'Mùa giao hữu' đem lại những gì cho các CLB châu Âu?

19/07/2022 07:39 GMT+7

Chắc chắn một điều: tiền bạc là mục đích quan trọng nhất khi các CLB châu Âu thi đấu giao hữu vòng quanh thế giới trước mùa bóng mới.

Đây lại là lần đầu tiên kể từ khi khái niệm Covid-19 xuất hiện, các CLB được thoải mái đi đá biểu diễn, nên họ càng tranh thủ “gỡ”. Doanh thu của M.U giảm 50 triệu bảng trong báo cáo tài chính thường niên gần đây nhất (tháng 6.2021), mà việc không thực hiện được các tour giao hữu là một trong các nguyên nhân quan trọng. Các đội mạnh khác tất nhiên cũng vậy.

Tiền “cát xê” cho các CLB nổi tiếng, cỡ M.U hoặc Real Madrid, là khoảng 2 triệu bảng/trận. Một CLB cỡ trung bình ở Premier League thì chỉ được khoảng nửa triệu bảng/trận. Tất nhiên, đấy là phải đến tận những nơi đất khách quê người để trình diễn. Giới thạo tin cho biết: các đội nhà giàu cũng phải bỏ ra khoảng 25% tiền vốn, nghĩa là muốn kiếm 4 triệu thì cũng phải chi ra 1 triệu để trang trải “phí du lịch”. Ngoài ra, các tour du đấu luôn là cơ hội tốt để các CLB củng cố quan hệ tốt đẹp với các lực lượng cổ động viên phương xa, qua đó dễ dàng kinh doanh hình ảnh, sản phẩm về sau. Đây là cái lợi khó quy ra thành tiền cụ thể, như tiền “cát xê” giao hữu.

Thái Lan chấp nhận bỏ ra 1 tỉ baht (hơn 600 tỉ đồng) kéo M.U và Liverpool đến thi đấu vào tối 12.7 trên sân Rajamangala

Độc Lập

Tuyệt đại đa số cầu thủ trong cuộc ghét cay ghét đắng các tour giao hữu. Họ gọi đấy là “những chuyến hành xác”, hoặc là “sự tham lam của các giám đốc kinh doanh vốn không biết đá bóng”. Nhưng, khi còn thi đấu, thủ môn Edwin Van Der Sar lại có phản ứng tích cực hơn các đồng đội M.U trong những chuyến du đấu trước mùa bóng. Ông quan sát, tự hỏi, rồi đâm ra thích thú khía cạnh kinh doanh bóng đá, đến nỗi đã ghi danh học về kinh tế bóng đá từ trước khi treo giày. Bây giờ, Van Der Sar là một nhà quản lý có hạng trong bóng đá đỉnh cao. Ông đã là Giám đốc marketing từ hơn chục năm trước, rồi tiến đến ghế Giám đốc điều hành Ajax Amsterdam.

Nghiêm túc mà nói, thì “mùa giao hữu” chẳng phải vô nghĩa hoàn toàn về mặt chuyên môn. Đấy là cơ hội để các cầu thủ rũ bỏ sức ì, giảm cân, tích lũy thể lực, chuẩn bị cho cả mùa bóng sẽ kéo dài suốt 40 tuần sau đó. Họ cứ phải chạy cật lực, dù không nhất thiết phải có ngay chiến thuật hay bài bản, đấu pháp gì trong loại hình bóng đá trình diễn. Và tất nhiên, còn có rất nhiều buổi tập xen kẽ với các trận đấu giao hữu.

Trong điều kiện khoa học tuyệt vời của bóng đá hiện đại thì tháng 7 này chính là giai đoạn mà các chuyên gia thể lực làm việc cật lực. Vào mùa bóng, sẽ không còn khoảng thời gian trống nào để các cầu thủ tích lũy hay củng cố thể lực nữa. Tình trạng “hành xác” mà giới cầu thủ hay ta thán trong mùa giao hữu thật ra không chỉ đến từ những chuyến bay xuyên đại dương và trách nhiệm thi đấu. Đấy còn là do giới chuyên môn cố đẩy cầu thủ đến giới hạn cuối cùng mà họ có thể chịu đựng, như một phần bắt buộc trong các kế hoạch chuyên môn trước mùa bóng mới.

Không ít cầu thủ đã nguyền rủa những chuyến du đấu trong mùa hè, rồi giới bình luận phóng bút cho rằng các đội bóng sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng sau đó, như cái giá phải trả cho việc quá ham kiếm tiền. Kỳ thực, chuyên gia thể lực Michael Watts, khá nổi tiếng ở Premier League, phân tích ngược lại: “Sự thành, bại trong cả mùa bóng dài sau này có khi chỉ là kết quả của 6 tuần chuẩn bị thể lực trong mùa hè. Các cầu thủ sẽ đạt được tình trạng tốt nhất nếu có ý thức và chuẩn bị đúng cách. Tinh thần đồng đội cũng sẽ trở nên tốt đẹp khi mọi cầu thủ đều có dịp ra sân, chơi bóng mà không có áp lực phải thắng, sinh hoạt trong đội thì đôi khi cũng giống như những chuyến cắm trại, toàn chuyện vui đùa. Vào mùa bóng thật, không dễ có những cảnh ấy. Tôi rất thích giai đoạn trước mùa bóng này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.