha ở châu Âu); trẻ em Trung Quốc gọi ông là Thánh đản lão công công (聖誕老公公); người Nhật gọi là Santakurōsu (サンタクロース). Trong tiếng Nga, ông già Noel là Ded Moros (Дед Мороз, còn gọi là Deduschka Moros), tức "Cha băng giá" hoặc "Ông băng giá", người vận trang phục xanh và trắng, tượng trưng cho sương giá và sự lạnh lẽo. Bên cạnh ông luôn có cô cháu gái gọi là Snegurochka (Снегурочка, "bông tuyết").

Hình tượng ông già Noel không chỉ là người da trắng mà còn là người da màu. Theo truyền thuyết Iceland, có tổng cộng 13 ông già Noel với các tính cách khác nhau: nghịch ngợm, hoạt bát hoặc tốt bụng, hiền lành.

Quê hương của ông già Noel gây nhiều tranh cãi. Có truyền thuyết cho rằng ông sống cùng bà vợ Claus ở Bắc cực; thuyết khác khẳng định ông cư trú ở Rovaniemi, Phần Lan. Riêng người Đan Mạch cho rằng Julemanden (ông già Noel) sống gần vùng Uummannaq ở Greenland…

Từ đầu thế kỷ 20, ông già Noel không chỉ đi xe tuần lộc, trên nhiều tấm bưu thiếp cho thấy ông còn ngồi trên xe trượt tuyết do yêu tinh kéo, hoặc đứng trong khinh khí cầu hay lái mô tô. Ngày nay, vào mùa Giáng sinh, trẻ em trên thế giới vẫn viết thư gửi ông già Noel, các nhân viên bưu cục thường phản hồi từng lá thư một. NORAD ( Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ) còn cung cấp cho trẻ em dịch vụ "Theo dõi ông già Noel", cho phép trẻ em kiểm tra vị trí của ông già Noel, thời điểm ông phát quà tặng thông qua internet hoặc điện thoại mỗi dịp Giáng sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.